Ít mà chưa tinh

Thứ Năm, 12/04/2007, 15:30
"Có nhiều cách chọn thơ. Phổ biến nhất là cách lập danh sách các tác giả nổi tiếng (hoặc “quen biết”) rồi lần theo đó mà… tìm thơ. Kế đó là cách chọn căn cứ vào những bài thơ được người tuyển biết tiếng...".

Rất hiếm cách chọn thơ thông qua “một tập thể lớn bạn đọc trong cả nước” và “chú trọng vào chọn bài thơ hay chứ không chọn tên tác giả” như những thông tin đưa ra ở phần “Lời nói đầu” của cuốn “100 bài thơ hay thế kỷ XX” (do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam phối hợp với NXB Giáo dục tổ chức xuất bản vào dịp Ngày Thơ Việt Nam vừa qua).

Tuy nhiên, cũng cần phải nói ngay là, ý tưởng của Ban tổ chức như vậy, song việc chọn 100 bài thơ ứng với 100 tác giả là điều không thể được xem là “chú trọng vào chọn bài thơ hay chứ không chọn tên tác giả” được.

Bởi ai cũng biết, đã  là thơ hay thì sẽ có người nhiều bài, người ít bài, không thể tác giả nào cũng đều bằng nhau chằn chặn (1/1) như vậy. Đây là điều mâu thuẫn không thể không dẫn đến những thắc mắc chính đáng từ phía độc giả.

Về chất lượng cụ thể của từng bài thơ, có thể khẳng định: cơ bản những bài thơ vào loại hay nhất của các tác giả đã được chọn vào tập này. Ấy là trường hợp Vũ Đình Liên với “Ông đồ”; Yến Lan với “Bến My Lăng”; Thế Lữ với “Nhớ rừng”; Thâm Tâm với “Tống biệt hành”; Chính Hữu với “Đồng chí”; Nguyễn Đình Thi với “Đất nước”; Quang Dũng với “Tây tiến”; Thôi Hữu với “Lên Cấm Sơn”; Trần Mai Ninh với “Nhớ máu”; Nguyễn Mỹ với “Cuộc chia ly màu đỏ”…

Với trường hợp tác giả là những nhà thơ lớn, có nhiều bài hay như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh thì những bài được chọn (như Hàn Mặc Tử được chọn “Đây thôn Vĩ Dạ”; Xuân Diệu: “Nguyệt cầm”; Huy Cận: “Tràng Giang”; Tế Hanh:  “Bài thơ tình ở Hàng Châu”), dẫu trong bạn đọc còn ý này ý khác, song phải thừa nhận, đó cũng là những tuyệt tác.

So sánh với những bài nổi trội nhất của họ thì cũng một chín một mười. Tuy nhiên, với trường hợp Tố Hữu và một số tác giả khác như Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Bùi Minh Quốc... người đọc thấy việc chọn lựa không được thuyết phục.

Chọn bài thơ “Khi con tu hú” đại diện cho thơ hay của Tố Hữu là rất khiên cưỡng. Nếu chọn của Tố Hữu 20 bài tôi nghĩ cũng chưa thể có bài thơ này, bởi đứng trước nó chắc chắn phải là: “Từ ấy”, “Tâm tư trong tù”, “Bà má Hậu Giang”, “Bầm ơi”, “Sáng tháng năm”, “Lượm”, “Việt Bắc”, “Em ơi, Ba Lan…”, “Êmyli, con…”, “Bác ơi”…

Chưa nói đề tài bài thơ còn hơi manh mún, chưa thể đại diện cho nhà thơ được mệnh danh là “nhà thơ thời sự thành công nhất của Việt Nam” được. Đặc biệt đáng chê trách là chọn thì vậy, khi đưa in trong tập này, bài thơ bị in sai khá nhiều.

Ví như câu thứ hai: Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần bị in thành Lúa chiêm đang chín…; câu thứ ba: Vườn râm dậy tiếng ve ngân bị in thành Vườn ươm; đặc biệt sai nghiêm trọng về ý là câu thứ sáu: Đôi con diều sáo lộn nhào từng không bị in sai thành Đôi con tu hú lộn nhào từng không!

