Hãy tạo môi trường sống cho tác phẩm của mình

Thứ Hai, 13/04/2015, 09:00
Câu chuyện Bão của Đoàn Ngọc Thu gợi chúng ta về điều mà nhiều nhà thơ hiện nay vẫn nói với nhau đại ý rằng "Thơ đang mất công chúng. In thơ ra để tặng là chủ yếu chứ không bán được". Thực tế đó là có thật nhưng tại sao chúng ta lại cứ ngồi đó mà trách thị trường và than thở thế thời thay vì vận động chính mình, để tìm con đường riêng đặc biệt cho thơ tiếp cận được những người mà tác giả muốn nó tiếp cận?

Một năm trước, tôi có dịp may được làm giám tuyển cho một dự án video art của nghệ sỹ Lê Thiết Cương. Đó là một video art dựa trên ý tưởng tìm sự xích lại gần nhau giữa nghệ thuật (art) và giải trí (entertainment). Hai giới hoạt động nghệ thuật và giải trí vốn xưa nay chưa nhìn nhận nhau một cách đúng nghĩa. Phía nghệ thuật thì cho rằng giải trí dễ dãi còn phía giải trí thì cho rằng nghệ thuật quá đánh đố và nhiều khi vô nghĩa. Hơn nữa, tôi muốn sự xích lại ấy, tức là tác phẩm video art của Lê Thiết Cương dựa trên cảm hứng từ một ca khúc giải trí của cô gái trẻ Văn Mai Hương, cũng là sự xích lại của "già" và "trẻ", khi mà người đời vẫn chưa tìm được hướng giải quyết cho khoảng cách thế hệ.

Ở buổi ra mắt video art có tên "Về Một" đó, tôi gặp thi sỹ Đoàn Ngọc Thu. Chị chỉ đơn giản nhận xét một câu: "Chị thích. Và chị sẽ làm một Video art với thơ".

Bây giờ, sau 1 năm ấp ủ, Đoàn Ngọc Thu đã cho ra mắt video art với thơ của mình, cũng làm chung với nghệ sỹ Lê Thiết Cương, với cái tên chung mà chị đặt rất "bắt tai" là Poetry Video Art - PV Art (Video Art Thi ca). Còn tên của tác phẩm PV Art ấy là Bão.

Thực chất, Bão là một bài thơ hay của Đoàn Ngọc Thu nhưng ít người biết tới nó, kể cả những người yêu thơ. Nhưng tôi tin, với PV art này, số người biết và thích nó sẽ tăng lên rất nhiều, trong đó có cả những người không phải thuộc diện yêu văn chương thi ca cho lắm. Dễ hiểu, khi chọn một kênh chuyển tải tác phẩm tiên tiến, hiện đại, dễ tiếp cận, có trực quan sinh động, mang được những suy tư của cả hai nghệ sỹ (Đoàn Ngọc Thu và Lê Thiết Cương), Bão sẽ 'gặp' được nhiều người mà Đoàn Ngọc Thu muốn thơ của mình 'gặp' hơn.

Câu chuyện Bão của Đoàn Ngọc Thu gợi chúng ta về điều mà nhiều nhà thơ hiện nay vẫn nói với nhau đại ý rằng "Thơ đang mất công chúng. In thơ ra để tặng là chủ yếu chứ không bán được". Thực tế đó là có thật nhưng tại sao chúng ta lại cứ ngồi đó mà trách thị trường và than thở thế thời thay vì vận động chính mình, để tìm con đường riêng đặc biệt cho thơ tiếp cận được những người mà tác giả muốn nó tiếp cận?

Chắc chưa ai quên hiện tượng xuất bản thơ Phong Việt với 3 tập thơ bán chạy như tôm tươi mấy năm gần đây. Không nói về chất lượng thi ca của thơ Phong Việt vì mỗi người thẩm định thi ca theo mỗi cách riêng nhưng phải thừa nhận rằng Phong Việt đã đặt ra một tấm gương về xuất bản thơ thời hiện đại. Với cách thiết kế sách độc đáo, cách giới thiệu, truyền thông chuyên nghiệp, duy trì mối liên hệ với công chúng một cách thường xuyên và cập nhật, Phong Việt đã biến các tập thơ của mình thành "hit" trong thị trường thơ. Nói một cách khác, ở lãnh địa của nghệ thuật, Phong Việt đã thắng khi dùng cách của môi trường giải trí.

Nhà văn, nhà thơ nào cũng vậy, đều muốn tác phẩm của mình được vang lên, được đón nhận bởi số đông công chúng. Nhưng viết ra những tác phẩm hay chưa phải là đã đủ mà còn yêu cầu cả những lao động vất vả khác nữa để tiếp thị tác phẩm của mình. Nhà văn, nhà thơ không có quyền cách ly mình ra khỏi vận động chung của môi trường xã hội, nhất là chính môi trường xã hội ấy sẽ là môi trường sống của tác phẩm. Họ cũng phải học cách để làm mới kênh truyền tải tác phẩm của mình, học một cách nghiêm túc, với một tâm thức thật rõ ràng rằng:

Nghệ thuật không phải là thứ bánh mì dễ kiếm.

Hà Quang Minh
.
.