Ý kiến ngắn

Không thể chỉ là giải trí

Thứ Sáu, 19/08/2011, 08:10
Nhân dịp các con được nghỉ hè, tôi tranh thủ soạn một ít sách truyện cho các cháu đọc. Trước đây, tôi thường bỏ lửng việc này, để mặc các cháu thích gì đọc nấy. Và tôi không thực hài lòng khi thấy những sách các cháu cầm đọc thường là những cuốn truyện tranh không biết chúng mượn hoặc mua ở đâu...

Dĩ nhiên ai cũng biết, với trẻ em, truyện tranh có một sức thu hút mạnh. Tôi nhớ trước đây, thời còn cắp sách tới trường, chúng tôi từng chụm đầu vào nhau, mê đắm lật giở từng trang truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài với tranh minh họa rất đẹp, rất sinh động của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Giờ thì chẳng nhớ trong chúng tôi, ai xem tranh là chính, ai đọc truyện là chính, nhưng chắc chắn một điều, cuốn truyện tranh ấy đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.

Cũng vậy, trong những sách dịch nước ngoài, tôi đặc biệt ấn tượng cuốn truyện tranh "Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratinô" của nhà văn Nga Alếcxây Tônxtôi. Ở thời mà sách báo in tại Việt Nam thường đen nhẻm, có trang còn vương cả sợi nứa thì việc có một cuốn truyện tranh in giấy trắng muốt, màu sắc rực rỡ như thế quả là chuyện lạ, như thể con công xuất hiện giữa bầy gà vậy, cho nên ai đã được đọc, được xem cuốn sách hẳn không thể không nhớ. Nhắc lại vậy để thấy, tôi không "kỳ thị" gì chuyện tranh. Điều tôi không hài lòng là trong những cuốn sách mà các cháu nhỏ (trong đó có con mình) hay đọc, thấy có nhiều hình ảnh nhâng nháo, phản cảm, những ngôn ngữ chợ búa. Thậm chí, như báo chí đã phản ánh, không ít cuốn cho in hình bé trai bé gái hôn nhau, bé gái chỉ mặc độc xilíp, xu chiêng!  Không ít cuốn, tiếng là chuyện về danh nhân, ca ngợi ý thức học tập vươn lên của các vị, song nội dung lại không thật giống những gì chúng tôi từng đọc về các vị trước đây. Các nhà làm sách quá mải chú ý vào những pha giật gân, gay cấn mà ít chú ý tới những điểm nhấn có tính giáo dục trong truyện, bởi thế mà đọc sách, ta gặp không ít đoạn, kiểu "ối, á", "chát, bụp", "ì, à", rồi những tiếng cười mang nặng ngôn ngữ thời công nghệ thông tin, kiểu như "he he", "hi hi". Nói chung là mất đi rất nhiều sự nghiêm túc mà những cuốn sách loại này đúng ra cần phải có.

Nhân nhắc tới các sách về danh nhân, tôi lại nhớ mấy mươi năm trước, nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức biên soạn rất tốt bộ sách danh nhân mà cả trẻ em và người lớn đều thích đọc. Tôi thường gọi đùa đây là bộ sách "đầu người" bởi vì ở bìa của những cuốn sách này thường bao giờ cũng in tranh chân dung bán thân của các danh nhân. Sách thường gọn, chỉ tầm 150 trang đổ lại và nói được bao quát cuộc đời nhân vật với những câu chuyện sinh động hấp dẫn. Hầu như cuốn nào cũng có tranh minh họa và bên dưới mỗi bức tranh là lời "thuyết minh". Trong số những cuốn này, tôi thích nhất là cuốn "Êđixơn" viết về cuộc đời hết sức sổi nổi, thú vị của nhà phát minh thiên tài người Mỹ Êđixơn (Thomas Edison). Đến nay, dễ đã hơn ba chục năm, song tôi vẫn nhớ tình tiết: Một tối nọ, Êđixơn từ công sở trở về. Vì đã khuya, lại thấy ông đi rất nhanh nên một viên cảnh sát sinh nghi, đã giật giọng gọi ông lại. Êđixơn vẫn tiếp tục rảo bước. Viên cảnh sát càng nghi, quát to: "Này, thằng ma cà bông kia, lại đây, điếc hả? Đứng lại, có đứng lại không?". Êđixơn vẫn cắm cúi rảo bước. Viên cảnh sát lập tức rút súng, nhằm vào ông, bắn liền hai phát. Cả hai đều trượt. Nghe tiếng nổ, Êđixơn ngạc nhiên quay lại, hỏi: "Gì thế ông? Tôi nghe có tiếng súng nổ? Ai bắn thế nhỉ?". Viên cảnh sát ngỡ ngàng. Thì ra Êđixơn bị điếc một bên tai. Viên cảnh sát kiểm tra giấy tờ của ông, kể cho ông đầu đuôi câu chuyện. Rồi ông ta kết luận: "May cho ông là tôi không bắn trúng đấy". Êđixơn hóm hỉnh đáp: "May cho tôi và cũng may cả cho ông". Đến đây, tác giả cuốn sách (Bácbu Apêlêvianu) buông một câu cảm thán: "Nhưng cái may đó cũng là cái may chung cho cả nhân loại nữa", bởi nếu Êđixơn qua đời sau phát súng ấy thì "biết đến bao giờ nhân loại mới có được đèn điện thắp sáng, có máy hát để nghe, có tàu điện để đi và quên bớt nỗ ưu phiền khi ngồi xem chiếu bóng". Thật là một câu chuyện giàu kịch tính xen kẽ với những đoạn văn đầy cảm xúc.

Thật tiếc, gần đây, tôi cũng được thấy một cuốn sách về Êđixơn do NXB Kim đồng phát hành, nhưng là truyện tranh với những "hehe", "hihi" có vẻ phường tuồng, chẳng ra thế nào. Tôi hơi thất vọng nhưng cũng có lúc tự hỏi: Hay là bây giờ sách phải vậy mới thu hút được tụi nhỏ. Nhưng ngoài tính giải trí thì yếu tố giáo dục ở đâu?

Lại nhớ câu thơ của Bằng Việt viết năm nào: "Những gác xép bộn bề hy vọng". Những năm tháng nằm trên gác xép, đọc những cuốn sách về hành trình vượt gian khó của các danh nhân, tôi thấy mình được đánh thức bao nhiêu ước vọng đẹp. Và không bao giờ tôi thấy hối tiếc về những năm tháng ấy của mình…

Hữu Thanh
.
.