Không được “thêu dệt” chính sử

Thứ Sáu, 20/07/2018, 08:13
“Tuyệt đối không được viết bậy trong chính sử”- Đó là ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân – nguyên cán bộ Viện Sử học trước chi tiết Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Trần Thủ Độ trong tập 3, bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, do Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành (2018).


“Các bộ chính sử của Việt Nam và các tài liệu khác viết về thời Trần mà tôi đã đọc, không thấy nói về ông thân sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ. Đó cũng là vấn đề phải tìm hiểu, vì sao? Vậy mà một số nhà sử học lại nói Trần Hoằng Nghị thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. 

Nói ở đâu thì cứ nói, viết ở đâu thì cứ viết - chẳng ai cấm được, nhưng tuyệt đối không được viết bậy trong chính sử. Nếu đã trót in ra sách rồi thì phải thu hồi và công bố rộng rãi để người đọc ngày nay và con cháu đời sau không bị lừa dối”, ông Nguyễn Quang Ân bày tỏ.

Khi bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” ra đời, gồm 9 tập, do Viện Sử học công bố, trong đó nội dung ghi rõ thân sinh Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị, đã khiến một cán bộ từng công tác ở Viện Sử học phải thốt lên: “Quốc sử quán mà viết bậy như thế thì còn biết tin vào đâu nữa?”.

Thiếu tướng Đào Quang Cát: “Không thể đưa nhân vật không rõ xuất xứ vào chính sử”.

Bố đẻ Trần Thủ Độ là ai? Đến nay chúng ta không tìm được bất cứ tài liệu lịch sử đáng tin cậy nào. Trong các tài liệu chính sử của Việt Nam là “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”... đều nói rõ Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé và ở với bác là Trần Lý.

Vậy mà, tập 3, trang 194, Viện Sử học viết về Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ như sau: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên Tổ của nhà Trần là Trần Lý...”. Ở đây, xuất hiện một nhân vật lịch sử mới là “Trần Hoằng Nghị”, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần.

Thạc sĩ Sử học Trần Anh Đức (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đã tiến hành rà soát các bộ chính sử quan phương thời trung đại (Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục…) cũng như một số tác phẩm sử học của Ngô Thì Sỹ, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim… biên soạn nhưng không có một dòng nào ghi chép về thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Đồng thời, việc tra cứu cũng không có bất cứ thông tin nào về nhân vật có tên Trần Hoằng Nghị.

Từ đây, Thạc sĩ Trần Anh Đức bày tỏ: “Có thể đi đến khẳng định rằng, không hề tồn tại nhân vật nào mang tên Trần Hoằng Nghị trong chính sử Việt Nam và Trần Hoằng Nghị cũng không phải thân phụ của Trần Thủ Độ như nhóm biên soạn “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3, đã nêu ra”.

Hậu duệ họ Trần Việt Nam đã có đơn thư kiến nghị gửi lên lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các Ban, Bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra xác minh đầy đủ các thông tin nêu trên và có đánh giá, kết luận cụ thể, khách quan, trung thực, chính xác.

Nội dung kiến nghị mong muốn: “Đối với những trường hợp vi phạm, xuyên tạc lịch sử cần được xử lý nghiêm minh. Trước mắt đề nghị cho thu hồi ngay “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3, do ông Nguyễn Minh Tường là chủ biên, chấn chỉnh lại những sai sót, không để sách phát hành khi còn những “hòn sỏi” lớn như hiện nay. Là sách lịch sử của quốc gia mà viết những điều phi lịch sử thì không thể chấp nhận được”.

Trước kiến nghị trên, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã yêu cầu Viện Sử học báo cáo giải trình bằng văn bản. Đồng thời Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã tạm dừng phát hành bộ sách.

Trong văn bản số 131/VSH-QLKH&HTQT ngày 26/6/2018, ông Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học giải trình:

“Việc tìm hiểu lai lịch của một nhân vật lịch sử sống cách ngày nay hơn 800 năm, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về tài liệu thư tịch, là một điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi các nhà khoa học phải đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau. Trên cơ sở các nguồn tài liệu hiện có, kết hợp với những tư liệu khảo sát thực địa, phần đông các nhà khoa học đã đưa ra kết luận thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Đây cũng là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng về vấn đề này”.

Sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3.

Văn bản do Viện trưởng Viện Sử học ký cũng cho biết cơ quan này đã chủ động làm việc trực tiếp với PGS.TS Nguyễn Minh Tường về vấn đề này. Người chủ biên sách cũng đã có Thư ngỏ gửi hậu duệ họ Trần Việt Nam.

