Đọc “Sắc hình thuở ấy, tập ký chân dung của Nguyễn Duy Lập, NXB Hội Nhà văn, 2015.

Khi họa sỹ viết

Thứ Bảy, 09/01/2016, 08:00
Những năm gần đây, nhiều họa sỹ quay sang viết văn. Có một số người chưa phải xuất sắc trong hội họa, nhưng khi chuyển sang viết văn, họ đã có những tác phẩm nổi đình nổi đám. Phải chăng họa sỹ có thế mạnh biểu cảm hình khối và màu sắc, nên trang viết của họ dễ gây ấn tượng? Với họa sỹ Nguyễn Duy Lập, không ảo tưởng những gì cao siêu khi viết văn, mà chỉ một tâm niệm giản dị, nhờ trang viết để giãi bày tình cảm của mình với người thân, mà ở hội họa anh không chuyển tải nổi. "Sắc hình thuở ấy" - là tập sách viết về những người bạn, những người thân yêu trong gia đình của họa sỹ Nguyễn Duy Lập.


Ở đây, người đọc gặp hình ảnh người bố cần mẫn với nghề làm mũ, mà Duy Lập yêu quý gọi là "người tạo bóng râm". Anh phác họa "Với tính tự lập, vượt khó, mười bảy tuổi bố mở cửa hàng, công việc kinh doanh trở nên phát đạt bởi mũ ông làm đẹp, dày dặn, chắc bền cả khi đội nắng mưa. Bố còn có giọng ca cải lương rất mùi".

Ấn tượng về người bố của mình, đó là hình tượng đẹp về con người lao động bình dị, yêu nghề "Nhìn bố mẹ làm như múa, bụi cốt mũ bay lả tả, trắng phớ áo quần nhưng lòng thật vui. Vui hơn là bố vừa làm, vừa hát rất say sưa. Ông ca vọng cổ tích Tấn Hưng Liên xử án Trần Sỹ Mỹ…". Theo anh thì "bố hát để nhớ  thời thanh niên sôi nổi, cùng quên đi nỗi nhọc nhằn của đời sống".

Người mẹ thì tần tảo chạy chợ "Chiều tối về nhà, mẹ đổ xuống giường một đống tiền lẻ rồi ngồi ăn cơm, nhìn bố đếm tiền. Bắt chân vòng tròn trên giường, bố tôi ung dung đếm. Ông rất quý công sức của mẹ và coi đó là niềm vui". Qua hình ảnh những đồng tiền lẻ được sắp xếp rồi bó lại để mai đi chợ sớm, người đọc cũng hình dung ra sự tần tảo của người mẹ nơi đầu chợ cuối chợ.

Bìa tập sách "Sắc hình thuở ấy" của Nguyễn Duy Lập.

Sinh trưởng trong gia đình thợ thủ công nghèo, vậy mà mấy người con lại được bố mẹ cho ăn học và cùng đam mê, đeo đuổi văn chương nghệ thuật. Khi bài thơ "Thầy giáo em" của cậu học trò Thanh Kim, anh trai của Nguyễn Duy Lập (sau này là nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Trường cấp 3 Hàn Thuyên, ông bố phấn khởi bảo "anh  đọc đi đọc lại nhiều lần cho ông nghe và hứng khởi ông bình bài thơ đó".

Theo Nguyễn Duy Lập, đấy là "thời khắc không thể tốt hơn cho con đường dấn thân vào chốn văn chương đầy sóng gió sau này của anh tôi". Viết về người em trai Nguyễn Kim Nam, sớm phát lộ tài năng hội họa khi còn tuổi nhỏ, từng có tranh "Ráng đỏ" được trao giải A (khi đó, Trần Đăng Khoa được trao giải A về thơ) cuộc thi viết và vẽ "Tuổi nhỏ chống Mỹ, cứu nước" do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

Thương người em không may mắn, bị lâm bệnh, anh đã ví bức tranh thuở đầu đời đó là bình minh về chiều. Anh ăn năn thương cảm "Sự nghiệp nghệ thuật của Nam chưa đến hồi kết, nếu như ngày đó tôi cương quyết lo cho em được học mỹ thuật bằng mọi giá… Nếu em tôi có nghị lực, không hoang tưởng vào quá khứ vinh quang… Nếu bố đừng coi con mình là tài năng thái quá, để Nam có tính ỷ lại rồi tự hãm mình: không vẽ, không giao tiếp, không bạn bè, không tình yêu và cuối cùng là không tổ ấm gia đình riêng".

