Khi cần sa lên sóng
Hãy thử tưởng tượng đứa con đang học tiểu học làm bài tập về nhà thực hành gieo mầm và chăm sóc cây con. Ông bố, vốn dĩ khá bừa bãi, ẩu tả, đã nhầm lẫn và đưa cho con mình hạt giống gieo trồng một cây… cần sa. Và việc đứa bé mang cây cần sa ấy đến nộp cô giáo đã trở thành một tấn trò đầy hài hước. Bộ phim kiểu này (nếu có), chắc chắn sẽ được phép sản xuất và phát hành khá dễ dàng ở nhiều quốc gia. Nhưng nếu là ở Việt Nam, khả năng cao nó sẽ bị yêu cầu chỉnh sửa chi tiết kể trên ngay từ khâu duyệt kịch bản.
Kiểm duyệt thực chất để phục vụ ai? Câu trả lời rất đơn giản. Nó được sinh ra để phục vụ cộng đồng, nhằm gạt bỏ những nội dung, thông tin không phù hợp với luật pháp và văn hoá mà cộng đồng đó chịu sự chi phối.
Cách đây gần 1 tháng, Netflix cho ra mắt một serie game show mới toanh có tên “Cooking with Canabis” (tạm dịch: Nấu nướng với cần sa). Serie này bao gồm 6 tập (trong mùa ra mắt 2020), mỗi tập dài khoảng 35 phút. Nội dung mỗi tập là màn thi nấu ăn giữa ba thí sinh với đầy đủ món khai vị, món chính và tráng miệng. Bắt buộc mỗi thí sinh đều phải sử dụng một loại cần sa nào đó cho món ăn của mình. Sau đó, hai người dẫn dắt chương trình (host) và 4 giám khảo (là người nổi tiếng) sẽ thưởng thức và chấm độ ngon cũng như độ phê của mỗi món.
Người thắng cuộc sẽ nhận được giải thưởng 15 ngàn USD. Và tất cả các tập nội dung này đều có phụ đề Việt ngữ, được dịch kỹ càng. Điều đó chứng tỏ serie này đã được Netflix chuẩn bị cho mọi thị trường mà họ hướng tới, trong đó có Việt Nam.
Với nhiều người nước ngoài, đặc biệt ở các nước mới bắt đầu hợp pháp hoá cần sa, nội dung kể trên không có gì sai phạm. Song, ở môi trường văn hoá và luật pháp Việt Nam thì khác. Cần sa vẫn nằm trong danh mục cấm. Bởi vậy, việc nội dung này được khai thác tại thị trường Việt Nam đặt ra một câu hỏi lớn về trách nhiệm của nhà sản xuất và phát hành nội dung là Netflix đối với khán giả Việt.
Tại sao lại là trách nhiệm của Netflix mà không phải là trách nhiệm của các cơ quan kiểm duyệt. Nếu cách đây hơn 10 năm, một sản phẩm nghe nhìn muốn khai thác ở thị trường Việt Nam, đơn vị phát hành sẽ phải chấp nhận kiểm duyệt trước khi phát hành thì hiện nay, với quyền năng đăng tải trong tay nhà phát hành, việc kiểm duyệt đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều và nhiều trường hợp phát hành rồi mới phát hiện có vi phạm nên cơ quan kiểm duyệt yêu cầu ngưng việc phát hành lại.
Song, với các đơn vị như Netflix, cái khó của cơ quan kiểm duyệt là họ không đặt chi nhánh tại Việt Nam nên do đó, cơ quan kiểm duyệt không thể “nắm tóc”. Theo vài nguồn tin trong giới kinh doanh nội dung OTT, hình như Netflix còn đang “mặc cả” yêu cầu nới lỏng kiểm duyệt thì mới chịu đóng thuế (?).
Netflx đang khai thác ở thị trường Việt Nam, với mức thuê bao tháng thấp nhất là 9 USD/ tháng/ tài khoản và cao nhất là 16 USD/tháng/tài khoản. Trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng người dùng Netflix ở Việt Nam tăng vọt. Rõ ràng, tiềm năng thị trường Việt Nam với Netflix là có. Nhưng thực tế, họ đang không tôn trọng môi trường mà họ khai thác, một môi trường có đòi hỏi về pháp lý cũng như văn hóa rất riêng.
Sẽ có người nói nếu ngăn chặn Netflix (bằng các kỹ thuật công nghệ thông tin) thì các nội dung kiểu “Cooking with Canabis” vẫn tiếp cận được người Việt qua nhiều hệ thống khác kiểu như youtube, facebook... Thực tế, với mỗi kênh phát hành, cơ quan kiểm duyệt đều đã có cách tiếp cận và làm việc riêng. Chúng ta không thể chấp nhận để họ sẽ vẫn tiếp tục nhởn nhơ thu lợi bất chấp những quy định rất cụ thể của pháp luật cũng như văn hoá đặc thù sở tại.