Không chỉ là tự do biểu đạt

Thứ Năm, 25/07/2019, 08:26
"Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó…". Đây là phát biểu của Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng hôm 15-7 tại TP Hồ Chí Minh và phát biểu này đã tạo ra rất nhiều cuộc tranh luận trên facebook.


Đầu tiên, phải kể đến những bình luận tiêu cực, thậm chí là mang hàm ý chống đối khi cho rằng, việc thúc đẩy một mạng xã hội của Việt Nam là cách để chính quyền kiểm soát thông tin, hạn chế quyền tự do biểu đạt, thứ mà nhiều người cho rằng facebook hay Twitter đang là một thế giới ảo hoàn hảo.

Thật nực cười, không một ai nghiên cứu, tìm hiểu và chú ý tới điều Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn nhấn mạnh vào. Đó là "người dùng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó". Mục đích này thực sự là một điểm nhấn đáng lưu ý và nó được đưa ra rất đúng thời điểm bởi một vị Bộ trưởng xuất thân từ thế giới công nghệ, kinh qua những kinh nghiệm thực tế về công nghệ.

Thực tế, nếu muốn hạn chế tối đa, facebook và thay thế bằng một mạng xã hội Việt Nam để "quản lý thông tin chặt chẽ hơn" như một số "thuyết âm mưu" đang đưa ra, sẽ không thể có chuyện chỉ sau tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có 4 hôm, Zalo đã bị thu hồi tên miền vì hoạt động như một mạng xã hội nhưng lại chưa có giấy phép mạng xã hội. Nên nhớ, Zalo hiện thời có hơn 60 triệu người dùng, một con số đáng mơ ước đối với những ai có tham vọng xây dựng và phát triển một nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Và cũng cùng thời điểm Zalo bị thu hồi tên miền, trên thế giới bắt đầu có những cảnh báo tức thời về ứng dụng thời thượng Faceapp với cáo buộc rằng ứng dụng này đang thu thập dữ kiện người dùng, đặc biệt là FaceID, thứ rất quan trọng trong bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là thanh toán điện tử cá nhân.

Cảnh báo về FaceApp có xuất phát từ sự thật hay đơn thuần chỉ là một đe doạ tạo ra hoang mang hay không thì chúng ta chưa rõ nhưng việc Facebook bị điều trần vì thu thập dữ liệu người dùng là có thật. Và chính việc dữ liệu cá nhân người dùng bị thu thập để khai thác cho nhiều mục đích khác chính là thứ đang thôi thúc nhiều chính phủ yêu cầu Facebook phải cam kết bằng biện pháp hoặc xúc tiến phát triển những mạng xã hội cạnh tranh.

Thực tế ở Việt Nam, việc theo đuổi xây dựng mạng xã hội riêng là khát vọng của nhiều nhà đầu tư chứ không phải chỉ của Chính phủ. Lý do không chỉ nằm ở chỗ các nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích tài chính từ quảng cáo như Facebook, Youtube đang khai thác, mà lớn hơn thế, thứ họ cần chính là BigData. Với BigData, việc đọc được hành vi và xu hướng người dùng sẽ còn giúp họ kiếm được  nhiều tiền hơn quảng cáo rất nhiều.

Và hiện nay, có ít nhất gần 10 tập đoàn (đa số là tư nhân) đang theo đuổi giấc mơ xây dựng mạng xã hội, một giấc mơ được cho rằng sẽ khó khăn như Don Quixotte chống lại cối xay gió (tức các ông lớn hiện hữu như Facebook, Twitter…). Đơn cử, hôm đầu tuần vừa rồi (23-7), một mạng xã hội Việt Nam thuần túy đã mới vừa ra mắt với cái tên Gapo. Trước Gapo cũng đã có kha khá thử nghiệm với số vốn đầu tư lên tới cả chục triệu USD cho một dự án.

Quay trở lại với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có lẽ chúng ta nên hiểu mạng xã hội không chỉ là tự do biểu đạt đơn thuần. Khi mà chúng ta cứ "ngoan ngoãn" và tự nguyện cống hiến hết dữ liệu riêng tư của mình cho Facebook, chúng ta nên nghĩ tới việc chuyển đổi sử dụng một mạng xã hội mới (nếu có) nếu như nó "nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và người dùng cũng được chia sẻ giá trị từ cuộc chơi".

Đừng vội nghĩ mạng xã hội riêng sẽ cô lập Việt Nam với thế giới. Đơn giản, khi đã có một sản phẩm cạnh tranh ra đời, điều đó không có nghĩa Facebook sẽ bị cấm mà nó chính là áp lực để họ phải thay đổi, ít ra là hướng đến việc tôn trọng người dùng hơn.

Văn Đoàn
.
.