Hương chưa xưa vị chưa cũ
Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội đã được đúc kết trong sách Tuyển tập tác phẩm về văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội (Phạm Quang Long - Bùi Việt Thắng tuyển chọn và giới thiệu, NXB Hà Nội, 2010). Tưởng chừng như đã đầy đủ nếu người đọc muốn thưởng thức vẻ đẹp văn hóa của ẩm thực đất Kinh kỳ trong chiều dài lịch sử thời gian 1000 năm.
Nhưng khi đọc 563 trang sách khổ lớn (16x24) Hà thành hương xưa vị cũ của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung, riêng tôi lại nghĩ, hương chưa xưa vị chưa cũ nếu đó là cái đẹp đích thực, bởi vì cái đẹp có khả năng đứng ngoài quy luật của sự băng hoại.
Đọc tạp bút của Vũ Thị Tuyết Nhung, càng củng cố trong chúng ta xác tín - không có chuyện đề tài cũ hay mới, chỉ có điều người viết có tâm huyết và tài năng hay không.
Tác giả thuộc kiểu “hai trong một” (tốt nghiệp đại học ngành văn, hành nghề báo, nguyên Trưởng Ban biên tập Văn hoá xã hội, Đài PT - TH Hà Nội), nên những trang viết vừa có cái náo hoạt của một ngòi bút “tân văn”, lại vừa có cái lắng đọng, điềm tĩnh, sâu lắng của người đắm đuối văn chương.
Bìa cuốn “Hà thành hương xưa vị cũ” của Vũ Thị Tuyết Nhung. |
“Hà thành hương xưa vị cũ” được kiến thiết từ hai phần: Phần một (Ký ức từ căn bếp cổ), Phần hai (Miếng ngon từ làng ra phố). Khi viết về cuốn sách của Vũ Thị Tuyết Nhung, tôi chợt đọc thấy tin trên báo điện tử VnExpress (14-3-21): “Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thí điểm dạy môn học “Nữ công gia chánh”, bắt đầu từ năm học 2021-2022”. Lập tức cư dân mạng sôi réo dư luận.
Một nữ nhà văn Việt định cư ở nước ngoài viết trên Blog cá nhân, giật tít “Đảm đang tôm rang hành mỡ: Tôi không can ai nuôi chí đảm đang tôm rang hành mỡ, chỉ xin tiết lộ trong nhà tôi, ngôi đảm đang số một hiện nay thuộc về chiếc lò hấp nướng đa năng Miele (...). Càng nghèo khó lạc hậu, càng thủ cựu tăm tối, càng cần phụ nữ đảm đang”.
Cái giọng chì chiết, đay nghiến đồng bào mình này là ai, tôi không cần nhắc tên cụ thể, hẳn nhiều người biết rõ. Một liên hệ tạt ngang như thế để rồi cùng người đọc bỏ lại sau lưng mọi định kiến đi vào “căn bếp cổ” của Vũ Thị Tuyết Nhung.
Có lẽ tôi thuộc thế hệ “người muôn năm cũ” nên thích những món trong căn bếp cổ này chăng: Ấm chè xanh ngày cũ; Bát canh dưa chiều đông ấm; Bát cơm rượu cho bà ngoại xứ Thanh; Cái chạn bếp trong ngôi nhà xưa; Canh chua Hà Nội bốn mùa đắp đổi; Điểm danh mấy món nộm cổ truyền Hà Nội; Hai món chè Tết cổ truyền Hà Nội; Thơm hương bánh giò nóng; Quả sấu đầu hè yêu nhớ; Mía ướp hoa bưởi; Kỷ vật từ căn bếp nhà mẹ,...
Tôi chỉ chấm phá đôi ba món trên tổng số hơn bốn mươi món như là những thời trân trọng căn bếp cổ của cư dân Hà Thành xưa (và có thể nay). Tôi mồ côi mẹ từ lúc lên ba (1954) nên trong tiềm thức bóng hình mẹ trở nên mơ hồ, đôi lúc trong mơ thổn thức tìm kiếm một hình ảnh ruột rà mà khó thay.
Nên khi đọc “Kỷ vật từ căn bếp nhà mẹ” đã đồng cảm ngay với tác giả: “Này là chiếc tráp trầu khảm trai bịt đồng. Mẹ tôi hồi còn sống hay bày chiếc tráp ấy trong ngăn tủ chùa cũng khảm trai, trông thật là long lanh óng ánh. Hằng ngày, mẹ chỉ thường dùng chiếc âu trầu bằng đồng thau xinh nhỏ. Lễ tết, cưới hỏi mẹ mới trưng ra chiếc tráp trầu khảm trai. Tôi từ thời thiếu nữ đã biết têm trầu cánh phượng, thi thoảng giúp mẹ bày trầu trên ngăn mặt tráp để các thím, các mợ trong họ đi xin dâu. Tự mình cũng mê chiếc tráp và những khẩu trầu têm cánh phượng có mấy tua lá xanh biếc cắt răng cưa bay bướm và miếng vỏ quế tỉa mào phượng đỏ chót gài trên cánh hoa hồng. Trong lòng tráp, mẹ hay cất mấy thứ đồ lặt vặt như bộ xà tích bạc có ống vôi quả đào xinh xắn, chùm chìa khóa cũ han gỉ...”.
Thế hệ như tác giả (SN 1957) và tôi thường thích thú khi tự mình đi tìm thời gian đã mất theo lối sống chậm, hoài niệm dĩ vãng, ôn cố tri tân như một động hướng tinh thần.
