Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...

Thứ Năm, 05/08/2010, 09:08
Trong một lần trả lời báo chí, nhạc sĩ Hồng Đăng đã tâm sự: "Mỗi tác phẩm như một đứa con tinh thần, đều có số phận riêng. Có ca khúc vừa ra mắt đã nổi đình đám ngay, có ca khúc phải sau hàng chục năm trời mới ngấm, mới được người ta quý". Tôi hiểu, nói vậy là ông ngầm nhắc tới ca khúc "Hoa sữa" trứ danh của mình.

Quả tình, nhiều khán thính giả đã biết Hồng Đăng là tác giả của một số bài hát nổi tiếng với ca từ rất giàu chất thơ như "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", song đến nay, tác phẩm nổi tiếng nhất và phổ biến nhất của ông có lẽ vẫn là "Hoa sữa". Ca khúc này có số phận thật kỳ lạ. Vốn được viết để dùng trong bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978, song phải đến hàng chục năm sau nó mới "lên ngôi" và có năm đã trở thành bài hát Top ten trong nhạc trẻ.

Bài hát nói về sự chia ly của một đôi tình nhân trong bối cảnh không gian và thời gian đầy gợi nhớ. Nhiều người mê đắm với ca từ: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em/ Có lẽ nào anh lại quên em", song ít ai biết rằng, khi viết những dòng này, nhạc sĩ Hồng Đăng chưa hề biết hình dạng của hoa sữa như thế nào...

Thật ra, với Hồng Đăng, những chuyện kiểu này không phải diễn ra lần đầu. Năm 1956, tình cờ nghe một người thân nhắc đến hai chữ sa nhân, thấy cái tên hay hay, ông bèn nổi hứng sáng tác bài "Giữa mùa hái sa nhân". Bài hát khá phổ biến, song chính vì phổ biến mà ít lâu sau, từ một nông trường, nhạc sĩ đã nhận được thư góp ý của những nông trường viên: "Thưa ông nhạc sĩ, chúng tôi chỉ nhặt sa nhân chứ không bao giờ hái, vì cứ đến mùa thì sa nhân rụng xuống".

Kể lại điều này, Hồng Đăng cười lớn: "Hoa sữa thì sau khi bài hát ra đời mười năm, tôi mới biết, chứ sa nhân thì đến bây giờ tôi cũng... chưa biết hình thù của nó như thế nào".

Nếu như với những người sáng tác văn xuôi, trước khi cầm bút viết họ cần phải có một vốn hiểu biết thực tế rạch ròi, chính xác thì với những người làm thơ cũng như làm nhạc, yêu cầu này không đặt ra thật khắt khe vì chi tiết đời sống trong sáng tác của họ thường mang tính ước lệ nhiều hơn. Chính vì thế đã xảy ra hiện tượng, có những tác giả mạnh bạo đưa vào trong sáng tác của mình những hình ảnh, sự vật mà họ mới chỉ nghe nói và những điều ấy không ảnh hưởng tới giá trị của tác phẩm. Tất nhiên thường chỉ người có thực tài mới làm được điều này và trường hợp của nhạc sĩ Hồng Đăng là một ví dụ khá tiêu biểu.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong bài viết "Nhạc sĩ Hồng Đăng, có lẽ nào..." (in trong tập bút ký "Nhà văn về làng" - NXB Văn nghệ, 2008), đã kể lại câu chuyện: Ông có một người bạn ở miệt vườn miền Tây. Sân nhà anh có trồng các loại cây: vú sữa, mận, đu đủ, mãng cầu, xoài và dừa. Sân rộng bên bờ kinh lúc nào cũng râm mát. Vậy mà một lần, anh bất ngờ bảo anh muốn trồng thêm cây hoa sữa. Lý do: "Nghe bài Hoa sữa của ông Hồng Đăng, tôi mê cái mùi đó quá".