Cuối cùng, Viện trưởng Viện Sử học kết luận: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên Tổ của nhà Trần là Trần Lý…” trong sách tập 3, “Lịch sử Việt Nam phổ thông” của PGS.TS Nguyễn Minh Tường là kế thừa kết quả nghiên cứu của giới sử học trong nước (cho đến thời điểm xuất bản sách). Trong thời gian tới, nếu “có những tư liệu mới, chứng cứ mới đủ sức thuyết phục” về vấn đề này, chủ biên cuốn sách “sẵn sàng từ bỏ nhận định nói trên của mình”, vì đó chính là nguyên tắc khách quan, trung thực của khoa học lịch sử.

Đáng chú ý là, trong tài liệu số 5 (“Chiến thắng Đông Bộ Đầu và Thái sư Trần Thủ Độ”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học do UBND TP Hà Nội – UBND tỉnh Thái Bình và Hội KHLS Việt Nam xuất bản, 2010) đính kèm của Viện Sử học, dẫn chứng bài viết “Thái sư Trần Thủ Độ - người kiến lập triều Trần, nhà chính trị kiệt xuất” (trang 43) của PGS.TS Tạ Ngọc Liễn có chi tiết: Trần Thủ Độ sinh ra ở làng Phương La, nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, để bảo vệ ý kiến của tác giả Nguyễn Minh Tường. Song, trao đổi với PV, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, nguyên cán bộ Viện Sử học đã bác bỏ tài liệu này.

Theo ông Liễn, đây là tài liệu bị sửa chữa, ngụy tạo. Ông nêu dẫn chứng cụ thể trong bài “Trần Thủ Độ người khởi dựng nhà Trần” được in trong cuốn “Danh nhân văn hoá trong Lịch sử Việt Nam” (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008), ông có viết: “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở làng Lưu Xá, nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình” (tr. 35).

Tiến sĩ Sử học Ngô Vương Anh chia sẻ: “Để có một kết luận mới, một nhân vật mới trong sử học là điều rất vất vả. Phải qua nhiều sự thẩm định sử liệu, trao đổi, thảo luận khoa học mới có thể tiệm cận với hiện thực lịch sử. Mỗi luận cứ Viện Sử học và tác giả Nguyễn Minh Tường đưa ra đều cần được chứng minh bằng những sử liệu được dẫn một cách đáng tin cậy. Những tư liệu cần được thẩm định và phê phán. Những nhận định phải được xem xét nhiều chiều”.

Còn theo phân tích của Thạc sĩ Trần Anh Đức, các nhà nghiên cứu lịch sử ngay cả sơ tâm cũng đều biết rằng, trong nghiên cứu khoa học lịch sử, sử liệu là nền tảng căn bản nhất, không có sử liệu thì không thể có nhận thức lịch sử. Hẳn nhiên, sẽ là thiếu thuyết phục, thậm chí phi lí khi nêu ra một thông tin mà lại không có bằng chứng để chứng minh nó có hay không, nó đúng hay sai.

Trong hệ thống các sử liệu được sử dụng để nhà sử học nhận thức quá khứ, nhóm sử liệu chính thống quan phương bao giờ cũng được đánh giá cao nhất về tính xác thực, mặc dù nhà sử học cần phải tiếp tục sưu tầm thêm sử liệu, phê phán sử liệu.

“Thực tế cho thấy, nhóm tác giả biên soạn cuốn sách chưa đưa ra căn cứ xác tín củng cố cho nhận định nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Trần Thủ Độ mà có lẽ đã võ đoán dựa trên những ghi chép không chính thống. Do đó, tôi cho rằng nhân vật Trần Hoằng Nghị được nêu ra trong cuốn sách không có thật, có thể chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng có chủ đích, thiếu hẳn căn cứ khoa học”, Thạc sĩ Trần Anh Đức nhấn mạnh.

“Một nhân vật có tên Trần Hoằng Nghị không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ có đủ điều kiện để ghi vào lịch sử của quốc gia không? Theo chúng tôi là không. Càng không thể đưa vào sách lịch sử phổ thông để phổ biến cho đông đảo nhân dân” (Thiếu tướng, Phó Giáo sư Đào Quang Cát).

“Cuộc tranh luận chưa đi đến kết luận nhưng sau khi những điều còn tranh cãi đã trở nên rõ ràng hơn, có nhiều cách để thông tin đến với đông đảo công chúng. Bạn đọc cũng mong muốn nếu cần điều chỉnh những điều chưa/không hợp lý cũng không nên (và cần) chờ đến lần tái bản cuốn sách này” (Tiến sĩ Sử học Ngô Vương Anh).  
Kiều Mai Sơn
.
.