Hình ảnh từ tranh dân gian vào đời sống đương đại

Thứ Bảy, 26/01/2019, 12:44
Tranh dân gian xưa chủ yếu được bán vào các phiên chợ cận Tết để các gia đình trang trí cửa nhà cho đẹp và cầu một năm ấm no, sung túc. Vì thế, từ xa xưa, hình ảnh con lợn trong tranh được bán ở các phiên chợ đã trở nên quá đỗi thân thuộc, trìu mến với người dân và đem lại biết bao hi vọng vào một năm mới sinh sôi, trù phú.


Tranh dân gian Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống và mới đây là sự tái sinh của dòng tranh Kim Hoàng đang góp phần tạo nên một diện mạo đẹp về văn hóa truyền thống cha ông để lại.

Tranh dân gian xưa chủ yếu được bán vào các phiên chợ cận Tết để các gia đình trang trí cửa nhà cho đẹp và cầu một năm ấm no, sung túc. Vì thế, từ xa xưa, hình ảnh con lợn trong tranh được bán ở các phiên chợ đã trở nên quá đỗi thân thuộc, trìu mến với người dân và đem lại biết bao hi vọng vào một năm mới sinh sôi, trù phú.

Biểu tượng của ấm no, sung túc

“Dù ai buôn bán trăm nghề/ Cứ đến tháng Chạp thì về buôn tranh” là câu ca dao nổi tiếng của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ để nói về một nghề buôn có thời vụ thịnh hành xưa kia: nghề buôn tranh Tết. Không giống như tranh Hàng Trống, chủ yếu là bán tranh thờ, tranh trang trí nhà cửa dành cho tầng lớp thị dân khá giả, tranh Đông Hồ hay tranh Kim Hoàng là dòng tranh chủ yếu để bán cho người dân thôn quê.

Vì thế xưa kia, cứ sau vụ mùa, vào tầm tháng 10 tháng 11 âm lịch cũng là lúc công việc đồng áng nông nhàn, các làng nghề in tranh bắt đầu vào mùa sản xuất sôi động để chuẩn bị cho các thương lái về cất buôn đem đi bán ở khắp các phiên chợ. Đó cũng chính là nguyên nhân ngày xưa người lớn, trẻ em đều có cái hân hoan, náo nức đến với những phiên chợ Tết: được ngắm tranh, được chọn tranh, được kì nèo mẹ mua cho một bức tranh ngộ nghĩnh đầy màu sắc yêu thích...

Bức tranh “Đàn lợn âm dương” (còn gọi là “Lợn đàn”) của dòng tranh Đông Hồ luôn được yêu thích.

Theo một tài liệu đã công bố, trong bài tranh Tết đăng trên Hà Nội báo số Tết năm 1936, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung từng nhận xét dí dỏm: “Trên mảnh giấy đỏ rực rỡ vừa bằng bàn tay, con lợn mẹ trắng xóa như vôi quét, mắt lim dim lờ đờ, mõm tủm tỉm như mới nghĩ được điều gì lý thú. Năm con con, con xanh, con đỏ, con trắng, con tím lúc nhúc cả dưới chân.

Nội các tranh Tết “lợn mẹ lợn con” đậm đà dễ ưa hơn cả vì rõ ràng, ngộ nghĩnh, khờ dại lại là những vẻ đẹp mà hiện thời biết bao nhà mỹ thuật đang tìm kiếm ở phương Tây…”. Đó là những mô tả hết sức sinh động, đáng yêu về bức tranh “Lợn đàn” của dòng tranh Đông Hồ. Tranh “Lợn đàn” còn có tên khác là “Đàn lợn âm dương”, từng xuất hiện trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm: “Mẹ con đàn lợn âm dương/ Chia lìa đôi ngả/ Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu...”.

Sở dĩ gọi là tranh “Lợn đàn” là để phân biệt với bức “Lợn độc” hay “Lợn ăn ráy” cũng nổi tiếng không kém. Và trong tranh Đông Hồ, tất cả các chú lợn đều có xoáy hoa âm dương - biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống, trù phú ấm no. Đó cũng chính là lý do tại sao các bức tranh lợn hay được các gia đình lựa chọn mua để trang trí nhà cửa vào dịp Tết đến thế.

Theo các nhà nghiên cứu, với chú ỉn thì hình ảnh trong tranh Đông Hồ được tạo hình đẹp nhất. Con lợn trong tranh Kim Hoàng chỉ có bức “Lợn độc” được tạo hình màu đen trên nền giấy đỏ, cam truyền thống trông rất khỏe khoắn, béo tốt đầy sức sống, nhưng về mỹ cảm, nét tạo hình đều không tinh tế, tình cảm như trong tranh Đông Hồ.

Có lẽ bởi làng Đông Hồ có lợi thế nằm ngay bên bờ sông Đuống là một làng quê trù phú nên thơ, nên người nghệ nhân khắc ván in tranh đã có cái nhìn đúc kết hết sức chân thực mà tràn đầy thương mến với một con vật gần gũi, mang đến niềm hi vọng ấm no, kinh tế gia đình tăng trưởng vững vàng. Thế nhưng, nhờ sắc màu nền tranh là đỏ - cam rực rỡ vốn là biểu tượng cho sự may mắn, phát tài, phát lộc nên tranh lợn Kim Hoàng vẫn được nhiều gia đình lựa chọn.

