Hướng dẫn viên tại chỗ, tại sao không?

Thứ Năm, 28/07/2016, 12:29
Thời gian gần đây, chúng ta được biết đến rất nhiều chuyện rắc rối xoay quanh nghề hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam. Và từ câu chuyện hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc lộng hành ở các tỉnh miền Trung, một câu hỏi lớn được đặt ra lúc này cho Tổng cục Du lịch chính là "Tại sao không cải cách việc quản lý hướng dẫn viên du lịch bằng cách đi từ gốc vấn đề?".


Sẽ có người đặt ra ngay một câu hỏi rằng "gốc vấn đề là gì?" và cũng xin trả lời ngắn gọn luôn, gốc vấn đề nằm ở chỗ "không ai hiểu một vùng đất bằng chính con người sinh ra, lớn lên ở vùng đất đó". Cách đây vài tháng, chúng tôi có chuyến du lịch Campuchia và điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là người hướng dẫn viên du lịch ở Phnom Penh khi đưa chúng tôi tới Siem Reap đã bàn giao lại cho một hướng dẫn viên khác ở địa phương để quay về Phnom Penh ngay lập tức.

Ngỡ là bị sang khách, chúng tôi đặt câu hỏi và nhận được đáp án "Tôi chỉ được cấp phép hướng dẫn ở Phnom Penh thôi, xuống đây mà hành nghề, tôi sẽ bị thu thẻ hành nghề ngay". Hoá ra, người hướng dẫn viên du lịch muốn hành nghề ở địa điểm du lịch nào, người đó phải thi tuyển và chỉ được cấp thẻ hành nghề ở đúng phân vùng đó không hơn không kém. Tuần trước, trong quãng thời gian ở Bali, chúng tôi thuê một người lái xe tên là Kaka đưa rước chúng tôi trong mấy ngày ở thành phố biển đảo đó.

Kaka không phải hướng dẫn viên du lịch, nhưng anh ta làm chúng tôi cảm thấy thành phố của anh ta có quá nhiều điểm lý thú. Anh ta biết chỗ đưa chúng tôi tới nơi bán đồ thủ công, trang phục, trang sức thiết kế bởi người Bali, biết hướng dẫn chúng tôi về những đền chùa miếu mạo của địa phương, biết chỉ cho chúng tôi thấy những nhóm người đi tập thả diều đại để chuẩn bị cho Festival Diều thường niên vào tháng 8.

Kaka biết tất, kể cả nắm chính xác con số 90% dân Bali là người theo Ấn Độ giáo. Và Kaka nói tiếng Anh tốt, tính tình cởi mở, không bắt chẹt khách, không lợi dụng đưa khách vào chỗ này chỗ kia để hưởng hoa hồng. Chỉ có điều, Kaka không phải hướng dẫn viên du lịch chính thức dù chúng tôi coi anh là một hướng dẫn viên loại tốt.

Câu chuyện về Kaka khiến tôi nghĩ về du lịch Việt Nam. Ai sẽ làm hướng dẫn viên du lịch về Đà Nẵng, Nha Trang, Huế… tốt hơn chính những người ở địa phương đó đây? Và ở những địa phương đó, lượng người thất nghiệp có khả năng hành nghề hướng dẫn viên không phải là nhỏ.

Vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng chính những nguồn nội lực đó, mở khóa đào tạo ngắn hạn (miễn phí càng tốt), tổ chức thi cấp thẻ hành nghề (thời hạn 1 năm) để tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm mà song song đó, bản thân khách du lịch sẽ cảm thấy thỏa mãn bởi dịch vụ mà họ nhận được. Thậm chí, chúng ta còn có thể cấp thẻ hạng "bán chuyên nghiệp" cho những người như kiểu "Kaka" của Việt Nam có thể vừa hành nghề chở khách thuê, vừa làm hướng dẫn.

Thật đơn giản nếu như thực hiện ngay chủ trương hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ vận tải ở các địa phương du lịch nâng cấp trình độ sinh ngữ, kiến thức văn hóa về địa phương cho chính những tài xế của những nhà cung cấp dịch vụ ấy để họ mang lại một giá trị tăng thêm cho khách du lịch của mình, giá trị từ những tài xế kiêm hướng dẫn viên không chuyên.

Chúng ta không thể chậm được nữa, khi các quốc gia lân cận đã có ý thức làm du lịch ăn sâu vào từng người dân thay vì chỉ phó mặc cho một cơ quan quản lý nhà nước theo ngành lo liệu. Và nhiệm vụ của chúng ta, mỗi cá thể, không phải là than phiền, mà là quan tâm hơn đến mảnh đất mình đang sống, yêu nó hơn, tìm hiểu văn hóa của nó sâu sắc hơn, cải thiện tri thức của mình (đặc biệt là sinh ngữ) để khi cần, có thể mỗi người cũng có thể trở thành một người hướng dẫn tốt về địa phương của mình.

Văn Đoàn
.
.