Ấn tượng về “Cảnh sát hình sự một thời”, tự truyện của Phan Trọng Thắng, NXB Hội Nhà văn, 2019

Ký ức lương thiện

Thứ Bảy, 06/07/2019, 08:03
Là một người con, hiển nhiên sỹ quan Công an Phan Trọng Thắng cũng như những người con khác luôn tri ân nghĩa sinh thành của cha mẹ. Nhưng hoàn cảnh của ông lại rất gian nan, khi cha mất sớm, mẹ một mình gánh vác cả cái “gia đình bé mọn” trên đôi vai gầy...


Những trận đánh án nhớ đời của lính hình sự

Ba mươi bảy năm làm Cảnh sát hình sự trên địa bàn TP Hà Nội, Thượng tá Phan Trọng Thắng đã cùng đồng đội đánh án cả trăm trận. Nhưng có thể nói không có vụ án nào như vụ HB6 khiến người chiến sỹ CAND đau đáu như mang một món nợ với người dân lương thiện bị sát hại đến cả chục năm trời. Đây là vụ trọng án giết người thiêu xác dã man để cướp tài sản diễn ra ngay ở trung tâm Thủ đô, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam tính đến thời điểm 1982.

Một vụ án mà mức độ dã man của kẻ phạm tội đã tới mức vô cùng tàn độc, thú tính. Vụ án HB6 bế tắc điều tra trong suốt 10 năm trời. Đến năm 1992 lại được điều tra tiếp, nhưng không có hồi kết, không đưa được thủ phạm ra trước vành móng ngựa để pháp luật nghiêm trị.

Tác giả chia sẻ: “Tôi rất mong gia đình anh thông cảm và mong tất cả những ai quan tâm đến vụ án này thông cảm. Vì cuộc chiến đấu này, có nhiều khó khăn như trên và không thể: Trăm trận đánh, trăm trận thắng được, và còn phải tuân thủ pháp luật: Chưa thu hồi được tang vật, lời khai chỉ là tham khảo, nên mong linh hồn mẹ anh - con anh thông cảm” (tr.206-207).

Bìa tập sách “Cảnh sát hình sự một thời” của tác giả Phan Trọng Thắng.

 Lính Hình sự đánh án thì như cơm bữa. Đánh án trên đất Việt Nam đã biết bao kỳ công, gian lao. Nhưng đánh án ở nước ngoài thì gian khổ hy sinh bội phần. “Đi Liên bang Nga bắt đối tượng truy nã đặc biệt” (tr. 229-241) là câu chuyện hấp dẫn về một trận đánh án thành công của Phan Trọng Thắng vào thời điểm 1996 (lúc này ông mang hàm Trung tá).

Câu chuyện đan xen lời kể của người trực tiếp đánh án và thông tin báo chí của phóng viên đăng trên Báo An ninh Thủ đô. Lúc nhập cảnh vào Nga, theo hộ chiếu công vụ thì không có gì khó khăn. Nhưng Cảnh sát Nga lại không biết nhân thân của tổ công tác nên ban đầu công việc có trở ngại, khó khăn. Cũng phải mất hai tuần mọi việc mới được thu xếp ổn thỏa, “máy” bắt đầu chạy.

Bức ảnh tác giả chụp trên nền bãi tuyết mênh mông mùa Đông nước Nga cho thấy, riêng chuyện đối chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đã là một thử thách lớn với người chiến sỹ Công an trên xứ người. Đối tượng Vũ Văn Nam phạm tội lừa đảo đã bị bắt. Có thể do bí mật nghiệp vụ nên tác giả chỉ kể rất ngắn gọn về chuyên án này. Nhưng 5 năm sau, nó được giải mật bằng bài báo viết rất chi tiết do phóng viên Đức Anh thực hiện đăng trên Báo An ninh Thủ đô (số 568, ra ngày 6-3-2001).

