Hình ảnh con dê trong thơ ca

Thứ Tư, 25/02/2015, 08:00
Con dê (còn gọi là Dương, Vị, Mùi...) xuất hiện trên trái đất từ thời hồng hoang và thường sống nơi rừng núi hoang vu. Dê là loài được người Việt thuần hóa đã lâu, thành vật nuôi ở rừng núi, ở trang trại, trong chuồng nhiều gia đình. Trong 12 con giáp, dê ở hàng thứ 8 - trước con khỉ và sau con ngựa. Con dê từ lâu đã là thành tố quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam, kể cả ở các loại hình văn học - nghệ thuật, như trong thơ ca.

Dê là biểu tượng của chi Mùi, một chi quan trọng, mang nhiều triết lí nhân văn sâu sắc. Người ta cho giờ Mùi, tháng Mùi, năm Mùi đều là những thời gian tốt đẹp, nên người sinh vào năm Mùi, mang tuổi Mùi là người linh hoạt, nhạy bén, thông minh, nhiệt tình, giỏi giang, thành đạt, sung túc, hạnh phúc. Do đó, từ xa xưa, dân ta có câu ca dao đề cao tuổi Mùi:

Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân!

Và người sinh ở năm Mùi, cũng có những hình dáng đáng tự hào với hình ảnh đẹp và sung mãn:

Tuổi Mùi là con dê chà
Có sừng, có gạc, râu ra um sùm!

(Ca dao)

Loài dê cho con người thực phẩm quí là thịt, sữa... bổ dưỡng, ăn ngon, tăng sinh lực và chống, chữa bệnh, nên nhiều người thích ăn, kể cả khi Tết đến, xuân về. Ở hàng thứ, con dê đứng sau con ngựa, nhưng con dê cũng được con người cho là biểu tượng sung mãn, dẻo dai, thành đạt, ấm no, hạnh phúc, sung túc, sung sướng, hưởng thụ vui thú cuộc đời:

Năm Ngọ, Mã đáo thành công
Năm Mùi, dê béo, rượu hồng phủ phê!

                         (Vè miền quê)

Con dê béo cho thịt ngon, bổ, là một trong 3 cái thú vị mà con người khoái cảm, thường ca ngợi, thể hiện ở câu ca dao sau:

Thế gian ba sự khôn chừa
Rượu hồng, dê béo, gái vừa đương tơ!

Ngoài nuôi dê để lấy thịt, lấy sữa... người ta còn dùng dê kéo xe thay cho ngựa, trâu, bò, như trong "Cung oán ngâm khúc", Nguyễn Gia Thiều viết:

Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào!

Đây là câu không chỉ đề cập đến dê kéo xe, mà còn nói về điển tích dê kéo xe. Đó là, vua Tấn Võ đế (Trung Quốc) thường ngồi trên xe có con dê kéo đi thưởng ngoạn trong cung cấm. Con dê dừng ở phòng cung phi nào, là cung phi ấy được ngủ với vua chồng trong đêm đó. Cho nên, có chuyện, hàng trăm cung phi mang nhiều lá dâu non (dê thích ăn) đặt trước cửa phòng để mong chờ được dê đứng lại ăn. Nhưng, nhiều đêm, trong nhiều ngày dê không đến:

Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo
Ngấn phượng liễu chòm rêu lỗ chỗ
Dấu Dương xa (xe dê) đám cỏ quanh co!

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, trong "Lục Vân Tiên" có tả lúc nàng Kiều Nguyệt Nga trên đường quanh co, khúc khuỷu đến Phủ đường của Kiều công:

Trải qua dấu thỏ, đường dê
Chim kêu, vượn hú bốn bề núi cao!

Một thời nhân dân coi bọn thực dân như chó, dê:

Này anh chị em lao khổ
Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
Đã non tám chục năm rồi
Làm thân trâu, ngựa cho loài chó, dê!

                     (Bài ca cách mạng)

Những tên tay sai, mang thân làm nô lệ, phản bội dân tộc, bán nước, hại dân, làm tôi tớ cho thực dân, đế quốc, cũng bị nhân dân ví như con chó, con dê:

Giống nai, sao lại tiếng be be
Đứng lại mà coi giống thiệt dê
Đực, cái cũng râu không hổ thẹn
Vợ chồng một mặt, hết khen chê
Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ
Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề...

Bài thơ "Con dê" này lấy điển tích bên Tàu để chê cười, mỉa mai, lên án lũ người bán nước, hèn nhát, phản bội... Đó là nói về Tô Vũ là quan trung thành của nhà Hán, đi sứ sang Hung Nô, bị Chúa Hung Nô là Thuyền Vu không cho về. Dụ đầu hàng không được, Thuyền Vu cho đày Tô Vũ vào hang đá, rồi bắt đi Bắc Hải chăn dê và hẹn rằng: Khi dê đực đẻ thì Tô Vũ mới được tha về nước.

Cũng điển tích nước Tàu xưa, có Bá Lý Hề là tướng tài giỏi nước Ngu. Khi nước Ngu bị nước Tấn đô hộ, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở chăn dê. Vua Tấn biết Bá Lý Hề có tài, liền cho mang 5 bộ da Dê chuộc về làm tướng quốc. Khi làm quan, Bá Lý Hề có công dựng nghiệp lớn, sống trong Triều, được vua yêu, cung nữ quí, quên người vợ nghèo.  

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên", khi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nói về Lục Vân Tiên thành quan trạng về vinh qui bái tổ, gặp lại Nguyệt Nga, trong lúc mọi người đang hân hoan trong lễ đón, phấn khởi vui chơi, chúc mừng cho tình duyên tái hợp, thì thấy bộ mặt của Bùi Kiệm lộ ra là tay đã có thói dê với Nguyệt Nga, mà không được, nên mọi người cười chê con dê - Bùi Kiệm:

Con người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu!

Cũng lấy con dê để chê cười con người không ra gì, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tương cho mấy anh mới lớn ham hố, tưởng bở, định ăn nhằm, mà hắm hở...:

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa!

Cũng chê mấy cậu, mấy cô lợi dụng trò chơi "Bịt mắt bắt dê" để dễ bề tiếp cận da thịt với nhau, làm mất sự hồn nhiên, trong trắng, vui vẻ của tuổi trẻ:

Giả vờ bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dễ bề... với nhau!

Tình dục là nhu cầu, là hoạt động đời sống của con người. Nhưng người đời rất chê cười những ai ham quá, quá đa, thành ra nhục dục, gây hại sức khỏe... và người ta ví những người ham đó như là dê già. Chẳng là, dê đực có sức tình dục gớm ghê, nhất là con dê già, cứ là hơn 50 Dê cái mới đủ cho một dê đực:

Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm!

Con dê cũng được kể đến trong "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo, khi ông kể tội sứ giả nhà Nguyên (Trung Quốc) hống hách, khi sang xâm lược nước ta:

Cú Diều uốn lưỡi thấp cao
Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục nhằn
Tuồng dê chó tưởng rằng đắc thế
Chốn triều đình ngạo nghễ vương công!

Như đã dẫn, đúng là con dê có mặt trong thơ ca rất là phong phú, đa dạng... 

Nguyễn Tiến Bình
.
.