Khi chính ta không đại diện nổi chính mình

Thứ Hai, 20/03/2017, 08:00
Khi đọc những dòng tin cho biết hội đồng bỏ phiếu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất 100% (12 trên 12 phiếu) đồng ý mời Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn phim “Kong: Skull Island”, làm đại sứ du lịch Việt Nam, chắc chắn sẽ rất nhiều người cảm thấy thích thú. Phải thừa nhận, Bộ này đã có một lựa chọn rất sáng suốt, hợp thời đại, tận dụng đúng hiệu quả của các sự kiện quốc tế cũng như trong nước. 


Còn gì tuyệt vời bằng người đã lựa chọn những khung cảnh đẹp của Việt Nam, thuyết phục nhà đầu tư chấp thuận, để làm bối cảnh cho bộ phim trị giá 185 triệu USD của mình. Phải thực sự yêu những phong cảnh ấy, đạo diễn Vogt-Roberts mới hết lòng vì nó. Và khi một người trẻ, tài năng, nổi tiếng hết lòng vì Việt Nam, người ấy xứng đáng là đại sứ du lịch Việt Nam bất kể người ấy mang quốc tịch nào.

Trong thế giới hiện đại hôm nay, việc một địa phương mời một người thuộc một địa phương khác làm đại sứ du lịch, đại sứ hình ảnh cho mình là chuyện bình thường. Đơn cử như một tỉnh của Nhật đã mời diễn viên kịch nói Lan Phương làm đại sứ du lịch của họ tại Việt Nam thời gian gần đây.

Sự xích lại gần nhau ở thời đại kỹ thuật số này cần một suy nghĩ thoáng hơn. Đặc biệt, khi bạn hướng đến một đối tượng khách hàng cụ thể nào đó, đại sứ cho bạn nên nằm trong cộng đồng đó. Và du lịch Việt Nam muốn hướng ra thế giới thì việc chọn một đạo diễn như Vogt-Roberts, một công dân toàn cầu, làm đại sứ cũng là chuyện đáng phải làm.

Nhưng từ việc đạo diễn Vogt-Roberts làm Đại sứ du lịch Việt Nam, chúng ta hẳn sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về chính trách nhiệm của chúng ta, những người lẽ ra cũng phải góp một phần vào việc quảng bá quê hương mình, ít nhất là gói gọn ở địa phương mà mình sống. Nhưng chúng ta đã làm được điều ấy chưa? Chưa hề.

Và chúng ta cũng ý thức được chuyện phải nhắc nhở người thân mình biết tự hào và tin yêu quê hương mình chưa? Chưa hề. Đơn cử là chuyện mới diễn ra gần đây, chuyện liên quan đến Music Video đình đám của ca sỹ trẻ đình đám Sơn Tùng M-TP có tên “Nơi này có anh”.

Một phóng sự nhỏ của kênh truyền hình VTC đã cho thấy để “cày” cho “Nơi này có anh” vươn lên có lượt xem thuộc hạng top dẫn đầu thế giới, những người hâm mộ Sơn Tùng M-TP đã liên tục dùng rất nhiều thiết bị, từ TV thông minh, máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng, điện thoại…, để xem đi xem lại hàng giờ, hết ngày này qua ngày khác. Chính vì thế, MV đó đã đạt lượt xem “khủng” (gần 70 triệu). Trong phóng sự của VTC, thật cám cảnh khi hai cô cậu tuổi hoa niên cứ nhắc đi nhắc lại câu “dạ thì chúng em cứ xem đi xem lại thôi”.

Tuổi trẻ thì luôn có sở thích và khi đã mê một nghệ sỹ nào đó, họ sẵn sàng làm tất cả vì thần tượng. Điều đó không đáng trách nhưng cái đáng lo ngại là giới trẻ đang làm gì lúc này? Thay vì tìm hiểu, mở mang thêm những kiến thức kỹ năng mới, họ cặm cụi như kiến tha mồi để làm một việc không khác gì cố lập kỷ lục bằng cách nấu tô hủ tíu to nhất, làm cái bánh chưng to nhất. Để rồi hình ảnh mà họ đưa ra thế giới là gì? Một video clip của Việt Nam nhưng sặc màu sắc Hàn Quốc, hoặc cổ trang như của Trung Quốc (tham khảo MV Lạc Trôi cũng của Sơn Tùng M-TP).

Song song với hiện tượng kỳ dị ấy, nếu chúng ta lên xem các bình luận của giới hâm mộ bóng đá, ca nhạc Việt Nam dưới các bài báo, chúng ta càng hiểu hơn. Họ sẵn sàng chửi tục, gọi bất kỳ ai bằng “thằng này, con kia” nếu có những bài viết không “thuận nhĩ” về đối tượng họ yêu thích. Thậm chí, họ lên chửi nhau với cả những người hâm mộ nước ngoài, ở các trang báo, fanpage quốc tế. Tất nhiên, trình độ ngoại ngữ có hạn nên họ cũng chỉ dừng ở mức độ văng tục là hết.

Với hình ảnh người Việt (nhất là người Việt trẻ) thô tục, thiếu văn hoá, kém tri thức như thế, có một ngàn đạo diễn Vogt-Roberts cũng không thể giúp chúng ta nâng cấp hình ảnh con người và đất nước. Sẽ rất đáng lo ngại nếu chúng ta cứ để một thế hệ còn không đại diện nổi cho chính mình lớn lên một cách hoang dã như thế.

Bản sắc là thứ phải giữ, phải thấu hiểu, phải yêu, để từ đó mỗi hành động dù nhỏ đều có thể giúp ta đại diện cho một dân tộc. Còn chuyện nhờ vào Vogt-Roberts, đó là tích cực nhưng nên nhớ, không phải lúc nào cũng có một phim như “Kong: Skull island” để chúng ta có cơ hội tuyệt vời.

Văn Đoàn
.
.