Nhớ về người vợ thiệt phận ra đi sớm, Duy Lập khắc họa cái bi thương của sự u mê một thời của gia đình bên ngoại. Viết về quê hương người vợ tục huyền sau này, Duy Lập có những ghi chép  tinh tế ''Ở đây, tôi thấy vẫn tồn tại một số tập tục  xưa như: đội cầu, bắc cầu, các con chân đất đi giật lùi sau linh cữu mẹ hàng cây số. Đám tang đi qua nhà nào, nhà nấy đều có đống rơm nhỏ trước cửa đốt lên thành khói để xua âm khí".

Những người anh, người bạn cùng mê làm nghệ thuật, ảnh hưởng nhiều đến con đường sáng tạo của anh. Duy Lập dành những tình cảm ấm áp khi viết về họ. Chân dung nhà thơ, nhà điêu khắc Anh Vũ, người cùng phố Bắc Ninh, hiện lên vẻ đẹp trong trẻo "Dáng cao mảnh trong bộ quần áo âm lịch gụ, hai tay đút túi áo, đầu cắt tóc trơ mái, ông cùng nụ cười rộng với chiếc răng sứt".

Duy Lập trân trọng: "Ông không dạy tôi, nhưng ông như viên than hồng thuở ban đầu góp phần làm cho đam nghệ thuật lửa trong tôi bùng cháy". Anh còn khẳng định: "Anh Vũ để lại nhiều ấn tượng cho tôi, chủ yếu về tinh thần hơn là chuyên môn, mặc dù không kém cạnh". Tuổi thơ Duy Lập từng ngấu nghiến đọc hết kho sách tại nhà Anh Vũ.

"Đọc ở đó, chúng tôi được bồi đắp rất nhiều kiến thức mà trong hội họa không có". Viết về nhà điêu khắc Lê Liên, người bạn đồng nghiệp được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, với tính cách ngang tàng, nhưng hễ cười lại ngửa mặt với nụ cười trâu rất hiền lành. Hai tính cách khác hẳn nhau, nhưng họ lại rất quý nhau: "Trên chiếc xe đạp cởi truồng không phanh, không chuông, yên xe xoay trái, lúc thì xoay phải, lúc thì chúi xuống, lúc thì chổng lên, như cưỡi ngựa bất kham, tôi cố giữ thăng bằng để đèo Lê Liên nhập viện vì anh ho ra máu". Gặp lúc hoạn nạn, tình bạn của họ càng đẹp hơn. Lập đánh giá về người bạn điêu khắc  của mình: "Lê Liên non tơ trong phồn thực, ám ảnh cõi tâm linh". 

Những khuôn mặt bạn bè thuở đầu đời, cùng ham mê văn chương nghệ thuật, một số bạn học mỹ thuật sau này hiện lên trên trang viết của Nguyễn Duy Lập vẻ đẹp riêng. Mỗi người một cá tính, họ cùng có tình yêu nghệ thuật tới mức cháy bỏng. Đó là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Tuấn, Xuân Lâm, Tạ Duy Đoán, Mai Phương Sang… người thành danh, người chưa thành danh, nhưng họ chung niềm thiêng liêng, theo đuổi với nghệ thuật khôn cùng. Chính Duy Lập đã phải thú nhận: "Đôi khi nghệ thuật có thể bỏ ta, nhưng ta không thể bỏ nó được. Âu cũng là kiếp đời nghệ sĩ".

"Sắc hình thuở ấy" của họa sĩ Nguyễn Duy Lập tuy chưa phải là cuốn chân dung văn học hoàn chỉnh, nhưng người đọc nhận được tấm lòng yêu quý của tác giả với mọi người. Sách chân dung văn học hiện nay chiếm thị phần đáng kể trong bạn đọc. Qua trang viết, người đọc hiểu thêm góc khuất của mỗi nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ. Sau cái vinh quang hào nhoáng mà họ được hưởng thì người đọc cũng biết thêm bao mồ hôi, nước mắt đầy cay cực  mà họ từng trải. Tuy nhiên, đa phần sách chân dung văn học chỉ thấy viết về những người nổi tiếng, vinh quang của họ đã quá lớn, ngợi ca về họ đã dư lời. Vậy mà, có người viết còn xây đắp và tô vẽ họ đẹp thêm lên, nhất là ở những người có chút quyền chức.

Ấy là cách phù thịnh. Sự phù thịnh, đôi khi quá đà, tới mức thô thiển, trơ trẽn. Vì thế, tôi rất quý những người lặng lẽ tìm kiếm, phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp lẩn khuất ở những người thiệt thòi, khuất lấp. Có thể nói, đó là thái độ cổ súy khách quan, không vụ lợi, dám phù suy. Đấy là vẻ đẹp thuần khiết và trong trẻo. Tập "Sắc hình thuở ấy" của Nguyễn Duy Lập, tôi thấy toàn viết về những mẫu người như thế. Những trang viết mộc và chân tình.

Vũ Từ Trang
.
.