Từ xu hướng cách tân áo dài:

Hãy để vẻ đẹp truyền thống lan tỏa

Chủ Nhật, 11/03/2018, 08:46
Lễ hội Áo dài tổ chức ở các thành phố lớn đã trở thành sự kiện thường niên từ 5 năm trở lại đây. Trang phục truyền thống này cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Đó thực sự là một tín hiệu vui với những người yêu văn hóa Việt, dù việc cách tân, phá cách tà áo dài thế nào là đủ vẫn còn là vấn đề để lại không ít băn khoăn, trăn trở.


Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 5 đã được chính thức khai mạc vào tối 3 - 3 vừa qua tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Với chủ đề "Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh", lễ hội năm nay được diễn ra với nhiều hoạt động phong phú nhưng tất cả đều hướng tới một thông điệp xuyên suốt là "Tôi yêu áo dài Việt Nam".

Ban tổ chức cho biết, có tới 16 hoạt động hưởng ứng mang tính nghệ thuật cộng đồng nhằm thu hút sự chú ý của du khách. Ngoài chương trình đồng diễn áo dài, "Áo dài - xu hướng thời trang ứng dụng năm 2018", diễn đàn "Nét đẹp áo dài"... sẽ là những hoạt động chủ yếu tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài và truyền thống với việc sử dụng chiếc áo dài vào trong những sinh hoạt vừa mang chất sang trọng vừa mang chất giản dị, đời thường.

Ngoài ra, những hoạt động khác cũng gắn liền với hình ảnh áo dài như cuộc thi "Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh". Hay, Hội Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đề xuất việc kêu gọi các cơ quan trên địa bàn mặc áo dài 3 tháng để hưởng ứng phong trào "Thân quen áo dài Việt".

Các nghệ sĩ là đại sứ của Lễ hội Áo dài 2018.

Ngoài ra, chương trình đầy tính nhân văn "Áo dài tặng bạn" để vận động tặng áo dài cho học sinh, giáo viên vùng ngoại thành, nữ công nhân... không chỉ tạo cơ hội cho những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội tiếp cận được áo dài mà còn góp phần nhân rộng tình yêu áo dài của người Việt Nam và du khách quốc tế. Để tình yêu áo dài được lan tỏa trong đời sống, phía Sở Văn hóa  - Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, có 111 nhà may áo dài sẽ thực hiện giảm giá từ 5 - 20% cho du khách, 78 cửa hàng giảm giá bán vải áo dài từ 5 - 10%...

Không gian của Lễ hội Áo dài năm nay cũng được tổ chức ở nhiều địa điểm, không gian công cộng khác nhau như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà văn hóa Sinh viên, Nhà văn hóa Thanh niên, hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố... Lễ hội năm nay nhận được sự tham gia của 22 nhà thiết kế áo dài hàng đầu như Sỹ Hoàng, Tuận Việt, Việt Hùng, Liên Hương... với hơn 1.200 thiết kế đầy tính sáng tạo. Hơn 400 người mẫu sẽ lần lượt xuất hiện trong các hoạt động trọng điểm.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đã tiếp tục được lựa chọn là "Gương mặt đại diện" của Lễ hội Áo dài. Ngoài ra, còn có 10 gương mặt nghệ sĩ khác như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Xuân, diễn viên Hứa Vỹ Văn, gia đình nghệ sĩ Đức Thịnh - Thanh Thúy, ca sĩ Kyo Yort... được mời làm các đại sứ.

Với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn và đặc biệt có tính tương tác cao, Ban tổ chức hy vọng sẽ thu hút 80.000 du khách tới tham quan. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng cáo về thành phố Hồ Chí Minh, áo dài và đất nước, con người Việt Nam...

Bên cạnh việc Lễ hội Áo dài đã trở thành sự kiện thường niên từ 5 năm qua với nhiều hoạt động diễn ra từ đầu tháng 3 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng... thì thực sự thời gian trở lại đây, áo dài đã có mặt nhiều hơn trong đời sống.

Mặc dù thời trang ngày càng phát triển với nhiều thiết kế của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế nhưng gần đây, tại những dịp quan trọng như lễ tết, trung thu, các sự kiện như đám cưới, hội nghị... thì áo dài là sự lựa chọn của không ít người. Tết Nguyên đán vừa qua, nếu có mặt tại những địa điểm vui chơi công cộng hay chỉ trên đường phố, chúng ta sẽ thấy áo dài xuất hiện ngày càng nhiều.

Không chỉ người lớn tuổi, phụ nữ trung niên mà nhiều thanh niên và cả trẻ nhỏ cũng xúng xính vui xuân trong chiếc áo dài. Đó thật sự là một tín hiệu vui cho thấy những giá trị văn hóa truyền thống ấy đã thực sự phát huy được vị trí, vai trò trong đời sống hiện đại.

