Không “Trấn Thành” thì có “Trấn Thị”…

Thứ Năm, 04/05/2017, 08:11
Giới giải trí tuần qua khá ồn ào trước sự kiện Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) gạt Trấn Thành ra khỏi vị trí giám khảo của game show “Tuyệt đỉnh song ca nhí” vì lý do không phù hợp. Dù đích thân Giám đốc THVL đã khẳng định rằng đây không phải là một lệnh cấm như đồn đoán nhưng có lẽ, trong tương lai gần, khá nhiều kênh truyền hình sẽ không cộng tác với Trấn Thành nữa. Đó chính là hệ qủa của chuỗi scandal dính đến danh hài này, đặc biệt là sau tuyên bố xanh rờn “Ai thấy chúng tôi diễn hài nhảm thì tắt tivi đi”.


Thực chất, Trấn Thành có nhảm hay không, mỗi chúng ta đều có câu trả lời riêng. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, những “phốt” mà danh hài này dính gần đây đều khá nặng, nó cho thấy sự dễ dãi, ngạo mạn của Trấn Thành.

Chuyện có cấm hay không của THVL cũng là việc không đáng phải bàn tới, bởi theo nguyên tắc, nhà đài có quyền từ chối làm việc với một cá nhân nào đó không phù hợp với họ. Nhà đài không có nghĩa vụ phải làm việc với bất kỳ ngôi sao nào, kể cả đó là ngôi sao “sạch sẽ” nhất, nếu như giữa hai bên có khác biệt nhau về tiêu chí hợp tác. Và vì thế, quy kết đó là lệnh “cấm” thì hơi thái quá, có phần áp đặt suy nghĩ chủ quan tiêu cực theo kiểu “không quản được thì cấm”.

Tuy nhiên, chuyện đáng bàn là sau sự kiện đó, có một số ý kiến cả chính thống (trên báo chí) lẫn phi chính thống (trên mạng xã hội) cho rằng việc làm của THVL là rất đáng khen. Tất cả đều ám chỉ việc THVL đang làm là tuyên chiến với hài nhảm, hài dơ, để giữ gìn tinh thần trong sáng của truyền hình chính thống.

Những khen ngợi ấy dường như hơi đi quá đà khi thực chất chuyện ngưng hợp tác với một Trấn Thành chẳng có ý nghĩa gì nhiều trong cuộc chiến với nội dung nhảm trên truyền hình cả. Đơn giản, không có Trấn Thành thì sẽ có “Trấn Thị” hay bất kỳ Trấn nào đó, với độ nhảm nhí không kém, tiếp tục tung tăng trên kênh sóng truyền hình.

Thực tế, việc ngăn một diễn viên có lối diễn nhảm nhí không đủ để làm sạch cả cái chợ nội dung hôm nay. Một diễn viên chỉ là một hạt cát nhỏ trong cả đống vật liệu tạo nên các nội dung mà thôi. Và ở câu chuyện kể trên, thật lạ lùng là không một ai nhắc đến chuyện “tại sao không có những biện pháp chấn chỉnh từ phía nhà đài với chính các nhà thầu của họ, các công ty sản xuất nội dung”, những đơn vị vốn dĩ được xem là đã “mua đứt” sóng truyền hình nhiều năm qua.

Nếu quay lại với vụ Trấn Thành chấm cho một thí sinh chẳng có gì đặc sắc, chỉ nói một câu dung tục thôi cũng đủ là quán quân của một cuộc thi hài, chúng ta sẽ nhận ra đơn vị sản xuất nội dung ấy khá quen mặt trong nhiều chương trình hài nhảm trên các kênh truyền hình hiện nay.

Chính họ, với sự dễ dãi trong khâu xây dựng kịch bản, sản xuất nội dung chương trình, cố gắng khai thác số đông khán giả ủng hộ bằng những nội dung nhảm, dung tục, mới tạo ra sân chơi khiến các tên tuổi như Trấn Thành trở nên nổi tiếng. Và vì thế, không có Trấn Thành thì sẽ có Trấn khác, lấp vào chỗ trống, tiếp tục lan toả những tiếng hài nhảm đi xa. Nói chung, tình hình cũng chẳng có gì thay đổi so với ngày hôm qua và thậm chí, nó còn có thể tệ hơn so với những ngày Trấn Thành còn lên sóng.

Bởi vậy, rà soát lại các quan hệ hợp tác của các kênh truyền hình với các đối tác mới là việc cần làm, đặc biệt là các kênh mà giải trí chỉ là tích hợp vào với nhiệm vụ chính trị. Thị trường ấy đã bị bỏ khoán từ quá lâu rồi và thực sự cần các lệnh cấm đúng nghĩa đối với những nhà sản xuất nội dung thiếu nghiêm túc chứ không chỉ là một cú thay người mang tính cảnh cáo đối với một diễn viên đơn thuần.

Văn Đoàn
.
.