Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Thứ Hai, 14/01/2013, 08:00

Thời xa xưa cha ông ta rất trân trọng tài năng đi đôi với đức độ, vì "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp" (Lời khắc trên 1 trong 18 bia Tiến sĩ đầu tiên (1483) ở Văn Miếu Quốc Tử Giám của Hàn lâm Thừa chỉ Thân Nhân Trung).

Biết là vậy song để chọn được người tài không hề đơn giản. Nếu không có tầm nhìn chiến lược, chọn nhầm và sử dụng sai tài năng, chọn người thiếu thực chất, bằng cấp dởm sẽ có hại cho đất nước vì "Nhiệt tình cộng với thiếu hiểu biết trở thành kẻ phá hoại" (Lênin).

Ở ta hiện nay, việc chọn và sử dụng tài năng còn nhiều bất cập, dẫn tới hiện tượng tài năng bị thui chột, "chất xám" bị chảy máu ra nước ngoài, vì "Bụt chùa nhà không thiêng" do cơ chế chính sách cứng nhắc; bộc lộ sự cục bộ, cá nhân hẹp hòi của không ít người có chức quyền không muốn sử dụng người giỏi hơn mình. Nhiều sinh viên giỏi đi du học rồi ở lại nước sở tại, vì sợ về nhà kiến thức bị bỏ quên. Có người học giỏi ở các nước XHCN cũ, đóng góp kinh tế, kỹ thuật công nghệ ở nước sở tại rất đáng kể, về nước không được bố trí công việc thích hợp, để tài năng bị mòn mỏi, đến nỗi dư luận của quần chúng cho rằng: "Giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh không sử dụng". Ở nước ngoài rất cần những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn làm cán bộ giảng dạy, nhưng ở ta nhiều thầy giáo không biết thực tiễn, không có công trình khoa học, tác phẩm lại dễ dàng đứng trên bục giảng. Một kiến trúc sư có nhiều công trình thực tiễn cho rằng: "Nhà trường không muốn mời họ tham gia giảng dạy, vì sợ nổi trội chuyên môn hơn các thầy". Điều thực tế đó làm cho mục tiêu của Đảng bị lệch lạc.

Tiêu chuẩn chọn giáo sư, phó giáo sư ở ta thoạt trông rất quy củ, thay đổi, bổ sung liên tục, nhưng nhiều lúc vẫn không chọn đúng nhân tài. Nhiều tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư (TS, PGS, GS) cả đời không có một sáng chế nào, không viết nổi một cuốn sách chuyên môn, ngoại ngữ cũng không biết, không biết sử dụng máy vi tính, còn kém thông minh hơn nhiều sinh viên, lại ngồi trên ghế hội đồng phán xét. Có sinh viên nói: "Chúng em mong các thầy, cô dạy cho chúng em kiến thức, không mong các GS, TS dạy mà chúng em không biết gì". Tiêu chuẩn xét GS, PGS đại để như: Về PGS: 1- Phải có bằng thạc sĩ (đã hạ thấp, trước đây phải có bằng tiến sĩ); 2 - Bằng ngoại ngữ C; 3- Hướng dẫn thạc sĩ; 4- Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ; 5- Có 10 điểm khoa học đăng trên báo. Về GS: 1- Phải có bằng tiến sĩ; 2 - Phải thành thạo một trong năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung; 3- Phải hướng dẫn luận văn tiến sĩ; 4-  Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước; 5- Phải có 20 điểm tính các công trình khoa học….

Hàng bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nơi có khắc dòng chữ "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" do Hàn lâm Thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn thảo.

Nhìn chung, với tiêu chuẩn này, những người có quyền chức rất dễ "hoàn thành" vì họ biết biến hóa. Riêng khối nghệ thuật khó lọt vào, nói đúng hơn là nghệ sĩ khó được xét GS, PGS, vì khối này chủ yếu là tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, sân khấu, điện ảnh…, chỉ những nhà lý luận phê bình có lợi thế viết luận văn TS mới được xét GS, PGS.

Về tính điểm khoa học, nghệ thuật rất khó, nên có nhiều nghịch lý. Việc coi một bài viết trên báo, một bức tranh sơn dầu vẽ một đêm là xong bằng điểm một cuốn sách khoa học, một bằng sáng chế, một công trình khoa học được sản xuất hàng loạt. Bằng TS coi trọng hơn bằng Sáng chế, mặc dầu bằng TS nhiều người làm được, còn bằng sáng chế khó ai có được; còn coi trọng hơn một sáng chế được ứng dụng thực tiễn, đưa lợi ích kinh tế lớn, làm giàu cho đất nước…

Việc chọn GS, PGS ở nhiều nước tiên tiến tiêu chuẩn đơn giản hơn ở ta mà lại có hiệu quả cao. Chẳng hạn như ở Đức, việc xét chọn GS không rườm rà, hội đồng này nọ tốn nhiều tiền của. Hội đồng GS (Senat) ở các trường đại học đề xuất số giảng viên có nhiều công trình khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn làm hồ sơ rồi gửi lên Chính quyền bang. Nếu nhận được ý kiến khiếu nại, lý do thắc mắc chính đáng thì dừng lại xem xét. Nếu không, chính quyền bang ra quyết định bổ nhiệm GS, PGS. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" nên đã chọn là phải chọn đúng người có đức, có tài và biết sử dụng tài năng mới đưa đất nước ta tiên về phía trước. Nếu chọn nhầm, sử dụng sai nhân tài sẽ gây hậu quả lớn: "Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan: được người thì nước trị, mất người thì nước loạn" (như lời Hộ quốc Quốc sư Nguyễn Nguyên Úc nói với vua Lý Thần Tông)

Phạm Phú Uynh
.
.