Phần thứ hai của sách có tựa “Miếng ngon từ làng ra phố”. Trước khi thưởng thức phần này, tôi đã cẩn thận và kỹ lưỡng đọc lại danh tác “Miếng ngon Hà Nội” (bắt đầu viết tại Hà Nội, mùa thu năm 1952; sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn các năm từ 1956 đến 1959) của nhà văn Vũ Bằng. Đọc để biết rằng mình có bị mất thời gian về những cái “biết rồi khổ lắm nói mãi” hay không.
Thật bất ngờ khi 39 miếng ngon từ làng ra phố trong phần này là bản quyền của Vũ Thị Tuyết Nhung, vì thế mà trong “Lời giới thiệu”, nhà phê bình Văn Giá (đồng môn thời đại học của tác giả sách) đã âu yếm viết về Ẩm thực Hà Nội của Nhung: “Tôi cứ mường tượng ra cái cảnh ai đó trong một đêm đông đã chui vào chăn ấm, đang thả lòng vào những trang viết “Hà thành hương xưa vị cũ”, rồi bất thần không chịu được mà vùng dậy lao xuống phố đi tìm món ăn món uống Hà Nội nào đó của Nhung... Chẳng phải đó là một hạnh phúc thật dễ thương sao!”.
Trong mục “Trước khi ngừng bút” in cuối “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng tha thiết viết: “Duy chỉ có miếng ngon Hà Nội là không đánh lừa ai cả. Miếng ngon Hà Nội bao giờ cũng trung thành, êm ái, miếng ngon Hà Nội bao giờ chiếm được lòng ta như một người vợ hiền chiếm được lòng chồng (...). Miếng ngon Hà Nội cũng thế, cũng trầm lặng như vậy”. Tất nhiên, Vũ Thị Tuyết Nhung cũng là người Hà Nội gốc. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, của thế hệ sinh sau hòa bình (1954), ít nhiều còn neo giữ được chất Hà thành so với các thế hệ sau này.
Đọc “Hà thành hương xưa vị cũ” của Vũ Thị Tuyết Nhung tôi có chủ ý đi tìm cái nét biệt sắc lối viết của thế hệ 5X. Những “miếng ngon” này rõ ràng là mang tính thời sự, thời đại của riêng Vũ Thị Tuyết Nhung: Cơm cặp lồng ngày ấy bây giờ; Những món ăn dành cho gái đẻ; Nhớ hai món giò ngon Thái Bình; Quà trung du trám trắng, trám đen; Tản mạn chuyện cà riềng cà tỏi; Một vòng quê ngoại - khu phố ẩm thực Ngũ xã,...
Tôi là dân xứ Nghệ từ trong máu huyết, nhưng khi đọc “Tản mạn chuyện cà riềng cà tỏi”, mới thấy tác giả viết về “cà Nghệ” như thể là người đồng hương chính cống của mình. Dẫu tác giả có vân vi: “Gọi tên giống cà Nghệ như thế, không biết là có phải do nó có gốc gác từ xứ Nghệ xa xôi, hay là để nhắc đến cái màu vàng như màu củ nghệ của quả cà già để giống cho vụ sau”.
Mà cũng không ai, tôi nghĩ, đem chuyện này ra phân xử đúng sai rành rẽ. Tác giả là người của thời bao cấp khốn khó nên mới viết tỉ mỉ (pha chút u-mua) cái chuyện “Cơm cặp lồng ngày ấy bây giờ”. Giọng văn hơi đỗi bùi ngùi xót xa về một thời đói khổ tận cũng theo nghĩa đen của từ này.
Bài này viết theo trải nghiệm sống, cả trải nghiệm văn hóa qua hình ảnh cái cặp lồng cơm thô sơ đầu những năm tám mươi thế kỷ trước và những chiếc cặp lồng cơm hiện đại thời nay. Thật là một trời một vực. Người không qua gian khổ không hiểu được niềm vui khi từ bé đã ấm no, đầy đủ tiện nghi.
Tác giả chia sẻ: “Thế đấy, các con tôi, chúng không biết rằng người Hà Nội đã từng trải qua bốn đời cơm cặp lồng từ thô sơ đến hiện đại. Đâu có dễ từ bỏ thói quen đã ăn sâu trong nếp sống hằng ngày. Những chiếc cặp lồng như những vật chứng của lịch sử ăn uống, sinh hoạt gắn với biết bao no đói, buồn vui của mấy thế hệ người Hà Nội trong nửa thế kỷ qua. Có lúc chúng được quý hóa giữ gìn, có khi lại bị xa rời, bỏ bẵng”.
Cuối bài viết nhỏ về tác phẩm “Hà thành hương xưa vị cũ” của Vũ Thị Tuyết Nhung, tôi muốn nhấn mạnh thêm một ý - sách dày nhưng đọc không chán, ngoài cái tình với Hà thành văn vật, còn có cái duyên thầm của chữ nghĩa.
Đúng vậy “Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Giữ cho được cái nhiệt hứng khi viết về văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội trong một độ dài gần 600 trang sách khổ lớn đã là khó. Giữ chân độc giả ngày nay thông minh hơn nhưng khó tính hơn, càng khó. Nhưng thật ngoạn mục, khi tác giả đã thực thi được một nhiệm vụ kép - làm đẹp con chữ qua đó hiển hiện vẻ đẹp của văn hóa ẩm thực chốn Kinh kỳ.