Phía sau người lính hình sự

Là một người con, hiển nhiên sỹ quan Công an Phan Trọng Thắng cũng như những người con khác luôn tri ân nghĩa sinh thành của cha mẹ. Nhưng hoàn cảnh của ông lại rất gian nan, khi cha mất sớm, mẹ một mình gánh vác cả cái “gia đình bé mọn” trên đôi vai gầy.

Không thể nói là dư dả khi một mình mẹ bươn chải kiếm sống nuôi đàn con (năm con đẻ và một con nuôi): “Nhà tuy đói, nhưng lúc nào mẹ cũng dặn dò anh em chúng tôi: Đói cho sạch rách cho thơm” (tr.24).

Do sinh ra trong cảnh đói nghèo nên: “Mẹ tôi là người không biết chữ, nhiều khi theo mẹ về bên ngoại, tôi thấy mẹ thường bảo các cậu: Tao không biết chữ là vì phải ở nhà lao động sản xuất cho tụi mi đi học. Giờ tụi mi không cố gắng mà phấn đấu thì sau này đừng có trách móc ai” (tr.32). Khi mẹ về nhà chồng thì: “Cũng vì muốn cuộc sống của các con no ấm mà mẹ suốt ngày phải tần tảo lo hạt thóc miếng cơm cho cả nhà.

Những buổi nắng chang chang mẹ vẫn không ngưng nghỉ chân tay ngoài đồng, bóng mẹ mặc áo tơi lom khom như cái cò, cái vạc để mò con cua bắt con ốc về cải thiện bữa ăn cho các con yên tâm ở nhà cắp sách tới trường. Cha tôi mất sớm, nhà tôi như mất đi cây trụ chính. Anh em chúng tôi không những đã mất đi chỗ dựa về tinh thần, tình cảm, mà còn mất đi chỗ dựa lớn về kinh tế. Một mình mẹ tôi lam lũ làm lụng, phải đứng lên vật lộn với cuộc sống để kiếm miếng cơm manh áo là vô cùng cực nhọc” (tr.34).

Gia cảnh của gia đình tôi (người kể chuyện) thật điển hình cho sự neo túng: “Thời gian mẹ tôi sinh em Phan Thị Mai cũng là lúc chị dâu cả sinh con gái đầu lòng là Phan Thị Hiệp, rồi vợ anh Khải tên là Bùi Thị Thận cũng sinh con gái Đỗ Thị Thiện (sau này đổi tên tức là Thanh). Thế là cùng một lúc trong nhà tôi có có ba đứa trẻ, ba bà mẹ cùng một lúc thay phiên nhau nên có lúc cháu bú bà, em bú chị nên trong nhà cũng cảm thấy không khí thêm đầm ấm.

Nhưng xét cho cùng, công việc chăm sóc trẻ con vẫn chủ yếu dồn vào đôi tay của mẹ tôi. Một mình mẹ bú mớm cho cả ba đứa trẻ nên thân hình cũng teo tóp đi” (tr.36). Đúng như dân gian nói: “Trăm dâu đổ đầu tằm”.

Nhưng ông Trời dường như có phần ưu ái chăng khi phù hộ cho bà mẹ sống khỏe, sống lâu ngoài một trăm tuổi. Bà mẹ vĩ đại của sáu đứa con đi vào cõi vĩnh hằng năm 2008. Sáu năm sau, năm 2014, mẹ được truy tặng danh hiệu vinh quang BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG - Mẹ Nguyễn Thị Ngân (mẹ của hai liệt sỹ Phan Trọng Nhiễm và Phan Đình Trọng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam). Bà mẹ anh hùng đã hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,...

Sỹ quan Công an Phan Trọng Thắng là người hạnh phúc vì có người vợ - người bạn đời lý tưởng - Vương Thị Kim Chi. Chị Chi về nhà chồng cũng như cảnh mẹ chồng về nhà chồng năm xưa, trong cảnh ngộ đói nghèo gian lao vất vả. Nhưng nhờ có tấm lòng thơm thảo, nhờ có lòng nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhường nhịn, lại có tính hay lam hay làm nên cuối cùng, mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái, hanh thông, trong ấm ngoài êm.

