Hành trình kết nối tin yêu

Thứ Năm, 27/06/2019, 09:21
Nhân đọc “Chiếc vòng cổ màu xanh”, truyện dài của Đặng Chương Ngạn, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019

Trong văn học, mảng sáng tác về đề tài loài vật thường vượt trội cả số lượng và chất lượng. Giữa hằng hà thơ, truyện tái hiện sống động cuộc sống của những người bạn gần gũi với trẻ thơ, tác phẩm viết về những chú chó thông minh, trung thành, sẵn sàng liều mình cứu chủ chiếm thế thượng phong và không còn xa lạ với độc giả nhỏ tuổi trên thế giới cũng như Việt Nam.

“Tiếng gọi nơi hoang dã” (Jack London), “Chó Bi đời lưu lạc” (Ma Văn Kháng), “Tôi là Bêtô” (Nguyễn Nhật Ánh), “Tiền của thần cây” (Võ Diệu Thanh)… gây ấn tượng mạnh cho các em nhờ những phát hiện thú vị, cảm động về cuộc sống của những người bạn bốn chân thân thiết với lịch sử sinh thành, phát triển của loài người.

Trong thời buổi nạn cẩu tặc hoành hành, mạng chó cũng mong manh như mành treo chuông nặng. Đồng cảm, tri ân nghĩa khuyển, gởi thông điệp khẩn thiết đến cộng đồng nhằm chung tay ngăn chặn vấn nạn xã hội này, để chó với người an yên sống giữa một môi trường hòa ái là tư tưởng giàu tính thời sự, nhân văn trong truyện dài “Chiếc vòng cổ màu xanh” của chàng kỹ sư đắm đuối với văn học Đặng Chương Ngạn.

Chó là món quà của Thượng đế ban tặng con người, sinh ra là để cho con người. Nhưng trong suốt thiên truyện, đáng buồn thay, có một vài kẻ lòng người dạ thú đã chối bỏ ân tình của Thượng đế, từ đó gây ra bao chia lìa, mất mát, tổn thương cho cả chó lẫn người. Hành trình phiêu dạt của Kẹo đâu khác gì sự nổi nênh của kiếp người qua bao đoạn trường số phận.

Lần theo bước chân lưu lạc của chú chó mực non nớt mang chiếc vòng cổ ánh sắc màu hi vọng giữa trùng vây tai họa lúc nào cũng sẵn sàng giáng đòn chí mạng, cùng với niềm cảm phục trước sự khôn ngoan, can trường, tận trung với con người, thủy chung với bè bạn, biết làm việc nghĩa khi thấy chuyện bất bình, không ngần ngại liều thân vì lẽ phải của nhân vật,… độc giả càng bất bình, căm ghét và cật lực lên án những kẻ vì món lợi nhỏ trước mắt đã đem thân làm cẩu tặc, giết chết đâu chỉ những sinh linh bé mọn mà quan trọng hơn là hủy hoại một tình bạn dài lâu, tốt đẹp, làm thui chột niềm tin và những tình cảm thánh thiện của trẻ thơ dành cho đồng loại.

Với đặc tính giống loài, từ lâu, chó chẳng khác gì một tấm gương, một đối trọng của con người. “Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo”. Một con chó sống với chủ cả chục năm thân thiết khác gì con cái trong nhà. Nhìn vào những chú chó như Kẹo, Bông, Vàng, Cúc, Khoang, Xồm, Vàm,… chúng ta sẽ ít nhiều phản tỉnh, nhận ra phần khuyết thiếu, chưa hoàn thiện của mình, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành động để cùng với vạn vật hữu sinh sống trong thế giới ấm áp của tình yêu thương, bình đẳng.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đứa trẻ nào thương yêu, trân quý loài vật, khi trưởng thành sẽ sống nhân hậu, hạnh phúc hơn bạn bè cùng trang lứa không có phẩm tính này. Giáo dục trẻ thơ tình yêu thương và trách nhiệm đối với muôn loài để góp phần hình thành nhân cách cho bạn đọc nhỏ tuổi qua những câu chuyện cảm động, thú vị, gần gũi với cách cảm, cách hiểu, tâm sinh lí của các em là một hướng đi sát hợp. Hiệu quả của cách làm cổ xưa mà luôn luôn mới mẻ này cũng sẽ lớn hơn, dài lâu hơn so với những khuyên bảo khô khan, giáo điều của sách giáo khoa và của người lớn.

