Khi thế giới bị bao phủ bởi hận thù

Thứ Năm, 21/03/2019, 11:50
Thế giới sẽ không bao giờ quên ngày 15-2-2019 và thế giới cũng có lẽ phải khá lâu nữa mới thoát khỏi nỗi ám ảnh từ cái tên Brenton Tarrant. Thủ phạm vụ xả súng kinh hoàng ở Christchurch, đô thị lớn thứ 3 của New Zealand đã bị rất nhiều cơ quan truyền thông quốc tế dành cho hai từ “hèn hạ”.


Vụ xả súng ở thành phố mang tên Chúa ấy (Christchurch là từ ghép mang nghĩa “đền thờ Jesus Christ") không chỉ kinh hoàng bởi số lượng thương vong, mà nó còn khủng khiếp ở phương thức hành động. Tarrant đã gắn một camera trên trán và thực hiện livestream cảnh tàn sát của mình trên mạng xã hội. Hình ảnh bắn giết ấy không khác gì những trò chơi điện tử thông dụng hôm nay và khiến người xem không khỏi rùng mình về sự bình thản của kẻ sát nhân.

Và điều gì đã hình thành nên sự bình thản ấy ở Tarrant, kẻ mà ngày thứ bảy, 16-3, xuất hiện tại toà án New Zealand, vẫn còn cố đưa ra ám hiệu bằng tay với tay phải là ký hiệu của “OK” và tay trái là ám hiệu của những phần tử theo phong trào “Da trắng thượng đẳng” (White Supremacy), một phong trào đang ngày càng lớn mạnh ở các xã hội Tây phương. Tất cả đều có thể chỉ được kết luận bởi một nguyên nhân chủ đạo nhất: sự hằn thù được nuôi dưỡng, được dẫn dắt đã lên ngôi và làm chủ những cá nhân khiến cho những cá nhân ấy trở nên bình thản trước thương vong của đồng loại.

Trước khi thực hiện vụ tàn sát man rợ kia, Tarrant đã tung lên mạng xã hội một bản tuyên ngôn của riêng mình, trong đó miêu tả bản thân hắn đến từ một gia đình thu nhập thấp, tầng lớp bình dân và tự thừa nhận mình thuộc diện “học không vào”.

Tarrant kiếm tiền nhờ đầu tư Bitcoin và hắn bị ám ảnh đến cùng cực bởi tư tưởng phát xít mới, với thái độ cho rằng không gian sinh tồn của người da trắng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các chủng tộc khác, đặc biệt là khi tỷ lệ sinh của người da trắng đang ngày một thấp dần trong tương quan so sánh. 

Điều trớ trêu là khi hắn rêu rao về việc dù có đẩy hết dân “không phải người Âu” ra khỏi châu Âu đi chăng nữa thì cũng không thể tránh được mối đe dọa kia thì bản thân hắn lại đang là một người gốc Âu sống ở Úc châu và thành phố mà hắn tạo ra cuộc tàn sát của mình là bản quán của người Maori, những người đã bị chính người Âu đẩy vào con đường thiểu số ngay trên đất mẹ của mình.

Người dân New Zealand đặt rất nhiều bó hoa trước cửa Nhà thờ Hồi giáo Al Noor để tưởng niệm các nạn nhân xấu số của vụ xả súng.

Nhưng cái đáng sợ nhất chính là những tiếng nói ca tụng Tarrant cũng đã bắt đầu cất lên, dù hiếm hoi nhưng không lạc lõng. Và điều đó cho thấy thế giới thực sự đang sống trong một bối cảnh mà hằn thù sắc tộc đã bắt đầu được châm ngòi lên tới đỉnh điểm.

Chỉ 1 ngày trước khi Tarrant tàn sát ở Christchurch, bế tắc của đàm phát Brexit đã khiến EU chấp thuận trì hoãn thời hạn Anh tiến hành rời EU một cách chính thức lên tới 2 năm. Câu chuyện chính trị ấy tưởng như chẳng liên quan gì tới vụ tàn sát của Tarrant nhưng thực chất nó đi từ cùng một bản chất.