Trước hết chị Vương Thị Kim Chi xứng danh với niềm tin bao đời về một mái nhà ấm cúng, hạnh phúc, đoàn viên là có con ngoan, dâu hiền, rể thảo. Dân gian tổng kết không bao giờ sai: “Dâu là con, rể là khách”. Về nhà chồng, chị Vương Thị Kim Chi không đóng vai khách, mà là vai chủ (dù cho chồng chị chỉ là thứ tư trong 5 anh em ruột).

Dân gian lại tổng kết: “Giàu vì bạn sang vì vợ”, thêm nữa: “Đằng sau người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ”. Với tư cách người vợ, người mẹ trong tổ ấm riêng tây của mình, chị Vương Thị Kim Chi xứng đáng là người phụ nữ thiên lương “vượng phu ích tử”. Nhưng có lẽ khiến người đọc cảm phục nhất chính là hành xử cao cả vì nghĩa trọng, vì tình thương yêu mẹ chồng như mẹ đẻ của chị.

Khi mẹ chồng ngoài trăm tuổi (người già như ngọn đèn trước gió), cơ thể hao gầy, thậm chí có thể nói là xác xơ, nằm một chỗ. Như một người con đẻ của mẹ, chị Chi nâng giấc, chăm sóc mẹ chồng tận tình, chu đáo như mẹ đẻ ra mình. Lạ gì cảnh người già nằm một chỗ lâu ngày, da thịt lở loét, bê bết, thậm chí hoại tử, hôi hám. Đã có thảm cảnh (tôi, người viết bài này chứng kiến) khi mẹ ốm liệt, con đẻ cũng không chịu nổi, nên thuê nhà khác, thuê giúp việc chăm sóc, chỉ thỉnh thoảng đáo qua thăm hỏi, như thể chỉ là người họ hàng.

Bà mẹ tội nghiệp ấy đã ra đi ở một ngôi nhà không phải của mình hay của con trai mình, mà ở một nơi rất xa, bên một người giúp việc rất xa lạ, giây phút lâm chung không nhìn thấy mặt con trai hay con gái. Chị Vương Thị Kim Chi, trái lại đã không quản khó khăn, nhọc nhằn, đã kiên nhẫn làm mọi việc với tình thương bao la, thương người như thể thương thân (biết đâu chị nghĩ mai sau mình mà nằm xuống thì con dâu cũng sẽ chăm mình như bây giờ mình chăm sóc mẹ chồng).

Tác giả rưng rưng viết: “Tôi cảm ơn cuộc đời này, cảm ơn mẹ cùng những người đồng đội tin cậy đã chia sẻ động viên trong những lúc khó khăn. Nhưng cũng phải nói mẹ là tất cả và là điểm tựa nâng đỡ cuộc đời tôi. Nếu như cây không có gốc rễ, đất không có nước nguồn thì chẳng thứ gì tồn tại được. Mẹ tôi cũng vậy như nước nguồn, như cái gốc nuôi dưỡng tâm hồn tôi” (tr.39). Đó là lời tạ từ mẹ và cũng là lời tri ân vợ của người kể chuyện – Thượng tá Công an Phan Trọng Thắng.

Sách vở, truyền thông, phim ảnh đã cung cấp cho chúng ta những câu chuyện điển hình về các chiến sỹ CAND trên trận tuyến vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Trong mỗi câu chuyện cảm động được kể thì phần cảm động nhất vẫn là câu chuyện về “hậu phương” của người chiến sỹ CAND, và thường đó là câu chuyện về người mẹ, người vợ. Có thể nói chị Vương Thị Kim Chi là một điển hình của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, xứng danh truyền thống “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.

Hà Nội, tháng sáu, 2019

Bùi Việt Thắng
.
.