Không thể cư xử kiểu "rừng rú"

Thứ Năm, 21/03/2019, 08:40
Thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề vô cùng nổi cộm, nhất là khi chúng ta tham gia vào CPTPP. Đặc biệt, khi đã tham gia toàn diện vào CPTPP, khả năng những vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ có thể được hình sự hóa là rất lớn, khi hệ quả của nó tác động quá mạnh lên những người bị hại...


Chỉ trong vòng một tháng, làng giải trí, văn hoá đã có hai sự kiện có thể nói là "chấn động". Thực tế, hai sự kiện đó không ầm ĩ, rình rang như những scandal tình-tiền rẻ mạt của showbiz nhiều năm qua, nhưng nó lại thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người làm nghề. Cả hai đều là những vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chắc chắn, nó sẽ để lại một dấu mốc thực sự cho các ngành nghệ thuật, văn hoá, giải trí và truyền thông ở Việt Nam.

Trung tuần tháng 2, Tòa sơ thẩm TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã chính thức công nhận họa sĩ Lê Linh thắng kiện và là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" trong vụ kiện giữa ông và Công ty Phan Thị.

Đây là một vụ tranh cãi kéo dài giữa hai bên và bản thân họa sỹ Lê Linh cũng đã phải mất rất nhiều công sức mới có thể có được sự công nhận chính thức như ngày hôm nay. Và vụ thắng kiện ấy đã là động lực rất lớn để đạo diễn Việt Tú bước vào phiên tòa tương đồng với phía Công ty Tuần Châu liên quan đến tác phẩm sân khấu thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài".

Trước khi diễn ra phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Việt Tú và Công ty Tuần Châu, đạo diễn trẻ Hoàng Nhật Nam, người được coi là đạo diễn vở "Tinh hoa Bắc bộ", vở diễn sao chép ý tưởng của "Thuở ấy xứ Đoài" đã rút đơn kiện đạo diễn Việt Tú với cáo buộc sao chép tác phẩm ở TAND quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Nhưng khá lạ, ở ngày Việt Tú và Công ty Tuần Châu ra tòa, Hoàng Nhật Nam lại tái gửi đơn kiện với cáo buộc tương tự lên TAND quận Bình Thạnh một lần nữa. Song, có vẻ như lần gửi đơn này của Hoàng Nhật Nam đã "việt vị" khi tại phiên toà xét xử tranh chấp giữa Việt Tú và Công ty Tuần Châu, một công văn của Hội Nghệ sĩ sân khấu đã được công bố với nội dung đại ý là vở "Tinh hoa Bắc Bộ" là một phái sinh của vở "Thuở ấy xứ Đoài".

Vụ tranh chấp giữa Việt Tú và Công ty Tuần Châu khá phức tạp bởi nó không chỉ liên quan đến quyền nhân thân (quyền tác giả), mà còn liên quan đến những công nợ giữa hai bên khi còn cộng tác. Nhưng dư luận chủ yếu muốn biết kết quả cuối cùng một cách rõ ràng là Việt Tú có được công nhận toàn bộ về quyền tác giả hay không, bởi điều đó còn liên quan đến vở "Tinh hoa Bắc Bộ" mà Hoàng Nhật Nam làm đạo diễn. 

Những tranh chấp kể trên cho thấy thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề vô cùng nổi cộm, nhất là khi chúng ta tham gia vào CPTPP. Đặc biệt, khi đã tham gia toàn diện vào CPTPP, khả năng những vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ có thể được hình sự hóa là rất lớn, khi hệ quả của nó tác động quá mạnh lên những người bị hại.

Và trên thực tế, ngoài hai vụ nổi cộm kể trên, việc vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và bị xử lý "nhẹ nhàng" cũng đã diễn ra khá nhiều gần đây, nhất là ở mảng nội dung trên youtube, mà điển hình nhất là vụ nhà phát hành âm nhạc CGM mới khiếu nại Yeah1, Điền Quân và Cát Tiên Sa lên youtube khi các đơn vị kể trên vi phạm bản quyền bản ghi âm của họ trong các nội dung đăng tải của mình. 

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn có thói quen "dùng bừa cái có sẵn" với suy nghĩ đơn giản về trách nhiệm ràng buộc của mình. Và thói quen đó, nói theo lời một CEO của một tập đoàn truyền thông lớn là "thói quen rừng rú". Và hiện thời, bắt đầu đã có một số công ty truyền thông lớn tổ chức các buổi tập huấn riêng về luật sở hữu trí tuệ cho đội ngũ sáng tạo và sản xuất của mình để tránh tình trạng thiệt hại lớn chỉ vì một vi phạm nhỏ.

Làm truyền thông rất khó nhưng làm truyền thông cho đúng chuẩn mực luật pháp cũng như công ước quốc tế còn khó hơn nữa. Thực sự, truyền thông và giải trí Việt đã chuyển mình khá mạnh sau khi Việt Nam tham gia công ước Berne, nhưng nhiều công ty, tập đoàn vẫn hoạt động theo phương thức lạc hậu của những ngày mới thoát khỏi bao cấp. 

Hai vụ kiện của Lê Linh và Việt Tú chắc chắn sẽ là một bài học điển hình để những người bỏ tiền phải cân nhắc hơn trước khi nhận những hậu quả lớn đến mức không thể lường trước.

Văn Đoàn
.
.