Trước ý định của anh bạn, Nguyễn Quang Sáng tỏ nỗi phân vân: "Tôi bảo với anh bạn rằng trồng thì được nhưng không biết nó có ra hoa cho anh không?". Và ông kết luận: "Vậy là hoa sữa của ông Hồng Đăng không chỉ ngọt ngào trên những con đường nhỏ của Hà Nội, mà dậy lên khắp cả mọi miền và bất chấp cả thời tiết. Một bài hát khiến cho người nghe phải khao khát, phải ao ước, không phải bài hát nào cũng có".

Nhân nhắc tới đoạn văn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi không thể không nhớ tới một tình tiết: Lần ấy (khoảng cuối năm 2007), qua báo chí, tôi đọc thấy thông tin một số tỉnh ở miền Trung phải ra tay xử lý việc trồng cây hoa sữa quá dày đặc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Cũng có một số nhạc sĩ nửa đùa nửa thật rằng, "lỗi này có phần trách nhiệm của ông Hồng Đăng".

Tôi kể lại những thông tin này với nhạc sĩ Hồng Đăng và đặt câu hỏi: "Có khi nào ông nghe tâm sự của một số "quan đầu tỉnh", rằng họ chủ trương trồng cây hoa sữa là xuất phát từ lòng yêu âm nhạc, mà cụ thể là với ca khúc "Hoa sữa" của ông?". Nhạc sĩ Hồng Đăng bật cười, điệu cười thật hồn hậu: "Hiện tôi vẫn còn giữ số báo Tuổi Trẻ nhắc tới vụ việc đó. Tòa báo đã cho đăng gần cả một trang bài phóng sự có tiêu đề "Người miền Trung lại khổ vì... hoa sữa". Không ít lời ta thán được đưa ra, thậm chí tác giả dùng đến cả cụm từ "vấn nạn hoa sữa", nhưng có dòng nào trách cứ "ông Hồng Đăng" đâu (cười). Cho nên nói "lỗi" của Hồng Đăng là cách nói đùa.

Sự thực là cách đây chừng 8, 9 năm, nhân có dịp ghé qua Đà Nẵng, trong cuộc tiếp xúc với các quan chức thành phố, trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh và ông Hoàng Tuấn Anh, tôi nghe các ông cười bảo: "Vì yêu thích bài "Hoa sữa" của anh mà Đà Nẵng chúng tôi trồng nhiều cây hoa sữa đấy". Các ông nói vậy thì tôi biết vậy. Và cũng coi đó như lời giao đãi. Chỉ không ngờ là cây hoa sữa lại được trồng dày đặc thế, đâu như cứ 2-3 mét có một cây...

Thực ra, theo tôi nghĩ, ai đó mê trồng cây hoa sữa có lẽ vì họ muốn có một biểu tượng Hà Nội, một kỷ niệm Hà Nội để gắn với quê hương mình. Đây là một ý định tốt. Có điều, muốn trồng phải nắm được những nguyên tắc cơ bản. Ví dụ, hoa sữa trồng dày quá, mùi hương nồng nặc quá, dân người ta phản ứng là phải. Chứ trồng như ở Hà Nội có ai kêu đâu".

- Ông có nghĩ rằng, nếu lời bài hát được đổi từ "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" ra thành "Hoa sữa vẫn ngạt ngào..." thì chính xác hơn? Và có tính "cảnh báo" hơn? Vì có thể người ta sợ mùi hương "ngạt ngào" mà không trồng nhiều cây hoa sữa nữa? - Tôi "ướm" hỏi nhạc sĩ.

Hồng Đăng nghe vậy lại cười to:

- Làm nhạc không ai tả chính xác đến thế cả. Vả lại, từ "ngọt ngào" mới nói được sự say mê, chứ "ngạt ngào" thì chẳng còn ai say mê nữa đâu.

