Hình tượng "tuyết" trong văn học trung đại - ước lệ hay thực tế?

Thứ Hai, 12/02/2018, 09:24
Những ngày đầu năm 2018 nhiều đợt rét dồn dập đến với miền Bắc nước ta, có nơi ở miền núi nhiệt độ về đêm xuống tới -5 độ C, tuyết rơi nhiều ở Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), băng giá xuất hiện ở Ba Vì (Hà Nội)… Tình trạng như thế không hề hiếm hoi mà thường xuất hiện ở miền Bắc vài năm trước đó…


Theo quy luật thì trái đất ngày một nóng lên, vì con người ngày một đông hơn, khí thải công nghiệp ngày một nhiều hơn… Một trăm năm trước ở miền Bắc chắc còn nhiều cảnh tuyết rơi như Sa Pa, Mẫu Sơn hơn hôm nay? Năm, sáu trăm năm trước, cảnh tuyết rơi vào mùa đông chắc nhiều và dài ngày hơn, dữ dội và khốc liệt hơn hôm nay? Và rất có thể đẹp hơn, thi vị hơn hôm nay!

Qua bài viết này chúng tôi xin thử phản biện một quan niệm đã "ổn định" từ rất lâu: hình tượng "tuyết" trong thơ văn thời trung đại chỉ là ước lệ chứ không phải nghĩa đen, nghĩa thực tế. Cái lý do rất đơn giản vì cho rằng nước ta xứ nóng thì không có tuyết nên hình tượng này có trong văn học chỉ là ước lệ, là sự ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Quốc. Như vậy liệu có vô tình đã coi nhẹ sự sáng tạo thẩm mỹ của văn hóa Việt Nam!?

Xin trích lại một chi tiết về "tuyết" trong "Truyền kỳ mạn lục" (NXB Trẻ 2013, tr 206) của Nguyễn Dữ: "Năm Bính Dần (1386), vua Trần Phế Đế đi săn đỗ lại trên bờ bắc sông Đà, đêm mở tiệc ở trong trướng. Có một con cáo từ dưới chân núi đi về phía Nam, gặp một con vượn già, nhân bảo: "Vua tôi Xương phù (niên hiệu của vua Trần Phế Đế) vào rừng săn bắn, để ý vào bọn ta lắm… Nếu tuyết chưa xuống, gió chậm về, mình sẽ nguy mất" (Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang). Chi tiết "tuyết chưa xuống" nên hiểu được dùng theo nghĩa đen, có thật trong tập truyện văn xuôi giàu tinh thần tả thực này?

Tuyết rơi dày ở Sa Pa.

"Tuyết" có nhiều nhất trong thơ Nguyễn Trãi. Chúng ta đã quen thuộc với bài Tùng: "Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày/ Có thuốc trường sinh càng khỏe thay/ Hổ phách phục linh nhìn mới biết/ Dành còn để trợ dân này". "Tuyết sương" ở đây được dùng theo nghĩa bóng chỉ sự gian khó, vất vả, có thể hiểu là con người phải từng trải vốn sống, phải giàu trải nghiệm, kinh qua khó khăn, có tài năng đặc biệt để là thứ "thuốc trường sinh" tinh thần để "trợ dân".

Nhưng ở các câu như "Ngắm xem mai hay tuyết đến/ Say thưởng nguyệt lệ thu qua" (Bảo kính cảnh giới, Thơ Nôm) thì "tuyết" thiên về tả thực. "Lệ" nghĩa là sợ, ý nói thưởng thức cái đẹp phải biết sợ cái đẹp sẽ qua. Thơ Nguyễn Trãi rất nhạy cảm, cái nhạy cảm của người nghệ sỹ trân trọng tiếc thương vẻ đẹp vốn mong manh dễ vỡ: "Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan" (Bảo kính cảnh giới, Thơ Nôm). Hình tượng "tuyết" trong thơ ông cũng là một cách để biểu hiện cái đẹp mong manh ấy!

Qua hình tượng hoa cúc Nguyễn Trãi ca ngợi và khẳng định chỉ nét riêng mới có thể trở thành giá trị: "Người đua nhan sắc thuở xuân dương/ Nghỉ chờ thu cực lạ dường/ Hoa nhẫn rằng đeo danh ẩn dật/ Thức còn thông bạn khách văn chương/ Tính thanh nào đoái bề ong bướm/ Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương/ Dầu thấy xuân lan cùng lọn được/ Ai ai đều có mấy mùi hương" (Cúc, Thơ Nôm).

"Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương" có nghĩa hoa cúc chẳng đợi đến khi có tuyết sương mới nở. Các loài hoa khác đua nhau nở khi mùa xuân, nhưng cúc "cực lạ", nở vào mùa thu. Nó đành chịu (nhẫn) tiếng ẩn dật, nhưng đủ (thông) tư cách làm bạn với khách văn chương ở "tính thanh", ở sự từng trải. Nếu mùa xuân có hoa lan thì mùa thu có hoa cúc sẽ cho con người được thưởng thức nhiều mùi hương  khác nhau, ở các thời điểm khác nhau. "Tuyết sương" ở đây vừa có nghĩa thực vừa có nghĩa bóng chỉ thời gian (thời điểm), không gian (mùa).

Có lẽ không nên căn cứ vào ngày nay ít hoặc không có để nói thời ấy xứ ta không có tuyết. Điều này Nguyễn Trãi đã có triết lý tuyệt vời về quan hệ các thời điểm như nhắn nhủ với hậu thế: "Mạc tương tiền thế phan kim đại - Chớ lấy việc đời trước mà vin vào đời nay" (Hạ tiệp. Thơ chữ Hán). Ta cũng có thể hiểu: Chớ lấy việc đời nay mà vin vào đời trước. Ngày nay hay nói xem xét vấn đề phải đứng trên quan điểm lịch sử cụ thể thì Nguyễn Trãi nói ngắn gọn mà rõ ràng, trước 600 năm!

