Kiểm soát phát hành đang gặp khó

Thứ Sáu, 02/12/2016, 08:00
Chúng ta tranh cãi với nhau khá nhiều xoay quanh những "hiện tượng" mạng xã hội bấy lâu nay như Lệ Rơi, Công chúa Thủy tề hay Dương Minh Tuyền mà quên mất một thực tế vô cùng cốt lõi. Ấy chính là họ trở thành các hiện tượng tai tiếng trên mạng dựa trên nền tảng nào? Dễ hiểu, họ đều xuất phát từ chung một điểm: "tạo ra các nội dung kỹ thuật số, và tự xuất bản nó theo cơ chế tự do của mạng xã hội hôm nay".


Chắc không còn nhiều người nhớ tới "Căn hộ 69", một dạng "web series" (phim dài kỳ trên nền tảng web), được phát tán trên youtube cách đây hai năm. "Căn hộ 69" đã tạo ra những luồng dư luận công kích mạnh mẽ vì sự dễ dãi, dung tục của nó. Nhưng kết cục, xử lý nó như thế nào đây? Bất khả. Nó vẫn nằm trên youtube và chỉ cần tìm kiếm trong vòng chưa đầy 1 giây, bạn có thể xem được từng phần của nó.

Trong một cuộc trò chuyện với tôi, một cán bộ quản lý cấp phòng của Sở Văn hoá - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Hồi đó dư luận kêu quá. Tụi tui không biết làm sao. Đành gọi mấy đứa nhỏ lên, nhắc nhở và nói nó đừng có làm nữa. Nhưng nó có làm nữa thì tụi tui cũng chịu".

Chia sẻ ấy cho thấy sự bất lực thực sự của ngành quản lý văn hóa, kiểm duyệt văn hoá ở giai đoạn bất kỳ ai cũng có thể là chủ một "kênh truyền hình" (mở kênh youtube rất dễ) và chủ một "tờ báo" trên mạng xã hội.

Chia sẻ của người cán bộ Sở ấy khiến tôi đặt ra cho anh câu hỏi: "Phải chăng cơ chế kiểm duyệt bây giờ đang gặp bế tắc? Cách đây hơn chục năm, muốn phát hành một nội dung audio hay video, người phát hành phải xin phép Sở quản lý, qua thẩm định nội dung rồi mới được cấp phép. Còn bây giờ, chẳng cần phép tắc thẩm định gì cả, cứ sản xuất xong, tung lên internet là đủ".

Và câu trả lởi cũng rất đơn giản. Quản lý văn hoá thuộc Sở Văn hoá thể thao và du lịch. Còn quản lý trên internet thì lại thuộc Sở Thông tin truyền thông. Khi các nội dung kia được số hoá để trở thành thông tin, dữ liệu trên internet, Sở VHTTDL coi như không có thẩm quyền.

Trước đây, chúng ta vẫn có cơ cấu quản lý ngành là Sở Văn hoá Thông tin. Sự thay đổi về quản lý nhà nước đã dẫn tới bất cập như vậy, tức là tạo ra một kẽ hở để những nội dung nhảm nhí lan tràn trên internet bởi cả hai ngành đều không thể vươn tay quản lý tới nó.

Nhưng ở thời hiện đại này, suy cho cùng, nếu có thành lập một cơ quan liên ngành Văn hoá Thông tin để quản lý đi nữa, cũng không thể nào chạm tới những nội dung trên youtube. Dễ hiểu, youtube không mở văn phòng ở Việt Nam, không mở chi nhánh hay công ty con ở Việt Nam. Dữ kiện mà người dùng đăng tải lên youtube cũng vì thế được coi là những nguồn thông tin ngoại nhập, vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng nhà nước.

Tuy nhiên, youtube tuy lớn nhưng chỉ là một cá biệt. Trên internet hiện nay, rất nhiều trang nguồn gốc đăng ký ở Việt Nam như zing, nhaccuatui… vẫn hồn nhiên đăng tải các video chưa qua kiểm duyệt và người chịu trách nhiệm duy nhất là cá nhân điều hành các trang mạng ấy. Nếu có nhắc nhở từ cơ quan quản lý nhà nước, họ sẽ gỡ bỏ, hứa không tái phạm nhưng sau đó, nếu người dùng tiếp tục đăng tải lên, họ cũng mặc kệ, coi như mình không chịu trách nhiệm gì.

Như vậy, rõ ràng một vấn đề rất đáng quan tâm đã được mở ra. Đó chính là vai trò của quản lý và kiểm duyệt nhà nước đối với các nội dung được lưu hành trên internet. Vai trò ấy chưa được phát huy, vì vậy mà đang có rất nhiều cá nhân tạo nội dung vẫn chăm chăm nhắm vào mục đích: càng sốc, càng bẩn, càng dị hợm thì càng dễ phát tán và mau chóng nổi danh… Và nổi danh cũng chính là thứ mà họ đang cần, bởi từ danh, chắc chắn sẽ có lợi…

Văn Đoàn
.
.