Lại có sự nhầm lẫn khi đọc “Truyện Kiều”

Thứ Hai, 11/01/2016, 08:00
Ở bài viết "Hậu nhân làm méo mó Truyện Kiều?" (đăng chuyên đề VNCA số 269 ngày 24-12-2015), tác giả Nguyễn Văn Toàn viết: "Và dù trong đêm tân hôn, Thúy Kiều có xin đổi duyên "cầm sắt" (vợ chồng) với Kim Trọng thành duyên "cầm kỳ" (tri kỷ) thì cũng không ai có thể khẳng định cái duyên "cầm kỳ" ấy lại chiếm vị thế độc tôn mãi mãi trong cuộc sống vợ chồng giữa hai con người trần gian xác thịt".

Phải khẳng định rằng: Trong đêm tân hôn của Kiều và Kim Trọng, không có lời nói nào của Kiều là đổi duyên "cầm sắt" ra duyên "cầm kỳ". Xin tác giả Nguyễn Văn Toàn xem lại “Truyện Kiều” đoạn từ câu 3131 trở đi (đoạn này nói về đám cưới Kim - Kiều, nói về đêm tân hôn) thì sẽ rõ. Tác giả đã có sự nhầm lẫn về thời điểm mà nàng Kiều nói câu đó.

Sau những năm lưu lạc, khi gặp mặt người thân, nàng Kiều có ý định tiếp tục đi tu nhưng nghe lời cha (Vương Ông) nàng lại về sum họp với mọi người ở chỗ làm việc quan của Kim Trọng. Trong buổi gặp mặt này có 5 lần đối đáp giữa 3 người: Thúy Vân, Thúy Kiều và Kim Trọng. Mở đầu là Thúy Vân, nàng nói đến "cơ trời" đã "tác hợp" Kim Trọng và Thúy Kiều nhưng rồi "gặp cơn bình địa ba đào" nên duyên chị buộc vào cho em. Thúy Vân chủ động nêu ra giải pháp: tổ chức lễ cưới cho Kim Trọng và Thúy Kiều ("Quả mai ba bảy đường vừa/ Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì"- câu 3075-3076).

Bài in trên Chuyên đề VNCA số 269, phát hành ngày 24-12-2015.

Nghe Vân nói thế, Kiều "... vội gạt đi/ Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ" (câu 3077-3078), nàng càng thấy hổ thẹn cho cuộc đời lưu lạc của mình. Kim Trọng lên tiếng, nhắc lại lời thề thốt xưa và khẳng định "Dẫu rằng vật đổi sao dời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh" (câu 3087-3088). Kiều lên tiếng lần thứ hai, nàng nói rõ chữ Trinh trong đạo vợ chồng quan trọng thế nào mà nàng thì lưu lạc "gió táp mưa sa", không thể đem cuộc đời bụi bặm ("trần cấu") để làm vợ hiền của chàng được, xin "Đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ" (câu 3110); Lưu ý: câu nói của nàng Kiều với Kim Trọng trong buổi gặp mặt chứ không phải trong đêm tân hôn như tác giả Nguyễn Văn Toàn đã viết. Kim Trọng nêu cao việc làm của Kiều "...lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay" (câu 3119-3120). Cha mẹ Kiều cũng đồng ý như Kim Trọng ("Hai thân thì cũng quyết theo một bài" (câu 3128).

Kiều đành "Hết lời khôn lẽ chối lời/ Cúi đầu nàng những vắn dài thở than" (câu 3129-3130). Sau đó, đám cưới Kim - Kiều được tổ chức ("Hoa soi ngọn đuốc, hồng cheo bức là/ Cùng nhau giao bái một nhà/ Lễ đà đủ lễ, đôi đà xứng đôi/ Động phòng dìu dặt chén mồi/ Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa" (câu 3133-3136). Trong đêm tân hôn, Kiều nói thực lòng với chồng: "Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi/ Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may" (câu 3147-3148). Nói đến quan hệ vợ chồng là nói đến quan hệ tình dục, là nói đến đường con cái. Nàng Kiều không muốn chuyện đó xảy ra, nàng bảo chồng: "Cửa nhà dù tính về sau/ Thì đà em đó lọ cầu chị đây" (3159-3160). Ý của Kim Trọng thế nào? Chàng bảo:

Bấy lâu đáy bể mò kim
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa
Ai ngờ lại họp một nhà
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm

(câu 3175-3178)

Thế là rõ: Chẳng cần chuyện "chăn gối" mới ra vợ chồng! Hai người cùng một ý, cùng tôn trọng tình yêu trong sáng, tình yêu không nhuốm màu nhục dục. Họ vẫn là vợ chồng. Trong tình vợ chồng có cả tình bạn (chứ không phải đổi chuyện vợ chồng thành tình bạn!). Ta xem Nguyễn Du nói về họ: "Hai tình vẻn vẻ hòa hai/ Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ/ Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên" (câu 3221-3224).

Điều nhầm lẫn thứ hai của tác giả Nguyễn Văn Toàn là "Với Thúy Kiều, lúc yêu Kim Trọng nàng đã dám trèo tường sang để gặp người yêu...". Lại phải khẳng định: Trong “Truyện Kiều” không có chi tiết này. Người trèo tường là Kim Trọng chứ không phải nàng Kiều (Kim Trọng nói: "Bấy lâu mới được một ngày/ Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là” và chàng "vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông/ Thang mấy rón bước ngọn tường").

Có lẽ tác giả Nguyễn Văn Toàn nghĩ đến việc cha mẹ Kiều về mừng mừng sinh nhật bên ngoại nên Kiều tìm gặp Kim Trọng. Nguyễn Du viết sự việc này như sau: "Thì trân thức thức sẵn bày/ Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường/ Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng/ Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông" và (sau khi nghe Kim Trọng thở than về nỗi nhớ nhung).

Nàng rừng: - gió bắt mưa cầm
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy
Vắng nhà được buổi hôm nay
Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng

(câu 385-388).

Nàng đã sang nhà Kim Trọng bằng cách:

Lần theo núi giả đi vòng
Cách tường dường có nẻo thông mới rào

(câu 389-390).

(Lưu ý: Con đường mà nàng Kiều sang gặp Kim Trọng được nhắc lại ở câu 2751-2752 "Cuối tường gai góc mọc đầy/ Đi về này những lối này năm xưa" khi Kim Trọng về hộ tang chú, trở lại thì thấy...). Nhân đây xin nói thêm: cả Truyện  Kiều, chỉ có một lần nàng Kiều phải trèo tường nhưng không phải gặp Kim Trọng mà là bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư ("Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo bóng trăng tà về tây"- câu 2027-2028).

Bài "Hậu nhân làm méo mó Truyện Kiều?", tác giả Nguyễn Văn Toàn có nhiều ý kiến thú vị, nhận được sự đồng tình cao của người đọc. Nhưng buồn biết bao khi tác giả lại vô tình đứng trong hàng ngũ những "Hậu nhân làm méo mó Truyện Kiều" khi mắc hai sự nhầm lẫn vừa nêu ở trên. Thật đáng tiếc! Đáng tiếc!.

30-12-2015

Nguyễn Duy Hiển
.
.