Không chỉ có một kiểu phê bình

Thứ Sáu, 18/08/2006, 09:15

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trên một tờ tạp chí văn chương có thương hiệu, có thâm niên in một bài tiểu luận với cái tít “Văn học trẻ Việt Nam cần có lý luận phê bình trẻ”. Khoan hãy nói về nội dung bài viết, chỉ nội cái đầu đề bài viết cũng đã đáng bàn rồi.

Thoạt nghe mấy chữ văn học trẻ, phê bình trẻ, thoạt nghe câu kêu gọi “cần” đã thấy “đúng”, đã thấy “trúng” lắm rồi. Nhưng ngẫm lại, hóa ra nói thế không “đúng” và không “trúng” lắm.

Lần lại tiến trình, hay nói dễ hiểu hơn là tìm hiểu quá trình hình thành bộ môn phê bình văn học nước nhà, chúng ta thấy: khi nào chúng ta áp đặt một lối phê bình nào đó cho người viết phê bình thì khi đó phê bình văn học của chúng ta ít có thành tựu, và người viết phê bình dẫu có nổi đình nổi đám cũng chỉ là nhất thời, dăm bữa nửa tháng không phải nói “quên đi!” người ta cũng... quên. Đó là một bài học.

Tôi nghĩ, cũng như sáng tác có nhiều phong cách, bút pháp, giọng điệu, thể  tài... phê bình văn học cũng có muôn “nẻo đến”, muôn “nẻo về”. Không có một kiểu phê bình văn học, một loại nhà phê bình văn học. Có một thời người ta “dọa”: sẽ không phải là nhà phê bình văn học nếu như không viết về “Cù Lao Tràm”, không nói đến “Chân dung và đối thoại”! Và bây giờ lại “đe”: nếu không viết gì về “Cánh đồng bất tận”, không viết gì về “Bóng đè” hoặc không tham gia gì vào vụ “Dòng sông – Cánh đồng” cũng không phải là nhà phê bình văn học (?!).

Thật là “vô lý đùng đùng”! Nghĩ vậy, viết vậy, nói vậy là “phê bình quyền uy”, “phê bình xu phụ”, phê bình “quan phương” đấy...! Tôi không “dại gì” mà không ủng hộ cái mới, ủng hộ, cổ xuý cho người viết trẻ bởi tôi vốn cùng xuất thân từ nhà viết phê bình trẻ, cuộc sống cũng như văn chương sẽ chẳng có gì là tốt đẹp hơn nếu như không mới hóa, trẻ hóa. Tôi cũng  không dại gì mà đứng ngoài, đứng trên cái công việc ấy để bị mang tiếng là... tác giả của câu:

Tre già măng mọc, đúng rồi

Nhưng không được mọc chỗ ngồi của ông!

Nhưng tôi viết báo, viết phê bình theo ý thích của tôi, theo kiểu riêng của tôi. Nhà văn Nguyễn Khải có lần nói vui rằng, chúng ta là những cán bộ làm công tác văn học. Làm  “công tác văn học” đã sao! Làm công tác văn học, thậm chí làm người gác cổng mà có ích, mà không hại ai cũng là tốt chứ sao! Tôi nghĩ người viết phê bình văn học cũng giống như người thợ mộc vậy. Anh có thể đóng tủ li, tủ chùa, ghế đời Minh, đời Thanh tốn công và đắt tiền; còn tôi, tôi chỉ đóng có mỗi một loại “đôn” cho mấy bà bán bún riêu, chè chén. Thế nhưng “đôn” của tôi là loại “xịn”, do chính tay tôi làm ra và có “thương hiệu” hẳn hoi.

Trở lại vấn đề “cần có lý luận phê bình văn học trẻ”. Rất cần! Nhưng không nhất  thiết cứ phải:

Xuềnh xoàng đánh bạn xuềnh xoàng

Trẻ chơi bạn trẻ, già choang bạn già.

Ta có thể noi gương các bậc tiền bối như Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... khi các ông ngợi ca “những bạn văn trẻ”, những giọng thơ mới, những trang văn của các chiến sĩ viết trên báo liếp, báo tường, in trên các tờ tin xuất bản tại mặt trận. Tức là nhà phê bình... già cũng có thể bầu bạn với các cây bút trẻ để phát hiện, để cổ xuý cho họ, đặng hy vọng những tài năng. Xưa đã vậy, nay đã vậy và mai sau cũng vẫn vậy. Ấy là thiên chức của phê bình văn học, là nhiệm vụ, là một mặt của  “công tác” của nhà phê bình văn học.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một vế, vế khác, nhà phê bình văn học trẻ có thể viết về thế hệ trẻ của mình. Tức là nhà phê bình thế hệ “a còng” viết về thế hệ nhà văn “a móc”. Tốt quá đi! Nhưng cũng có thể, nhà phê bình thế hệ 7X, 8X lại viết về những Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... thậm chí cả Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du... thời nảo thời nào, tức là “nói chuyện ông Bành Tổ”! Được quá đi chứ, ai cấm, ai ngăn?

Tôi rất tâm đắc, thậm chí phục sát đất những bài viết về văn học cổ của nhà phê bình văn học trẻ Hoài Nam (VTV3), những bài viết về lý luận văn học hiện đại của thầy giáo trẻ Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cũng như một số bài viết về văn học phương Tây của Tiến sĩ văn học trẻ Lê Huy Bắc (Đại học Sư phạm Hà Nội)...

Cần lắm những người viết phê bình trẻ như Hoài Nam, Phạm Văn Thạch, Lê Huy Bắc... nhưng họ sinh ra không chỉ để viết về văn học trẻ. Tôi nghĩ như vậy không biết đã “trúng”, đã “đúng” chưa?

.
.