Ngoài những lỗi ấy ra, việc in bài thơ mà không ghi thêm ở cuối bài dòng chữ “Huế, tháng 7/1939” vốn có ở những bản in trước đây của tác giả, là thời gian tác giả bị giam cầm trong nhà tù của thực dân Pháp, sẽ khiến cho việc tiếp cận giá trị nội dung bài thơ bị hạn chế nhiều (độc giả khó mà hiểu tại sao tác giả lại viết: Ta nghe hè dậy bên lòng/ Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!/ Ngột làm sao, chết uất thôi…”.

Theo như nhận định của Ban tổ chức in ở “Lời nói đầu” thì đây là một tập sách “được tinh tuyển công phu”, “một trăm năm chỉ chọn có 100 bài hay”, có nghĩa là trung bình, một năm cả nước chỉ có thể chọn được một bài. Như vậy là “gánh nặng” nằm cả “trên vai” những bài thơ được tuyển.

Thật đáng buồn và đáng tiếc là cả thế kỷ chỉ được chọn có 100 bài mà vẫn để lọt những bài thơ với những câu sơ cứng như sau: “Bao giờ xuân thanh bình sang/ Mùa xuân thống nhất quê hương/ Mùa xuân Tự do Độc lập/ Mùa xuân không đượm tóc tang/ Trong hồn day dứt mênh mang/ Quê tôi miền Bắc miền Nam/ Chắc đang hào hùng chiến đấu/ Ngăn bàn tay giặc hung tàn (“Nói sao cho vợi”- Thu Trang); hoặc diễn giải như văn phong báo chí: Con đường quê vẫn mãi mãi gập ghềnh/ Bao năm tháng những người làng chịu đói/ Năm Ất Dậu tất cả làng tụ lại/ Ăn cháo hoa suốt cả mấy tháng trời (bài “Quê hương- Nguyễn Bá Chung).

Phải vì hai tác giả trên đều là Việt kiều, một ở Pháp, một ở Mỹ mà chúng ta chọn có phần nương nhẹ chăng? Tôi nghĩ các tác giả trên cũng chẳng cần như vậy và các tác giả trong nước sẽ không lấy đó làm tâm phục khẩu phục. Bởi đây là tập thơ, như những nhà làm sách đã phi lộ, được chọn bởi hàng ngàn người, trong đó có cả các nhà văn, nhà thơ, giáo sư nổi tiếng, và là tập thơ hay của thế kỷ cơ mà?

Nhà thơ Phạm Tiến Duật:

 “Cách chọn cũng chỉ mang tính tham khảo”

“100 bài thơ hay thế kỷ XX” dựa trên cuộc vận động bình chọn của dân. Trước hết bàn về sự bình chọn thì quần chúng nhân dân rất quan trọng đối với thời gian lâu dài của văn chương (chứ không phải một lúc). Không bàn về quần chúng một lúc vì sẽ rất lệch pha với đội ngũ chuyên nghiệp.

Chẳng hạn cuộc thi “Sao Mai Điểm Hẹn” có hai giải riêng là giải của Ban giám khảo và giải quần chúng, và hai giải luôn lệch nhau.

Năm 1982, tôi có tham gia làm giám khảo một cuộc bình chọn thơ hay, Chế Lan Viên làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Kết quả bình chọn của quần chúng là một nữ thi sĩ tên T có số phiếu cao nhất. Chế Lan Viên có họp và nói: “Bài thơ này chỉ đạt trung bình yếu, không thể nào coi là bài thơ hay nhất được”. Hội đồng giám khảo đã phải sắp xếp lại.

Theo tôi, cuốn “100 bài thơ hay thế kỷ XX” cũng chỉ mang tính tham khảo. Vì bạn đọc tham gia cuộc bình chọn này thông qua hệ thống mạng thư viện trường học, mang tính khu vực hẹp, chủ yếu là những giáo chức, học sinh, sinh viên, có nhiều người đã nghỉ hưu, nên họ bị lệ thuộc vào các tuyển đã ra, thậm chí có người đã chép lại danh mục của các tuyển trước. Tuy nhiên về phía đội ngũ tác giả họ đã chính xác được đến 80%.

