Ký ức lương thiện

Thứ Sáu, 16/01/2015, 08:00
Cảm nghĩ nhân đọc "Không thể mồ côi", tự truyện của tác giả Minh Vân, Nxb Công an nhân dân, 2014

Ký ức lương thiện và viết như một sự tri ân                         

Hành động viết thường bao hàm nhiều nguyên nhân: Nhu cầu tự thân, để có tiếng tăm, là một cuộc chơi, như một sự giải thoát, thậm chí không sai khi viết vì lợi nhuận kinh tế… Nhưng không phải ai cũng cầm bút viết như một sự tri ân cuộc đời, con người. Tôi nghĩ tác giả Minh Vân cầm bút viết cuốn sách này không nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn, trở nên nổi tiếng hay vì một lí do nào đó. Viết, theo như chính tác giả chia sẻ là: "Tôi muốn viết những dòng này để tri ân và để cảm ơn các bác, các cô, chú, các anh chị, với trên 400 nhân chứng mà tôi đã vinh dự, may mắn được gặp gỡ, được nghe nhiều tâm sự của họ". Viết để tri ân "năm bà mẹ của tôi". Viết để tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, và để tri ân cả những người đã đi qua cuộc chiến như những nhân chứng sống với tư cách người can dự. Viết như một sự tri ân chính là văn hóa của văn chương. Văn hóa của nhà văn cũng thể hiện trong mục đích của hành động viết. Vì viết để tri ân cuộc đời và con người nên tác phẩm của tác giả Minh Vân thấm đẫm tình người, tình nghĩa. Chỉ riêng những trang viết về "năm bà mẹ của tôi" đã đủ sức chinh phục cả những độc giả khó tính nhất. Tôi có cảm giác tác giả đã rưng rưng nước mắt khi viết về những bà mẹ của mình. Đó là những bà mẹ Việt Nam anh hùng không có danh hiệu (mẹ Kíu là một điển hình). Viết để tri ân cả mấy thế hệ cha, chú đã xả thân vì nghĩa lớn: "Những cuộc đời đầy sóng gió… Những cuộc đời sẵn sàng chấp nhận hi sinh vì Tổ quốc nhưng lại dạt dào tình nghĩa yêu thương giữa con người với con người". Viết để tri ân nên tác phẩm của tác giả Minh Vân thấm đẫm chữ Tình, Nghĩa, Lễ - đó là tôn trọng, đề cao đồng bào, đồng chí. Và đặc biệt tôn trọng, đề cao lãnh đạo, mà theo tác giả là do "đi một ngày đàng học một sàng khôn", do "trông người mà ngẫm đến ta" (một phẩm tính đáng quý của người dân Singapore là "Tính tôn trọng lãnh đạo"). Đây là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm mà tác giả Minh Vân không hề né tránh. Tuy nhiên bà viết rất thẳng thắn, không lấy lòng ai và cũng không làm mất lòng ai. Đó vừa là lí trí vừa là tình cảm đến độ của người viết.

Ký ức lương thiện như một "dĩ vãng phía trước"

Một cá nhân, một thế hệ, một giai cấp, một dân tộc và cả nhân loại đều có ký ức của mình. Nhưng có nhiều loại ký ức, có ký ức trở thành "hội chứng tinh thần" như những người lính Mỹ trở về sau chiến tranh với "hội chứng Việt Nam". Cộng đồng Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh có ký ức "máu và hoa" như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ "Việt Nam máu và hoa" (1973) - "Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau, thắm những ngày". Gần đây xuất hiện một số hồi ký, ở đó người đọc nhận ra người viết thiếu hẳn sự tử tế, nói cách khác ở đó vắng bóng những ký ức lương thiện. Sở dĩ nói như thế là vì ở đó độc giả nhiều khi không hiểu vì lí do gì mà có tác giả lại quay quắt đay nghiến đồng loại, đồng bào của mình. Lại có người dựa vào tự truyện hoặc hồi ký để thổi phồng cá nhân mình, khiến thiên hạ "đục", chỉ có mình là "trong". Họ không tính đến hiệu quả thẩm mỹ và đạo đức của loại ký ức thiếu lương thiện ấy, dường như họ chỉ tính đến "cái Tôi" bành trướng trên trang giấy.

Viết để không được phép quên quá khứ, tôi nghĩ, đó là xác tín của tác giả Minh Vân: "Nhắc lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp", "Hồi tưởng quá khứ  để có trách nhiệm với thế hệ tương lai". Vì thế mà dĩ vãng trong tác phẩm của tác giả Minh Vân thuộc kiểu "dĩ vãng phía trước" (theo cách đặt tên sách của nhà văn Ngô Thảo cho tác phẩm "Dĩ vãng phía trước" xuất bản cách đấy chưa lâu). Cảm hứng về tương lai nhiều khi có "chân đế" vững chắc vì cắm sâu vào quá khứ. Ký ức lương thiện là loại ký ức nhờ nó mà tương lai được đoán định bằng kinh nghiệm của quá khứ.

Ký ức lương thiện thể hiện trong thái độ công bằng với lịch sử. Không ai làm lại được lịch sử, chỉ có thể công tâm, công bằng, khách quan, khoa học trong đánh giá nó mà thôi. Tác giả Minh Vân ý thức được sâu sắc điều đó khi viết: "Lịch sử cũng có hai mặt để đánh giá, tùy vào quan điểm của mỗi người đứng về phía nào". Vấn đề "chỗ đứng" của nhà văn tưởng đã cũ kĩ, hóa ra lại mới mẻ và quan thiết đối với người cầm bút sáng tác. Chỗ đứng quy định cái nhìn hiện thực: "Không có hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống. Và cũng không có thiên đường nào chỉ toàn màu hồng". Sự thành đạt của nhân vật "Tôi" trong tác phẩm, theo dòng ký ức, cũng đã trải qua một "tuổi thơ dữ dội", và khi trưởng thành, lập thân lập nghiệp cũng "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Sự hấp dẫn của tác phẩm "Không thể mồ côi" của tác giả Minh Vân, theo tôi, nhờ rất nhiều vào cách thể hiện có màu sắc cá tính một ký ức lương thiện.

Mối duyên giữa người chắp bút và tác giả

Người ta vẫn nói nhà xuất bản và người biên tập có con mắt xanh khác nào "bà đỡ mát tay" cho những "đứa con tinh thần" của nhà văn ra đời. Sự thành công của tác phẩm "Không thể mồ côi" tất nhiên trước hết là nhờ nội lực của tác giả Minh Vân, nhưng thử hình dung nếu thiếu bàn tay của người chắp bút - nhà văn Đặng Vương Hưng. Thử hình dung lao động chữ nghĩa của nhà văn Đặng Vương Hưng trên mấy trăm trang bản thảo tiếng Việt không có dấu, sắp xếp lại các phần đoạn cho hợp lí, sẽ thấy một sản phẩm văn chương ra đời là biết bao công trình của không chỉ một người. Biết thêm một thông tin như thế để thấy nghề viết cũng lắm công phu.

Hà Nội, tháng 12/2014
Bùi Việt Thắng
.
.