Không thể phủ nhận Lễ hội Áo dài được tổ chức thời gian gần đây đã có tác động tích cực và rõ nét với ý thức của người dân trong trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chiếc áo dài trong đời sống. Sử dụng áo dài đã trở thành một trào lưu trong đời sống mà còn trở thành đối tượng khai thác trong không ít lĩnh vực nghệ thuật. Dù trước đó, áo dài đã có mặt trong không ít tác phẩm hội họa, âm nhạc, sân khấu... nhưng sự ra đời của bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" trong đó chiếc áo dài được coi như là một nhân vật chính, trung tâm của câu chuyện khiến nhiều người cho rằng áo dài đang trở lại thời hoàng kim của mình. Áo dài trở thành một "hot trend" - xu hướng thịnh hành - đối với giới trẻ. Thậm chí cả hoa văn, kiểu dáng của những bộ áo dài trong phim cũng đã được các nghệ sĩ, bạn trẻ sử dụng.

Áo dài tung bay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Tp HCM.

Nhưng, như bất kỳ giá trị văn hóa truyền thống nào, mặc dù đang ở trong giai đoạn được "sủng ái" nhưng áo dài cũng đang đứng trước nhiều vấn đề gây bàn cãi. Bên cạnh những bộ áo dài giữ nguyên nét truyền thống thì đã xuất hiện không ít bộ áo dài cách tân.

Trong nhịp sống ngày càng gấp gáp và vai trò ngày càng năng động của người phụ nữ thì tà áo dài cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, cách tân với áo dài chỉ là cắt tà áo ngắn đi để thuận tiện hơn trong sinh hoạt thì giờ đây có vô vàn kiểu cách tân với áo dài: nào là mặc áo dài với quần jean, quần bó, quần ống ngắn và gần đây là với chân váy.

Cũng từ đây, những biến tấu gây tranh cãi như thiết kế xẻ ngực, xẻ eo, khoét cổ và hở vai quá rộng hay sử dụng vải quá mỏng đã phần nào làm mất đi vẻ kín đáo, duyên dáng tinh tế của chiếc áo dài. Thậm chí, nó còn khiến áo dài mang nhiều nét na ná trang phục của các dân tộc khác. Những cách tân này còn tạo ra các cuộc tranh cãi căng thẳng, những luồng dư luận khác nhau trong đời sống và trên mạng xã hội.

"Làm thế nào để không xảy ra thảm họa thời trang với áo dài" là nỗi băn khoăn không chỉ của những nhà thiết kế, những người làm văn hóa mà cả những người dân yêu trang phục truyền thống. Điều này không hề đơn giản vì áo dài là một giá trị văn hóa truyền thống, được tôn vinh là quốc phục nhưng lại được biểu hiện bằng mỗi cá nhân con người. Đó là tự do ăn mặc cá nhân, phụ thuộc vào thẩm mĩ, gu thời trang và cá tính của mỗi người.

Áo dài đang đứng trước thực trạng; sự cách tân cho trang phục truyền thống là một đòi hỏi tất yếu của đời sống, vấn đề là làm sao vẫn giữ được nét đặc trưng của trang phục và cũng là nét bản sắc của dân tộc. Thật khó có thể chấp nhận việc lạm dụng cách tân áo dài vì lý do đời sống hiện đại. Hãy nhìn sang những quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... mặc dù các quốc gia ấy vô cùng hiện đại nhưng những trang phục truyền thống như kimono, Hanbok vẫn giữ nguyên nét đặc trưng vốn có.

Thiết nghĩ, để áo dài không rơi vào thảm họa, vai trò đầu tiên thuộc về những nhà thiết kế. Nếu như các nhà thiết kế biết trân trọng những giá trị truyền thống, đưa ra những sản phẩm áo dài đẹp, sáng tạo nhưng luôn biết điểm dừng để giữ cốt cách, giữ được tinh thần của tà áo dài được hun đúc từ ngàn xưa thì khó có cơ hội cho những sản phẩm na ná áo dài tồn tại trongđời sống.

Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà thiết kế áo dài phải kế thừa và phát huy những giá trị sẵn có chứ không thể phá cách quá đà, xa rời chuẩn mực. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, sự thay đổi về kiểu dáng, hoa văn nhưng không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp hài hòa, duyên dáng của chiếc áo dài. Vẻ hiền dịu, đoan trang của những cô gái Việt cùng với những tà áo dài nữ tính đã thực sự tạo nên một biểu tượng văn hóa, một vẻ đẹp đậm chất Việt Nam trong lòng du khách nước ngoài.

Sự tồn tại của áo dài truyền thống nhiều năm qua cho thấy những cách tân chỉ làm cho vui mắt chứ không phải là những giá trị bền vững. Và khi vẻ đẹp truyền thống được nâng niu, giữ gìn phù hợp chắc chắn sẽ lan tỏa trong xã hội.

Khánh Thảo
.
.