Hãy coi "rác" là nguồn tài nguyên quý giá

Thứ Năm, 23/07/2020, 18:11
Mấy năm trở lại đây, gần như năm nào Hà Nội cũng nổi lên vấn nạn rác thải sinh hoạt bị ùn ứ do người dân sống gần những bãi rác của thành phố chặn không cho xe chở rác vào chôn lấp. Điều này đã gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, gây bức xúc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống của người dân Thủ đô.


Có lẽ không chỉ ở Hà Nội mà hầu hết các địa phương đều đau đầu về bài toán xử lý rác thải.

Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới, coi rác là nguồn tài nguyên vô tận. Điểm qua một vài nước, chúng ta có thể thấy rõ điều này. Tại Hà Lan, Thụy Điển, Nhật Bản… được nhà nước hỗ trợ chính sách, giới kinh doanh, nhà khoa học đã đi đầu trong việc lấy lại tất cả những gì còn giá trị từ những thứ bỏ đi, rác thải hữu cơ được sử dụng làm phân bón vi sinh; biến lưới đánh cá cũ thành thảm lót sàn; lấy chai nhựa phế thải làm đường chạy xe đạp, bồn rửa mặt, các loại vật liệu xây dựng...

Năm 2018, Nhật Bản đã mở chiến dịch  thu thập các thiết bị và đồ điện tử đã qua sử dụng nhằm lấy ra vàng, bạc và đồng từ các linh kiện điện tử cũ, smartphone để đúc các huy chương phục vụ Thế vận hội thể thao mùa hè 2020 (Olympic Tokyo 2020).

Còn tại Indonesia, năm 2019 đã có sáng kiến mang tên "đổi rác, lấy vàng" do Ngân hàng tái chế Wijaya Kusuma có trụ sở ở phía bắc Thủ đô Jakarta đưa ra nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Người dân khi mang rác tập kết tại đây sẽ được ghi vào sổ như việc gửi tiền tiết kiệm. Tùy số lượng và loại rác, người dân sẽ được ghi nhận số tiền tương ứng để đổi lấy vàng. Thí dụ, 70 kg lon nhôm (tương đương 4.500 lon rỗng) đổi được một gram vàng. Khi đủ số tiền tương ứng 5 gram vàng, họ sẽ được rút chỗ vàng này.

Để tiết kiệm tài nguyên, các quốc gia đang tìm mọi cách để biến chất thải, rác thải của ngành này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào của ngành khác trong một vòng khép kín. Hạn chế tối đa tạo ra chất thải, thu hồi tối đa nguyên liệu thô có giá trị, chỉ đốt các chất thải còn lại để tái tạo năng lượng; áp dụng công nghệ xử lý nước thải, khí thải để tạo ra phân bón khử trùng mà vẫn giữ lại hầu hết các vi sinh vật vô hại. Nước thải sau khi lọc các hóa chất và xử lý được tái sử dụng cho nông nghiệp. Những gì ít ỏi còn sót lại được xử lý theo hướng thân thiện với môi trường, chỉ một tỉ lệ nhỏ rác thải không xử lý được nữa thực sự xuất hiện ở bãi rác.

Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị cạn kiệt dần thì rác thải được xem là một loại nguồn tài nguyên quý giá mà con người có thể tái chế, tái sử dụng. Tuy vậy, nguồn tài nguyên này tại Việt Nam lại đang bị lãng phí. Hầu hết các địa phương, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp, chiếm trên 70% và đốt thủ công chiếm 28%. Với gần 100 triệu dân như hiện nay, mỗi năm lượng rác gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng triệu tấn rác bị vứt bỏ. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Cách đây hơn 15 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó đã nhấn mạnh: "Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp…". Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường và sử dụng rác là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, mà nó vẫn chỉ nằm trên giấy.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng luôn nêu quan điểm: "Chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường", đưa ra mục tiêu phát triển bền vững, với 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đang gây bức xúc, thách thức quá trình phát triển bền vững. Vậy Việt Nam cần làm gì để rác trở thành tài nguyên, chứ không phải là chất gây ô nhiễm? Phải tận dụng rác để tái chế, tái sử dụng, đồng thời chuyển hóa rác thành năng lượng, phân bón hữu cơ như thế nào?

Chủ trương, chính sách đều đã có, nhưng để mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên rác thải, biến rác thải thành giá trị gia tăng cho nền kinh tế vẫn cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương. Các địa phương cần bớt bệnh "phô trương, hoành tráng", tiết kiệm nguồn ngân sách từ việc nâng cấp, xây mới bảo tàng; từ từ hãy lát vỉa hè bằng đá phiến khi vẫn còn sử dụng tốt; rồi bớt đầu tư xây dựng trụ sở, cổng trào, tượng đài hoành trách… để đầu tư cho công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức thu gom, phân loại rác cho đúng cách. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác thải.

Có như vậy thì những tâm huyết nằm trong các chỉ thị, nghị quyết mới đi vào được cuộc sống và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Đến lúc đó, rác thải không còn là gánh nặng, là bức xúc, là vấn đề khó giải quyết, mà sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.