Anh quyết định rời EU theo một cuộc trưng cầu dân ý gây ầm ĩ thế giới và thực sự, những người bỏ lá phiếu ủng hộ Brexit cũng có những điểm tương đồng với Tarrant. Họ là người bản xứ, họ không có nhiều cơ hội trong đời sống và mặc cảm bị gạt ra ngoài lề xã hội do sự thấp kém về kinh tế cũng như giáo dục của mình. Và cơ bản nhất là họ đổ lỗi cho lực lượng nhập cư, với quan điểm rằng lực lượng ấy là nguyên nhân chính dẫn tới họ mất cơ hội.

Từ đó, họ cảm thấy âu lo về không gian sinh tồn của mình. Và chỉ cần một kích thích như “độc tố thông tin” từ một nhóm cực hữu nào đó, họ có thể sẽ có những biến chuyển để lựa chọn đứng về phía chống lại nhân loại. Cái hằn thù được nuôi dưỡng từ mầm mống của bất mãn xã hội ấy thực tế vô cùng nguy hiểm.

Nhiều khi, nó được núp dưới những danh nghĩa cao cả như “ái quốc”, “bảo vệ tầng lớp lao động nghèo”… nên nó rất dễ cuốn con người ta vào vòng xoáy. Trường hợp của Tarrant là điển hình nhất, khi bản thân hắn, trong tuyên ngôn của mình, đã chỉ đích danh Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, một người Anh gốc Pakistan, là một trong những kẻ thù số 1.

Và câu chuyện về những cộng đồng thù hận đội lốt dân tộc chủ nghĩa không chỉ tồn tại trong một châu Âu chia rẽ ngày hôm nay, một châu Âu mà cách đây nửa tháng Tổng thống Pháp từng có một tuyên ngôn cảnh báo về mối nguy của chủ nghĩa dân tộc và những chiêu bài dân túy. Nó tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong cái nhìn của chính phủ Donald Trump về người nhập cư, trong cả cái nhìn của từng con người chúng ta hôm nay mỗi khi nhắc lại một dữ kiện, một dấu mốc lịch sử.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ tuyệt đối của mạng xã hội, những ẩn ức, những bất mãn, những âu lo đã được dẫn dắt một cách khéo léo để hình thành dần dần những hằn thù định kiến không thể xoá nhòa. Đó mới chính là mối nguy của thời hiện đại, mối nguy mà chỉ việc Facebook bị điều tra hình sự gần đây về việc cung cấp dữ kiện người dùng cho đối tác không đủ để cảnh tỉnh những người dùng, những người vốn dĩ dễ dàng tin vào những điều mà chủ quan họ muốn tin, bất chấp phần sự thật trong đó chỉ là tối thiểu.

Bao nhiêu năm nay, chúng ta nói về nỗi lo sợ khủng bố đến từ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Bây giờ, chúng ta đã thấy da trắng cực đoan xả súng vào người Hồi giáo (vụ Tarrant là vụ thứ 3 sau vụ Quebec - Canada hồi 2017 và vụ Anders Breivik ở Na Uy 2011) và chúng ta cũng đã thấy ở châu Phi có những quốc gia tiến hành “cải cách đất đai” để lấy đất của người da trắng trả về cho người gốc Phi. Phải chăng, thế giới ngày một khó sống hơn khi hằn thù đã ngày càng bị đẩy lên đến đỉnh điểm?

Câu trả lời ấy xin để ngỏ nhưng rõ ràng, trong cách chúng ta giao tiếp xã hội qua mạng xã hội hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng cũng có lúc mình dễ dãi trở thành con cừu ngoan ngoãn trước những dẫn dụ hợp nhĩ của những cá nhân nào đó và chính sự ngoan ngoãn của những con cừu ấy lại là môi trường tốt nhất để lòng thù hận có thể được nuôi dưỡng, đến mức mọi khả năng suy xét tỉnh táo đều bị dẹp bỏ và lý trí cũng phải quy hàng trước những xúc cảm nhất thời.

Để kết bài, xin chỉ kể lại rằng, đúng 1 năm ngày mất nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking, các nhà khoa học Tây phương tuyên bố rằng họ đã có thể tìm cách đảo ngược lại chiều thời gian bằng máy tính lượng tử. Vâng, nếu có thể có một cỗ máy thời gian để quay ngược lại và vá lỗi lịch sử, liệu rằng con người có dám chấp nhận từ bỏ tiện nghi để sửa lại những gì đã từng xảy ra, và biến đổi thế giới này trở thành một nơi không còn vết hận thù sâu sắc như ngày hôm nay nữa?

Hà Quang Minh
.
.