Khơi dậy tư duy phản biện khi dạy và học sử

Thứ Bảy, 25/02/2017, 08:00
"Học sinh chán sử". Đây là nhận định quen thuộc mà nhiều năm nay dư luận vẫn đưa ra mỗi khi nghe kết quả kỳ thi môn sử hằng năm của học sinh. Năm nay, môn sử ra đề theo dạng trắc nghiệm nên số lượng học sinh đăng ký dự thi khả quan hơn so với đề tự luận trước đây. Nhưng mừng thì ít mà lo lại thêm nhiều...


Trong buổi tọa đàm "Lịch sử được viết ra như thế nào?" tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 2, một cô giáo mạnh dạn khẳng định, học sinh hoàn toàn không chán sử. Có chăng là chúng ta chưa tìm ra cách dạy phù hợp cho các em.

Cô giáo này dẫn chứng rằng mình đã sử dụng nhiều biện pháp dạy học tích cực như lồng ghép hình ảnh trực quan, dẫn giải nhiều nguồn tài liệu, đi thăm các cựu chiến binh, kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn thì các em rất hào hứng.

Rõ ràng đã có nhiều thầy cô biết cách truyền tình yêu sử cho học sinh bằng cách dạy sáng tạo, sinh động. Có giáo viên đưa học sinh đi xem kịch lịch sử, có giáo viên biến mỗi tiết học là một vở kịch để học sinh tự hóa thân vào các nhân vật, điều này buộc các em phải tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tính cách nhân vật để thể hiện vở kịch được tốt.

Một buổi tham quan di tích lịch sử của học sinh. (ảnh: Quang Hùng).

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (tác giả của bộ sách "Ngàn năm áo mũ"), việc giáo dục lịch sử trong nhà trường hiện nay đa số vẫn một chiều, cứng nhắc, số giáo viên có ý tưởng và cách truyền dạy hấp dẫn rất hiếm hoi. Cách dạy của giáo viên vẫn theo lối đọc - chép, bê nguyên xi những gì có sẵn trong sách giáo khoa trong khi học sinh đã đọc trước, biết trước. Tài liệu tham khảo thì nghèo nàn, ít ỏi.

Phần nữa, lịch sử được ghi chép trong sách giáo khoa phần lớn là lịch sử chính trị, quân sự chứ không phải là lịch sử dân tộc, quốc gia đúng nghĩa. Trong khi đó lịch sử phải bao quát nhiều lĩnh vực như lịch sử văn hóa, lịch sử nghệ thuật, kinh tế, xã hội… để các em hình dung loài người phát triển ra sao trong quá khứ. Lịch sử cần được kể bằng lời văn mềm mại, nhẹ nhàng chứ không thể khô khan, cứng nhắc, nặng về liệt kê chiến công, lý giải như hiện nay.

Học sinh cấp 2, cấp 3 đã có tư duy phản biện. Đặc biệt, một môn khoa học xã hội như lịch sử rất cần tư duy này để tìm tòi, tiệm cận đến sự thật. Nhưng chương trình học bây giờ không cho phép các em có cơ hội phản biện, ai làm trái bị coi là cá biệt, là điểm kém. Nội dung trong sách giáo khoa không khác gì pháp lệnh, nặng nề những nhận định kiểu như "không thể chối cãi".

Lịch sử tất nhiên chỉ có một, nhưng không ai có thể nhìn nhận nó một cách toàn diện. Nhất là đối với thời đại có khoảng cách thời gian quá xa hiện tại. Mỗi người sẽ nhìn nhận dưới một lăng kính khác nhau, từ đó họ sẽ cho ra nhận định khác nhau. Nên dù câu chuyện do chính người trong cuộc kể lại nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện ta nghe qua lăng kính của chính họ, họ không thể bao quát hết tình hình, hiểu thấu toàn cảnh cũng như từng góc khuất của sự kiện.

Việc các bạn trẻ tiếp xúc với văn bản thứ cấp, tức là những văn bản chữ quốc ngữ đã được các nhà nghiên cứu chuyển ngữ từ các văn bản Hán Nôm cũng là một hạn chế. Vì họ phải nhìn nhận lịch sử theo cách nhìn của người chuyển ngữ mà không tự đọc hiểu để tìm lấy kiến thức cho mình.

"Chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ biết nhận những thông tin lịch sử một cách một chiều, không biết tự suy xét rằng chúng ta đang ở trong chiều dài lịch sử như thế nào? Con người của chúng ta là hai phần, con người sinh học và con người xã hội. Chúng ta vừa là những người làm nên lịch sử, ít nhất là lịch sử đời mình, đồng thời chúng ta cũng bị lịch sử tác động. Chúng ta buộc phải suy nghĩ, vận động tư duy để có được những kiến thức lịch sử bằng chính trải nghiệm của mình" - Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhấn mạnh.

Theo ông, lịch sử luôn luôn đa chiều, luôn luôn được bồi đắp. Bởi các phương thức tạo tác lịch sử vốn thông qua nhiều khía cạnh như: Mỹ hóa lịch sử (trường hợp cái chết của hai bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung là hình tượng anh hùng bất khuất);  Xú hóa lịch sử (trường hợp Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh bị bêu xấu là những kẻ bán nước, hại dân, cầu viện thế lực nước ngoài); Thiêng hóa lịch sử hoặc huyền thoại hóa lịch sử (trường hợp Nguyễn Trãi, gò Đống Đa, tượng đá Mỵ Châu); Thời đại hóa lịch sử…

Kịch lịch sử là cách giáo dục trực quan sinh động được học sinh hưởng ứng.

Các phương thức tạo tác lịch sử này ít nhiều sẽ khiến sự thật lịch sử bị khuất lấp bởi cái nhìn khu biệt. Ví dụ như ở phương thức Thời đại hóa lịch sử thì đến thời đại nào các lực lượng chính trị hay sử gia thời đại ấy sẽ xây dựng lịch sử theo ý muốn của mình bằng các thủ pháp khác nhau. Chẳng hạn như thời Lý - Trần, lịch sử được viết theo kiểu của Phật giáo. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XIX,  các sử gia Nho giáo lại viết theo thế giới quan của Nho giáo.

Do vậy, khi tìm hiểu lịch sử,  không nên câu nệ hay bám víu vào bất cứ một diễn giải nào, mà nên tìm hiểu đa diễn giải, đa giả thuyết. Và mỗi bộ óc là một bộ máy độc lập làm việc và tư duy trên đa diễn giải, đa giả thuyết ấy.

TS Trần Trọng Dương cho rằng khi tiếp cận lịch sử dưới góc độ khoa học cần nhận thức lịch sử như một nhu cầu khám phá sự thật của con người. "Những sự thật này được hình thành do nhiều yếu tố, đặc biệt dựa trên các nguồn sử liệu được ghi chép khác nhau. Thời điểm này chúng ta tìm thấy năm sử liệu nhưng thời điểm khác có thể có 50 sử liệu. Do đó, những diễn ngôn về lịch sử luôn tồn tại đa dạng và cần được tư duy trong tiến trình đối thoại không ngừng"- ông nhấn mạnh.

Nêu thêm một ví dụ về góc nhìn đa diện, đa diễn ngôn của lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức kể rằng trước đây, một ngân hàng ở Hà Nội làm tờ lịch ghi Sự tích Hồ Gươm với nội dung như sau: vua Lê Lợi đi dạo hồ thì con rùa nổi lên, vua thấy sinh vật này đáng ghét quá nên ném kiếm vào mặt nó. Con rùa ngậm được kiếm và lặn đi mất. Ngay lập tức ngân hàng này bị "ném đá" không thương tiếc.

Mọi người cho rằng viết như thế là xuyên tạc lịch sử, xúc phạm cha ông. Nhưng mọi người quên rằng thực chất câu chuyện này không phải là lịch sử, nó chỉ là một sự tích. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cất công tìm lại các tư liệu thì tìm được những dị bản ở thế kỷ 18 có nội dung không khác gì câu chuyện mà tờ lịch của ngân hàng đã nêu.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng chính vì tiếp xúc càng nhiều sử liệu, càng nhiều diễn ngôn thì chúng ta sẽ có nhiều góc nhìn. Do đó việc dạy và học sử phải nhiều chiều để người học hình thành nên tư duy độc lập. Và để tiếp cận lịch sử, sự thật như nó vốn là thì phải coi đó là một môn khoa học. Tiệm cận với sự thật lịch sử không phải để phán xét lại người xưa mà để mỗi con người hiểu rõ hơn về quá khứ, về thời đại mình đang sống, tự rút ra cho mình bài học, cái gì cần noi theo, cái gì cần tránh để đi đến sự phát triển, phồn vinh.

Phan Thi Uyên
.
.