Cửa sổ văn nghệ

Không dễ trả lời!

Thứ Hai, 15/08/2011, 08:10

Lâu thật là lâu, trong làng xuất bản mới xuất hiện 1-2 cuốn sách "có vấn đề" (có thể mới chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đến mức cấm lưu hành và chưa hẳn là sách hay). Rồi theo những lời đồn thổi, một bộ phận độc giả tìm chúng và đọc vì tò mò, vì hiếu kỳ… Vào thời điểm ấy, những cuốn sách thuộc dạng này thường được bán nguyên giá, không hề giảm từ 20 đến 30% như thường ngày các chủ hiệu sách vẫn áp dụng.

Tôi đã từng làm phép thử về giá cho 1- 2 cuốn sách này khi đi mua chúng ở phố Đinh Lễ hoặc phố Nguyễn Xí (Hà Nội). Cuốn tuyển thơ của nhà thơ T., cuốn tiểu thuyết của nhà văn H. có giá bán không giảm một đồng so với giá bìa.

Nhiều người quen mồm gọi chúng là "sách hot".

Thế còn những cuốn sách thực sự hot (có giá trị nghệ thuật cao, hấp dẫn cả về nội dung lẫn hình thức, lại cập nhật) thì sao? Câu trả lời là… cũng hơi bị hiếm. Và nếu có, nhiều khả năng không do các nhà xuất bản (cơ quan nhà nước) đứng ra ấn hành, mà do tư nhân đứng ra ấn hành qua việc mua giấy phép xuất bản của các nhà xuất bản. Điều này rất dễ giải thích: Vì các đơn vị tư nhân sống bằng nghề xuất bản sách, thường bỏ tiền túi của mình ra, nên họ luôn năng động, luôn lo hạch toán lỗ - lãi, luôn quan tâm đến cân bằng thu - chi, đến "đầu vào", "đầu ra". Hay nói một cách khác: Đại diện các đơn vị tư nhân đứng ra xuất bản sách là những người "được ăn thua chịu", "sống bằng chính mình", không thể ỷ lại, dựa dẫm vào bất kỳ ai hoặc bất kỳ một cái gì.

Tháng trước, tôi có gặp ông Lê Huy Hòa, Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Ông Hòa nói: "Đối với các nhà xuất bản, ăn thua là mỗi năm tự xuất bản bao nhiêu đầu sách kia. Còn cái nguồn thu qua quản lý phí, đâu có nhiều nhặn và đáng kể gì". Nhưng tự đứng ra xuất bản (lo tiền in ấn, lo tiền trả nhuận bút cho tác giả) bây giờ, đâu có dễ dàng gì và có mấy nhà xuất bản làm được!

Trong khi ấy thì ông Trần Quang Quý, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn lại có mối lo khác. Ông Quý nói: "Nếu chỗ chúng tôi có một cuốn sách hot, thì ngay lập tức sẽ có chuyện xảy ra. Ấy là việc cuốn sách ấy bị in lậu, in nhái và sẽ có một số người ăn trên lưng chúng tôi. Chúng tôi gọi đấy là hàng giả. Cách nay mấy năm, nhà xuất bản của chúng tôi đã bị "dính" rồi. Biết mà không làm gì được, thế mà buồn! Có điều không hiểu được là, dù đã biết, nhưng không thấy lực lượng quản lý thị trường ra tay một cách mạnh mẽ, triệt để. Theo tôi được biết: Trong thời buổi này, trừ một ít nhà xuất bản thôi, còn hầu hết các nhà xuất bản đều rất khó làm ăn".

"Tự xuất bản sách", "có một cuốn sách hot" - hình như vẫn là băn khoăn và mong ước trước mắt và lâu dài của nhiều nhà xuất bản. Một đằng thì thấy… chẳng dễ dàng gì. Một đằng thì lo… bị ăn trên lưng.   

Đến bao giờ các nhà xuất bản của ta bứt lên để vừa tự chủ, vừa không sợ bị "ăn theo", vừa có danh vừa có lợi trong cơ chế thị trường? Câu hỏi này thật không dễ trả lời

Đặng Huy Giang
.
.