Nó xuất hiện mộc mạc, giản dị bên ô cửa sổ, ở cột nhà, cổng hay cửa nhà đều nổi bật, không kén chọn không gian trưng bày, dù là nhà ngói hay nhà tranh vách đất, đều như mang đến một luồng sinh khí mới. Còn dòng tranh Hàng Trống, với đặc trưng riêng cũng như đối tượng mà nó hướng tới có khác biệt so với tranh Kim Hoàng và Đông Hồ, nên hình ảnh con lợn chỉ xuất hiện thoảng qua ở những bức tranh mô tả các phiên chợ như bức “Chợ quê” có hình ảnh anh “lái lợn” bên những con lợn béo tốt mà thôi.

Sức sống của hình ảnh chú lợn trong đời sống hiện đại

Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đang có xu hướng đi tìm lại những giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo của dân tộc. Việc phục chế lại dòng tranh dân gian Kim Hoàng của một nhóm tác giả, trong đó có nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa là người đi đầu đã “lao tâm khổ tứ” từ mấy năm nay, nhưng cũng đã thu được những kết quả đáng mừng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: Qua nghiên cứu, tìm hiểu từ cuốn sách của người Pháp và ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như một số rất ít tranh còn được người dân Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội) giữ được thì tranh dân gian Kim Hoàng có trên 100 mẫu. Trong đó làng Kim Hoàng chỉ còn giữ lại được 2 mẫu có mộc bản: “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”. Đến nay, sau một thời gian nỗ lực, Dự án đã phục hồi được 33 mẫu tranh khắc gỗ và hiện đang có 19 mẫu được vẽ tay sẽ dần được chuyển thành bản khắc gỗ.

Bắt đầu từ Tết Mậu Tuất 2018, với bức tranh Nghê (cách điệu từ hình ảnh con chó) được sáng tạo mới và đưa vào sản xuất, được công chúng đón nhận đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho nhóm làm dự án phục hồi tranh Kim Hoàng.

Chuẩn bị cho Tết Tân Hợi 2019, với hình ảnh con lợn đã có sẵn từ tranh Kim Hoàng cổ, bà Thu Hòa và các cộng sự của mình đã mạnh dạn ứng dụng những họa tiết tranh Kim Hoàng trên các chất liệu khác nhau, như những viên sỏi chặn giấy có in hình chú lợn, bộ lịch treo tường, lịch bàn Xuân Kỷ Hợi, bao lì xì, túi đựng quà... in hình các chú lợn.

Ngoài ra, nhóm còn phối hợp với nghệ nhân trong làng gốm Biên Hòa để làm đàn lợn rất ngộ nghĩnh phục vụ mục đích trưng bày, kết hợp với nghệ nhân làng đậu bạc Định Công làm lợn bạc theo mẫu lợn của tranh Kim Hoàng… Sắp tới, bà Thu Hòa và cộng sự còn đưa tranh Kim Hoàng lên quạt giấy Chàng Sơn, gốm sứ Bát Tràng…

Chia sẻ về sự án tái hiện sức sống của hình ảnh chú lợn trong tranh Kim Hoàng vào đời sống hiện đại, bà Hòa cho biết: “Việc làm này, xin khẳng định, không nhằm mục đích kinh doanh. Mà thông qua những sản phẩm này, chúng tôi muốn lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc nên đã thiết kế và cho in mẫu lì xì, lịch Tết lịch bàn và lịch treo tường có hình ảnh chú lợn đó. Chúng tôi không mong muốn mình sẽ trở thành đại lý để bán sỉ, bán lẻ, mà chỉ muốn làm một ít như những món quà xuân tặng bạn bè, đồng nghiệp mỗi dịp Tết, qua đó lan tỏa tranh dân gian Kim Hoàng đến với nhiều người.

Đồng thời quan trọng hơn, qua những ứng dụng này, dù chỉ mới là bước đầu nhưng chúng tôi muốn gợi ý để những cơ sở sản xuất khác họ có thể tạo những mẫu mới với họa tiết tranh dân gian. Nếu liên quan đến tranh Kim Hoàng, có thể liên hệ với tôi, tôi sẽ cung cấp những mẫu tranh chuẩn xác theo nghiên cứu của mình hoàn toàn miễn phí.

Năm nay, hình ảnh chú “Lợn độc” của dòng tranh Kim Hoàng được đưa lên lịch, phong bao lì xì khiến nhiều người thích thú.

Thật sự, chúng tôi muốn đánh thức khả năng sáng tạo, ứng dụng nét đẹp văn hóa dân gian của nhiều ngành nghề, để thêm những sản phẩm mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam...”.

Sau mấy năm thực hiện, tín hiệu vui là tranh Kim Hoàng hồi sinh, được người dân đón nhận; nhận được lời mời triển lãm, giới thiệu tranh ở một số sự kiện văn hóa, nhất là dịp Tết đến xuân về. Mấy năm trở lại đây, nhóm thực hiện dự án luôn duy trì việc mở một gian bán tranh dân gian (bao gồm cả tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống) tại một gian hàng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để lan tỏa tình cảm với những dòng tranh dân gian đến với công chúng.

Và rất vui mừng bởi công chúng quan tâm, đón nhận. Năm nay, rất nhiều tranh lợn đã được in để bày bán. Đón xuân Kỷ Hợi 2019, dự án sẽ trưng bày cố định tranh Kim Hoàng và một số sản phẩm ứng dụng tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội; tổ chức giới thiệu tranh tại Văn Miếu từ 24 tháng Chạp đến mồng 6 tháng Giêng.

Sắp tới dự kiến kết hợp để mở tour đưa trẻ em, học sinh về làng tranh Kim Hoàng tìm hiểu, trải nghiệm với mong muốn để các em thêm hiểu, thêm yêu tranh dân gian truyền thống.

Hà Anh - Xuân 2019
.
.