Như ở đầu bài đã nói, ca từ trong một số bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng rất giàu chất thơ. Thậm chí, tách phần giai điệu sang một bên, nó có thể tồn tại như những bài thơ độc lập. Ví như ở "Hoa sữa", khi Hồng Đăng viết: "Em vẫn từng đợi anh/ Trên những chặng đường quen/ Tiếng hát ai xao động/ Thoảng mùi hương êm đềm", hoặc "Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó/ Những bạn bè quen, những con đường nhỏ/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em?", ai cũng thấy đó là những khổ thơ có vần điệu rất chỉnh. Biết đâu trong quá khứ, nhạc sĩ Hồng Đăng từng mộng ước trở thành thi sĩ? Tôi đem ý nghĩ này trao đổi với nhạc sĩ Hồng Đăng thì được ông trả lời như sau: "Trước đây mình cũng từng làm thơ, song chưa in ở đâu. Sau này ít làm. Nói chung, mình đủ vốn văn học để khi sáng tác, thơ và giai điệu song hành cùng nhau và liền lúc tuôn ra một cách tự nhiên, khiến người nghe ít thấy sự gò bó của thơ".

Trả lời câu hỏi: "Ông cắt nghĩa thế nào về việc có những ca khúc lần đầu xuất hiện trước công chúng chưa gây được ấn tượng gì đặc biệt, nhưng tới mươi mười lăm năm sau thì bỗng bừng bừng trỗi dậy và được dàn dựng, biểu diễn khắp nơi? Như trường hợp ca khúc "Hoa sữa" của ông và ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" của cố nhạc sĩ Văn Cao. Phải chăng là do tâm lý tiếp nhận của thời đại?", nhạc sĩ Hồng Đăng cho rằng: "Cái tồn tại của một tác phẩm âm nhạc là phải được nghe nhiều. Nếu không được nghe nhiều thì dễ mai một.

Thực tế, có những bài hát không hay nhưng được đưa lên biểu diễn, hát đi hát lại nhiều lần, khán giả còn thấy "hay" nữa là. Cho nên, một bài hát ra đời, nếu muốn nó đến với khán giả thì phải đầu tư về mặt biểu diễn. Chứ đưa nó ra sân khấu một đôi lần rồi xếp xó thì có cũng bằng không".

Trở lại với cuộc "bứt phá ngoạn mục" của "Hoa sữa", vẫn theo nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, tuy trong ca từ của bài hát, ông không có một từ nào xác định bối cảnh diễn ra câu chuyện là thủ đô Hà Nội, song đây vẫn được xem là một ca khúc hay về Hà Nội, và mặc dù hoa sữa đã có từ bao đời, nhưng qua ca khúc của ông, loài hoa này đã được biết đến hơn bao giờ hết. Nó trở thành "loài hoa của những đôi tình nhân người Hà Nội". Đây là một nhận xét đã được thực tế kiểm chứng.

Gần đây, trong đoản văn của bạn Minh Thu (Trường đại học Sư phạm), tôi đọc thấy những dòng hồi ức đầy xao xác: "Em giờ đã là nữ sinh năm thứ ba, anh sinh viên năm cuối. Hai năm xa nhau, chúng ta gặp nhau nhiều, nhiều đến mức nhàm chán và ghẻ lạnh. Không ai quan tâm nhau nữa. Thế nhưng, tối nay hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố... Có lẽ nào. Có lẽ nào anh lại quên em... Câu hát vẳng về quện vào mùi hoa sữa, khung trời yêu lãng mạn của chúng mình lại hiện về, nao lòng, tim rộn rã như thuở đầu yêu". Mới thấy, sức lan tỏa của bài hát sâu rộng đến chừng nào!

Trò chuyện với nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi cũng được biết thêm rằng, trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông, "Hoa sữa" chưa phải là bài hát ông kỳ vọng nhất, song đó là tác phẩm khiến ông hài lòng vì nó thực sự là "bài hát đi cùng năm tháng". Nếu như ca sĩ Lê Dung là người đầu tiên thể hiện bài hát này thì hiện tại, người khiến khán giả biết đến bài hát nhiều nhất là ca sĩ Thanh Lam

Tường Duy
.
.