Không né tránh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm

Thứ Sáu, 17/02/2017, 08:00
Ngày 7-2-2017, tại buổi giao ban báo chí đầu năm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước luôn luôn xác định báo chí là lực lượng xung kích trong công tác tư tưởng của Đảng thì những vấn đề báo chí nêu luôn có giá trị cho công tác lãnh đạo quản lý của cơ quan Đảng, Nhà nước. 


Vậy những vấn đề báo chí nêu trong năm được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, lắng nghe giải quyết và phản hồi ra sao? Hay những vấn đề báo chí nêu mà chưa làm được, chưa có kết quả thì cũng thông tin lại cho báo chí. Làm sao những vấn đề của chúng ta nêu lên không rơi vào im lặng, không rơi vào quên lãng mà luôn được các cơ quan tiếp thu, lắng nghe và phản hồi”.

Thường thì vụ việc liên quan đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân như các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường; sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; tố cáo tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…được các cơ quan báo chí nêu, mặc dù có nhiều vụ việc đã có kết luận của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra, kiểm tra, tưởng là chuyện rõ như ban ngày, nhưng cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ được giao thẩm quyền xử lý, giải quyết đã tìm mọi cách “câu giờ”, lảng tránh trách nhiệm thông báo cho người dân cũng như cơ quan báo chí biết.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi giao ban báo chí đầu năm (7-2-2017).

Nếu những thông tin trả lời công luận có thể gây bất lợi cho cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc cho một nhóm lợi ích nào đó thì câu trả lời theo kiểu đối phó như: Chúng tôi đã nhận được phản ánh, nhưng đây là “vấn đề phức tạp”, “vấn đề nhạy cảm”, chúng tôi đang trong quá trình xử lý, khắc phục những sai phạm, phải chờ thông tin chính thức từ lãnh đạo và sẽ thông tin lại cho báo chí trong thời gian gần nhất…”Gần nhất” ở đây được hiểu là vô thời hạn. Nói là tiếp thu, cầu thị và sửa chữa, nhưng vẫn bao biện, bao che cho sai phạm tìm cách bẻ ghi, nắn dòng, làm cho vụ việc từ to thành nhỏ, nếu có thể thì cho vụ việc “chìm xuồng”, rơi vào quên lãng.

“Có tật giật mình”, người ta vin vào vấn đề “phức tạp”, “nhạy cảm” để từ chối cung cấp thông tin, hay trả lời báo chí. Những người có trách nhiệm phát ngôn thường có tâm lý lo ngại và trong nhiều trường hợp còn có tâm lý sợ hãi khi nói tới các vụ việc phức tạp, nhạy cảm.

Mặc dù vụ việc phức tạp, nhạy cảm không có quy định cụ thể nào, nhưng nói ra dễ bị đụng chạm tới chỗ nọ, chỗ kia, người này, người khác nên tâm lý chung là cứ tránh các vấn đề có thể tạo ra xung đột lợi ích, như thế sẽ đỡ rắc rối cho bản thân, không làm mất lòng ai, không ảnh hưởng tới uy tín của tập thể, đỡ tổn hại đến lợi ích của một nhóm nào đó. “Phức tạp, nhạy cảm” trở thành một bảo bối giúp che chắn, bảo vệ mỗi khi bị dư luận xã hội và báo chí tấn công.

Lẽ ra khi vụ việc đã được kết luận đúng, sai của các cơ quan chức năng thì cần thông báo một cách rõ ràng và minh bạch, vì nó là chuyện giấy trắng mực đen. Thậm chí các cơ quan, đơn vị, địa phương và những người có thẩm quyền xử lý, giải quyết phải có trách nhiệm, chủ động cung cấp cả thông tin lẫn quan điểm, thực hiện nhiệm vụ “phê bình và tự phê bình” của tổ chức lẫn nhiệm vụ giám sát và phản biện của công dân. Rất nhiều người có cơ hội để làm thế, nhưng họ chọn sự im lặng vì họ sợ trách nhiệm và họ chỉ phát ngôn dựa trên việc “đón ý” cấp trên.

Im lặng, lảng tránh phản hồi báo chí của các cơ quan, chính quyền và người có trách nhiệm liên quan đến những vấn đề phức tạp, nhạy cảm mà báo chí đề cập không vô hại mà thậm chí nó trở thành một lực cản với sự tiến bộ xã hội, sự phát triển của đất nước, gây bức xúc cho người dân, làm mất lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.

Điều đáng buồn là dù ai cũng biết công khai và minh bạch thông tin là cần thiết, nhưng vì sao thực hiện vẫn chưa tốt hoặc thực hiện chủ yếu mang tính đối phó, hình thức? Phải chăng là do “ý đồ riêng” và lợi ích cá nhân? Trong nhiều lĩnh vực, việc công khai còn được thực hiện dưới dạng công khai các thông tin mà không ai cần, lại giấu đi những thông tin mọi người rất cần theo kiểu công khai, nhưng thiếu những dữ liệu cơ bản, công khai dưới dạng chung chung.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Báo chí trở thành tiếng nói của nhân dân, đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và giữ gìn uy tín, nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực tế cho thấy, khi chính quyền, các tổ chức, cơ quan có liên quan tới những vấn đề báo chí nêu ra có sự đồng thuận, cùng quan điểm với người dân và các nhà báo trong việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc dư luận thì sự việc sẽ được nhanh chóng được giải quyết. Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm lên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp nâng cao ý thức công dân, làm cho  người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tin tưởng vào sự đồng hành của báo chí cùng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cù Tất Dũng
.
.