Khủng hoảng nhân đạo và cái gọi là “hội chứng” đám đông

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:00
Chuyện kể rằng có một gia đình bỗng có một ông khách không mời mà đến. Ông ta "trình bày hoàn cảnh ở quê quá nghèo không tìm ra kế sinh nhai, lại lộn xộn trộm cắp, cờ bạc, nghiện ngập, giết người …nên đến xin ở nhờ một thời gian, khi nào xin được việc thì sẽ đi khỏi. Nhà chủ không biết nguồn gốc người này, cũng không biết lý do anh ta nói ra có đúng không? Thời buổi nhiễu nhương ai mà tin được?

Tai họa nhãn tiền còn đó chứ đâu xa. Không ít chuyện vì thương người, nhà chủ cho người quen, người đã từng làm thuê cho mình trước đây ngủ nhờ qua đêm. Sáng hôm sau cả nhà thành nấm mồ - cả nhà bị kẻ xin ngủ nhờ sát hại dã man. Do đó chủ nhà không dám cho người khách ở nhờ trong gia đình mình. Thế là người nọ truyền tai người kia chê bai, chỉ trích, phê phán, lên án…cho rằng chủ nhà từ chối khách trong cơn hoạn nạn thế là vô cảm, thiếu lương tâm vv và vv… Khi nhà chủ phản ứng lại rằng: "Ừ, tôi nhận là người xấu. Các người có lòng tốt sao không rước về mà nuôi?". Thế là dư luận ồn ã khép lại dần rồi im hẳn. Thế mới biết, ai cũng nói giỏi được nhưng làm giỏi mới là khó?

Khi dòng người tỵ nạn ùn ùn kéo vào châu Âu, một số nước không muốn nhận hoặc nhận ít. Thế là ầm ầm lên án trong cơn "tổng sỉ vả", nào thiếu nhân đạo, vô lương tâm, lãnh đạm thờ ơ trước nỗi khổ người khác - làm lung lạc, lúng túng các nhà lãnh đạo và gây mâu thuẫn cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Từ khi có hình ảnh bé Aylan chết trên bãi biển, phong trào kêu cứu cho người tỵ nạn vào châu Âu sôi sùng sục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi hay nhìn thế giới ở góc nhỏ, hay qui cái phức tạp thành cái đơn giản cho dễ hiểu.

Thế giới đang đối mặt với khủng hoảng người di cư.

Chuyện châu Âu chả khác gì trường hợp của gia đình nọ kể trên. Nói thì quá giỏi, quá có lý như "Rồng bay, rồng cuốn". Nhưng khi đề nghị nhận giúp, san sẻ gánh nặng thì "lờ lớ lơ" để xem đã (trừ Mỹ và Úc xin nhận một chút)? Trong khi châu Âu đang đối mặt với không ít phức tạp: Nền kinh tế Hy Lạp suy sụp, thất nghiệp cao, mấy vụ xả súng ở các nước và cả trên tàu cao tốc, kinh tế tăng trưởng chậm…không còn là nơi an toàn cho chính người dân châu Âu? Sẽ ra sao khi châu Âu nhận thêm gánh nặng "cái gọi là khủng hoảng nhân đạo" hàm chứa đầy những rủi ro?

Tôi tán thành với cách mà những nhà lãnh đạo châu Âu đang xem xét, bàn bạc, điều chỉnh chính sách và biện pháp. Không thể cứ ào ào, vô tư cứu vớt được. Phải phân loại cho rõ ràng để tránh sự lợi dụng "té nước theo mưa". Châu Âu không phải là nơi có nghĩa vụ làm giàu cho kẻ khác - trong khi ở nước họ, họ vẫn sống được, vậy mà còn mơ đến "miền đất hứa" để có cơ hội giàu thêm?