Sự hòa kết giữa nội dung giàu tính thời sự với lối viết vừa truyền thống vừa hiện đại đã tạo được cái duyên, sức hút lớn cho thiên truyện. Cốt truyện phiêu lưu, mạo hiểm ẩn dưới khung truyện có hơi hướng chương hồi, việc đan bện các tuyến truyện hiện tại và quá khứ, chuyện của chó và chuyện của người trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 235 ngày của Kẹo khơi gợi được cảm tình, sự hiếu kì, phấn khích không nhỏ cho bạn đọc.

Bút pháp tương phản khi dụng công chạm khắc sự trái ngược giữa những con người hết lòng thương quý vật nuôi, coi chúng như bạn bè, như con cái của mình với những kẻ chỉ xem các con vật bốn chân là phương tiện mưu sinh hòng thỏa mãn nhu cầu của cái dạ dày; sự trung thành, rất mực vị tha, chẳng hề so bì hơn thiệt của các nghĩa khuyển với lòng tham xé đáy, sự vô cảm, dị dạng cả nhân tính lẫn hình hài của bọn người trộm chó cũng tạo được ấn tượng thẩm mĩ sâu đậm ở độc giả. Giữa những căng chùng, buông bắt trong mạch truyện, tác giả đã khéo léo cài cắm những suy niệm đầy tinh thần cảnh báo, xây dựng: “Từ khi nào có nạn cẩu tặc?

Từ bao giờ xuất hiện cái bọn người cướp chó? Từ khi nào làng quê thanh bình biến thành những làng chiến đấu chống cẩu tặc?”; “Không, loài chó không có “ngu”, chính con người mới “ngu”, chính con người mới ác độc. Chó mong ở con người, ở chủ nó một cách hành xử nhân tính, người hơn, nhưng con người tham lam, tăm tối, ích kỉ vẫn hành xử ác độc… Chó không ngu, chỉ vì nó vẫn luôn tuân theo phận của loài chó từ nguyên thủy, nó phải tuân phục con người, tuân phục chủ và trung thành tuyệt đối với chủ!”.

 Đọc truyện, độc giả, nhất là các bạn nhỏ, có cơ sở xác tín ý tưởng về một quyền đặc biệt dành riêng cho chó: Đủ thức ăn, được chăm sóc y tế, không bị ngược đãi, không bị trộm cắp, giết thịt,… nhờ những cứ liệu thuyết phục mà nhà văn dày công tạo dựng gắn với hành trình sống thoáng chốc mà vĩnh cửu của nhân vật trung tâm: chó là loài gắn bó lâu dài nhất với con người; không có loài vật nào đã bảo vệ con người, trung thành tuyệt đối với con người như chó; cũng không có loài vật nào thông minh, nhiều nhân tính, biết chia sẻ các cảm xúc buồn vui với người như chó… Chó như người - đó là sự thật, đâu phải là cách nghĩ, cách hành xử mang tính vạn vật hữu linh, vật ngã đồng nhất kiểu trẻ con hay những người theo chủ nghĩa cảm thương. Khép cuốn sách lại, như sự cộng hưởng với sắc xanh trên vòng cổ Kẹo, ta không nguôi cháy lên hi vọng cùng với tác giả: “Sẽ sớm thôi trên thế giới này, cũng như ở Việt Nam, những con chó sẽ có quyền của nó”.

Trong nhịp sống gấp gáp hôm nay, tình yêu thương, trách nhiệm đối với loài vật là một sợi dây thiêng liêng và rất đỗi bền chặt để kết nối gia đình, thế hệ, cộng đồng. Diễn ngôn mới mẻ, đậm tinh thần sinh thái nhân văn trong truyện đã thắp sáng ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, ở đó có sự thấu cảm, trân trọng của chúng ta dành cho những thành viên thuộc thế giới “phi nhân” luôn hiện tồn bên cạnh con người, xã hội loài người. Đây là động lực không nhỏ để Chiếc vòng cổ màu xanh “lăn” xa trên hành trình kết nối tin yêu và hi vọng.  
Bùi Thanh Truyền
.
.