Khát khao chứ đừng hiếu thắng

Thứ Năm, 15/11/2018, 08:52
Năm nào cũng vậy, cứ vào độ này, người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại say sưa theo dõi từng dấu chân của các tuyển thủ. Đã thành lệ, cứ năm lẻ thì họ ngóng về những tuyển thủ U23 ở SEA Games, còn năm chẵn là Đội tuyển Quốc gia với AFF Cup.


Ngoài hai giải đấu quen thuộc đó, ngoài V-League, còn là các vòng sơ loại của các giải đấu tầm cỡ châu lục, thế giới ở đủ cấp độ tuổi. Và tất nhiên, song hành cùng niềm hy vọng luôn là những giai điệu từ những người hâm mộ và cả những người làm nghề. Đó chính là những giai điệu cổ động, những giai điệu bóng đá với kỳ vọng đánh thức được những trái tim yêu mến cầu trường.

Nhưng có một thực tế rằng, bao nhiêu năm qua, chưa có một bài hát về bóng đá nào ở Việt Nam có sức lay động mạnh mẽ đến đại chúng. Cái tâm của những người nghệ sỹ cho bóng đá là có, thậm chí rất nhiều nghệ sỹ mê bóng đá và cũng chơi bóng đá. Nhưng cũng như hành trình chinh phục châu lục của bóng đá Việt Nam, hành trình chinh phục trái tim khán giả của họ vẫn còn thất bại.

Có một chuyện rất vui mà người ta hay kể với nhau, đại ý rằng có một người nước ngoài lần đầu tiên xem bóng đá Việt Nam, đã thốt lên "Ồ, tôi biết ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam là ai rồi. Anh ấy tên là Alibaba phải không?".

Chuyện vui ấy chỉ để nhắc lại việc khắp nơi trên khán đài, mỗi khi có một đội bóng Việt Nam đá, chẳng hiểu sao ca khúc Alibaba lại trở thành thứ âm nhạc để cổ động đội bóng đang chơi dưới sân. Cái tâm lý ăn sẵn, cứ thấy cái gì dễ đồng thanh và hát theo ấy, đã là nguyên nhân cơ bản để hàng chục năm qua, một ca khúc chẳng liên quan được vay mượn đưa lên khán đài cầu trường.

Và chuyện hài hài đó bây giờ lại tái hiện, với việc một kênh truyền hình đã "đặt lời chế" cho ca khúc "Nối vòng tay lớn" của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để cổ vũ cho AFF Cup 2018 đang diễn ra. Không ít người đã phì cười khi nghe đến đoạn "Ta lên đỉnh vinh quang, bóng đá khu vực" dựa trên giai điệu gốc có lời hát là "Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà".

Nhắc đến chuyện hài hước có thật này, ta không thể phủ nhận là "Nối vòng tay lớn" đã và vẫn là một ca khúc cộng đồng được hát nhiều nhất bao nhiêu năm qua mà trong đó, khán đài bóng đá là một trong những nơi nó được hát nhiều nhất.

Quay lại với chuyện bài hát cho bóng đá nói riêng, và cho thể thao nói chung, chúng ta nhận thấy năm nào cũng có những sáng tác mới cho bóng đá, nhất là dịp ĐTQG chuẩn bị vào một giải đấu lớn nào đó. Nhưng các sáng tác ấy cứ trôi tuột đi, không phải vì chúng quá dở mà vì một lý do khác: Chúng thiếu cảm xúc đủ lay động lòng người.

Đã từ lâu, các tác giả sáng tác nhạc cho bóng đá bị đi theo một lối mòn là lúc nào cũng phải có "sút", "ghi bàn", "quyết thắng", "vinh quang", "màu cờ"… Nói chung, tất cả những từ ngữ đao to búa lớn đều được đổ dồn vào các ca khúc và khoác lên nó một nhiệm vụ nặng nề còn hơn bất kỳ áp lực thành tích nào mà ĐTQG phải đảm nhận. Và chính những lời đao to búa lớn nhưng sáo rỗng và khiên cưỡng ấy đã tước đoạt đi một thứ rất cần cho một ca khúc: cảm xúc.

Nhiều người ở Việt Nam đến bây giờ vẫn còn nhắc tới ca khúc "Un'estate L'Italiana", ca khúc chính thức của World Cup 1990 tại Ý. Bài hát ấy, chúng ta không phải ai cũng hiểu lời của nó trong tiếng Ý, nhưng đều bị cuốn vào nó bởi giai điệu và cảm xúc dào dạt kinh khủng. Và nếu dịch một đoạn lời của nó, chúng ta mới hiểu rằng nó bình dị đến mức nào.

"Những giấc mơ chúng ta đeo mang từ thuở ấu thơ đã đưa đôi chân chúng ta đi rất xa. Chúng chẳng phải câu chuyện cổ tích thần tiên mà chúng đến từ chính phòng thay đồ, nơi những cầu thủ bước chân ra sân. Và đó chính là chúng ta". Lời hát giản dị nhưng sâu sắc đó là câu chuyện của mỗi con người, câu chuyện riêng mà chung, nhỏ mà lớn. Bởi thế, nó đi vào lòng người.

Việt Nam vẫn rất cần những ca khúc cho bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Đề tài ấy cực khó nhưng càng khó càng thách thức. Và trước thách thức, chỉ có cách đến với nó bằng sự giản dị, bằng khát khao chứ không phải bằng hiếu thắng.
Văn Đoàn
.
.