Loại này phải trả về, không thể là lý do nhân đạo. Còn đám nghi khủng bố trà trộn trong dòng người tị nạn phải tạm giam ngay để xác minh sau. Ra đi vì chiến tranh thì trước mắt cứu giúp, nhưng hết chiến tranh thì phải trả về rồi hỗ trợ, giúp đỡ họ và quốc gia có chiến tranh ổn định cuộc sống. Số thực sự đói nghèo do điều kiện nơi họ ở không còn phương cách nào để sống được thì cứu xét bằng các cách khác nhau, cho ở lại châu Âu tạo điều kiện cho họ công ăn việc làm để họ có thể sống bằng chính sức lao động của mình - chứ không nhận trợ cấp thất nghiệp mãi, ăn bám vào lưng người lao động châu Âu - trong khi họ phải lao động cật lực?

Như vậy là không công bằng. Cũng không hẳn phải ở lại châu Âu, có thể cả thế giới xúm vào tìm nơi ở mới có điều kiện sinh sống được, hay nơi đất rộng, người thưa, đầu tư, cải tạo môi trường để họ sinh sống lâu dài. Thôi! Chuyện đó đã có những bộ óc "siêu đẳng" trí tuệ của các nhà lãnh đạo châu Âu. Tôi muốn bàn về phạm trù NHÂN ĐẠO.

Từ khi có Internet cùng là lúc "Hội chứng đám đông" xảy ra mạnh mẽ và rộng khắp toàn cầu. Nhiều khi dân chúng chỉ là cảm nhận trực giác mà mất lý trí, làm rối trí lãnh đạo các quốc gia - họ dễ bị áp lực dư luận thiếu đi sự sáng suốt - thậm chí bị cuốn vào vòng xoáy dư luận. Như cậu bé Aylan chết úp mặt trên bãi biển đã đánh mạnh vào lòng trắc ẩn, tình thương, lương tri con người. Các nhà lãnh đạo lo ngại trước làn sóng phản đối nên chiều theo đám đông, mà thiếu đi sự tỉnh táo không lường hết hậu họa về sau - khi những người tỵ nạn đã ấm chỗ mới là sự bắt đầu của chuyện phức tạp: Sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, phong tục, thói quen, ứng xử xã hội, truyền thống…sẽ dẫn đến va chạm, xung đột dù không mong muốn.

Rồi sự so sánh đòi hỏi về mức lương, mức sống với người bản địa ngộ nhận rằng mình bị thiệt thòi, không công bằng. Họ đâu nghĩ tới người châu Âu phải làm cật lực mấy chục năm mới có được nhà cao cửa rộng, ô tô, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ… như thế. Và họ quên rằng khi họ đang chết đuối được người châu Âu rất nhân văn, nhân đạo giang tay cứu vớt? Từ đó sinh ra các hành vi ghen tỵ, phản ứng, gây sự, bạo lực và nổ súng vào chính những người đã giúp đỡ mình?

Lúc đó ai đứng ra giải quyết? Là tổng thống, thủ tướng, các nhà lãnh đạo châu Âu chứ bắt dân giải quyết à? Hay đổ lỗi cho dân: Tại các người gây sức ép bắt tôi phải làm thế? Dân sẽ phản ứng lại rằng: Thế chúng tôi bầu các ngài làm lãnh đạo để làm gì nếu các ngài tiềm năng cá nhân cũng tầm tầm như chúng tôi - không có trí tuệ vượt trội, có tầm nhìn xa, sự quyết đoán kịp thời và đúng đắn? Một câu hỏi không dễ trả lời?...

Xin nhớ rằng, thế giới ngày nay đã khác nhiều những thập niên sau chiến tranh thế giới thứ 2 -  "thời gian vàng" khá yên bình để các quốc gia xây dựng và phát triển đất nước. Thế giới đã quá đủ phức tạp, đến nỗi khó phân định một cách rạch ròi đâu là nguyên nhân các sự việc xảy ra - nhiều khi là nguyên nhân tổng hợp của đủ thứ bà rằn. Vì vậy quan điểm nhân đạo không phải là phạm trù vĩnh viễn không thay đổi? Có khi trước mắt nhân đạo với một nhóm, số ít người hóa ra về lâu dài lại không nhân đạo với số đông?

Lưu Chí Thiện
.
.