Trong "Hồng Đức quốc âm thi tập" thì trong các bài "Vịnh cảnh mùa đông" đều có hình tượng "tuyết" theo nghĩa tả thực: "Song mai nguyệt tỏ thanh bằng nước/ Cửa trúc sương xâm lạnh nữa đồng/ Điểm tuyết nào non đầu chẳng bạc/ Hóng lò có khách mặt thêm hồng". "Nữa" tiếng cổ nghĩa hơn, "Cửa trúc sương xâm lạnh nữa đồng", sương xuống cửa trúc lạnh hơn đồng. Nhìn xa đỉnh núi thấy tuyết phủ trắng (Điểm tuyết nào non đầu chẳng bạc). "Hóng" tiếng cổ nghĩa đón.

Và: "Canh chầy ngọc lậu trong băng tuyết/ Đêm lọt lưu tô lạnh nữa đồng" (Lại vịnh cảnh mùa đông). "Ngọc lậu" là cái đồng hồ nước ngày xưa, câu đầu ý nói đồng hồ "nhỏ nước" suốt đêm trong băng tuyết. "Lưu tô" là màn dệt (một kiểu màn gió), cái lạnh hơn đồng lọt qua màn (gió)!

Trong chùm bài "Vịnh năm trống canh mùa đông" thì ở canh ba có hình tượng "tuyết" theo phép tả thực: "Đêm chia nửa khéo hay là/ Giữa giáp canh, ban trống ba/ Đường quạnh phất phơ cây ngất gió/ Trên không lác đác tuyết bay hoa" (Tam canh). Trong chùm Thơ vịnh mười hai tháng thì ở bài "Tháng Mười" đã có "tuyết": "Quỳnh lựu ngàn hàng hoa tuyết đượm/ Dao trì mấy chốn thụy tương nhuần". "Thụy" nghĩa là điềm tốt lành, "tương" nghĩa nước đông lại.

Tuyết rơi trắng xóa ở Lào Cai.

"Thụy tương" còn gọi thụy tuyết, tuyết xuống làm chết sâu bọ thì có lợi cho mùa màng, tức "tuyết" là điềm lành của nhà nông. Ở bài này "tuyết" lại thiên về ước lệ vì mới "tháng mười" mà đã có tuyết (trong khi ở hai bài vịnh tháng mười một và mười hai lại không có "tuyết"). Có lẽ nên hiểu vì tháng mười đầu đông mà đã có tuyết thì sẽ ít sâu bọ, mùa màng sẽ bội thu. Cách hiểu này có thể phù hợp hơn với chủ đề ca ngợi phong cảnh thanh bình, ấm áp của tập thơ.

Với quan niệm quý mến, kính trọng con người, "Hồng Đức quốc âm" có những câu miêu tả con người thật sang trọng, vương giả: "Sớm chốn giang hồ tối nguyệt đài/ Tay giũ tơ vàng, ngờ ấy chiếu/ Lưng đeo tuyết trắng ngỡ rằng đai" (Lại vịnh thuyền người đánh cá). Gọi "Nguyệt đài" vì cái thuyền chài có trăng chiếu vào, tức ví thuyền như lâu đài nhà quyền quý.

"Tơ vàng" là lưới hoặc dây câu có thể màu vàng có thể được chiếu vàng dưới trăng. "Chiếu" ở đây là chiếu thư của vua (màu vàng). Chắc chắn bài vịnh này của Vua Lê Thánh Tông, vì người khác là không thể bởi đã "phạm thượng" khi ví lưới thuyền chài với chiếu vua. Ông chài lại có "đai" để thắt triều phục. Ngày ấy đai quan to thì được nạm bằng bạc, nghĩa là ông chài được tả như quan to. Tuyết trắng bám vào thắt lưng trông như "đai" vậy! "Tuyết trắng" là hình ảnh tả thực?!

Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, "tuyết" còn được miêu tả cụ thể, sống động hơn. Hoa tuyết cứ như bay trước mắt người đọc trong một đêm giá: "Khinh ư liễu nhứ, bạch ư mai/ Lục xuất hoa tùy khoảnh khắc khai/ Tá nguyệt định vi ngân thế giới/ Nhân phong phi táp ngọc lâu đài - Nhẹ hơn bông tơ liễu, trắng hơn hoa mai/ Hoa sáu cánh trong khoảnh khắc nở tung bay/ Nhờ ánh trăng rải tỏa khắp cõi thế từng lớp bạc trắng/ Có gió đưa, bay vây kín các lâu đài ngọc" (Tuyết hoa thi).

Ở đây là sự hòa hợp hô ứng tương giao các hình tượng: ánh trăng chiếu vào tuyết trắng càng làm tuyết lấp lánh như bạc; gió đưa tuyết bay làm lâu đài trắng lên như ngọc. "Thi trung hữu họa" là được "vẽ" bằng những câu thơ này!? Không trực tiếp thưởng ngắm cảnh vật khó có những câu thơ nói được thần thái cảnh vật như vậy!

Sau Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hình tượng "tuyết" gần như không có trong thơ văn nữa, mặc dù hệ hình thi pháp ước lệ trung đại vẫn còn nặng nề kéo dài. Phải chăng có một lý do là trong thực tế đã không còn tuyết nữa?!

Có thể dẫn chứng và lập luận của chúng tôi chưa đủ sức thuyết phục, thiển nghĩ cũng là sự đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ và bàn luận!

Nguyễn Thanh Tú
.
.