Từ trước đến nay việc xét tuyển văn học, trong đó có thơ là rất khó. “Văn chương tự cổ vô bằng cớ” - không có chuẩn mực nhất định, mỗi người thích một cách. Các tuyển tập thơ đã thể hiện rất rõ điều đó. Những ban tuyển có thể cho những nhận định rất khác về từng giai đoạn.

Bản thân tôi, nếu được chọn một bài thì sẽ là “Lửa đèn”. Ngay việc chọn 100 tác giả thế kỷ XX theo ý kiến của tôi cũng không trùng được với tuyển này, đấy là chưa nói đến tuyển bài.

Ví dụ có những nhân vật lớn có vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh có đóng góp về mặt “kinh bang tế thế”, nhưng xét về thơ thì lại phải xếp các cụ sau một số người khác và đặc biệt thơ hiện đại còn khó hơn nữa.

Ngay việc chọn bài tôi cũng sẽ chọn khác, như bài “Bông và mây” của Ngô Văn Phú thực ra là bài ca dao chứ không phải bài thơ. Có người còn cho rằng bài thơ này dựa theo thể ca dao “tiến nhảy vọt” của Trung Quốc. Hay bài “Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính theo tôi là hơi kém. Nếu chọn tôi sẽ chọn “Chân quê” hoặc “Giời mưa ở Huế” chứ không chọn bài này.

Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào, vẫn phải nói đây là cuộc thi đáng hoan nghênh và cần thiết. Vì khi thế kỷ XX đã trôi qua được 6 năm, giới văn học nghệ thuật vẫn chưa hề có cuộc tổng kết nào của thế kỷ XX để xem xét, quan sát lại.

Đây là cử chỉ đầu tiên để nhắc nhở mọi người cần phải đánh giá lại những giá trị của văn học nghệ thuật thế kỷ XX, có điều gì đáng tôn vinh. Ngay khi họ đặt câu hỏi đó đã thành công rồi.

Nhà phê bình văn học Chu Thị Thơm:

“Không nên gọi đây là

Tuyển tập 100 bài thơ hay thế kỷ XX”.

Nói cho công bằng, tập “100 bài thơ hay thế kỷ XX” đã chọn được tương đối chính xác những tên tuổi tiêu biểu, nhưng chưa chọn được bài tiêu biểu của tác giả. Những tác phẩm đã tạo nên thương hiệu của nhà thơ chưa được chọn chuẩn xác, khi có mặt ở trong tuyển tập này.

“Biển” của Xuân Diệu, “Mong em về trước cơn mưa” của Thu Bồn, “Lửa đèn” hoặc “Trường Sơn đông - Trường Sơn tây” của Phạm Tiến Duật, “Trở về với mẹ ta thôi” của nhà thơ Đồng Đức Bốn… là những bài thơ rất hay, nổi tiếng của các tác giả, lại vắng bóng trong tập, mà thay thế vào đó là những bài thơ hay ở mức độ rất “vừa phải”.

Các tác giả thơ rất quen thuộc với độc giả từ nhiều năm nay không hề có một tác phẩm nào xuất hiện trong tập thơ này. Bên cạnh đó, việc in có nhiều lỗi morát đã ảnh hưởng không ít tới cái hay của tác phẩm đã khiến tác giả và độc giả chưa thực sự hài lòng. Bài thơ “Anh đừng khen em” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có nhiều đoạn đã bị bỏ sót từ và in sai  gây những phản cảm khi thưởng thức…

Được biết, đã có nhiều ý kiến không đồng tình từ một số nhà thơ có bài in trong tập vì chưa chọn đúng và trúng tác phẩm, tác giả. Còn nhiều tác giả, tác phẩm bị bỏ sót.

Cho nên, không nên gọi đây là Tuyển tập “100 bài thơ hay thế kỷ XX” -nếu không độc giả sẽ hiểu lầm đây là tập hợp những tác phẩm ưu tú nhất về thơ ca của thế kỷ. Vì theo tôi được biết, có rất nhiều bài thơ hay khác của các tác giả khác thuyết phục hơn nhiều bài thơ được gọi là hay trong tập thơ này.

Lan Hương (thực hiện)

 

.
.