Hài hòa "lý" và "tình" trong "Một người đâu phải nhân gian"

Thứ Sáu, 15/04/2016, 08:11
Khi cho rằng văn xuôi Đổi mới ở nước ta có một đặc điểm nổi bật là đậm đà chất đối thoại, người ta thường lấy dẫn chứng từ truyện ngắn và tiểu thuyết, là hẳn nhiên. Nhìn rộng ra thêm, ta cũng còn có thể thấy là các bài viết thuộc thể tạp văn - thời luận cũng đóng góp vào đặc điểm - thành công mới này không kém, nếu không nói rằng tính chất đối thoại ấy ở nó còn trực diện hơn, đã gây được hiệu ứng xã hội rất rõ.


Trong dòng phát triển của văn xuôi thời Đổi mới có một nhánh rất cần được chú ý hơn là các tạp văn - thời luận. Trong lưu lượng của nhánh tạp văn - thời luận mươi, mười lăm năm trở lại đây có nhiều bài viết của nhà thơ Phạm Khải. Đầu năm 2016 này, các bài viết ấy sau khi đăng báo đã được tác giả chọn lại, in thành tập "Một người đâu phải nhân gian" (Nhà xuất bản Thông tấn)

Tập sách gồm cả thảy 53 bài, bắt đầu là bài "Bệnh sợ", và bài tiếp theo "Oan cho Chí Phèo", ở giữa có các bài như: "Có nhiều nguyên nhân làm trẻ con hư hỏng hơn trước", "Chỉ tại áo rộng hơn người", "Soạn văn bản kiểu... trên giời", "Một người đâu phải nhân gian", "Chất vấn cần phải thiết thực", "Tiết kiệm vẫn là quốc sách"; "Hà Nội đẹp vì đâu?"; "Đừng nhìn đâu cũng thấy bệnh", "Là gương thì phải sáng"... và kết thúc ở bài số 53: "Quan trọng nhất là yếu tố con người". Nội dung sách dừng ở trang 219 (khổ in 13cm x 20,5cm).

Viết ngắn gọn, ý tứ rõ ràng và đúng mực, đó là ấn tượng đầu tiên khi ta đọc các bài trong tập "Một người đâu phải nhân gian".

Bìa tập tản văn - thời luận "Một người đâu phải nhân gian" của nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.

Trong hơn 30 năm cầm bút, Phạm Khải đã cho xuất bản tới 19 đầu sách bao gồm nhiều thể loại: Thơ, phê bình - tiểu luận, bút ký - phóng sự, tản văn, thời luận, chính luận, biên khảo chuyên đề... Viết và xuất bản như thế, quả không phải là ít. Nhiều, và trải bút qua hầu hết các thể loại văn chương, có lẽ thực tế ấy đã khiến tác giả sách càng có ý thức viết sao cho ngắn gọn, hàm súc. Bản thân thể văn này (tản văn, thời luận) đòi hỏi thế, và anh cũng biết ngắn - như đoản đao, thì có sức tác động như thế nào.

Trong cái ngắn và rõ của tập sách này, tôi thấy có nhiều điểm như đã được báo trước, đã được anh phát huy từ tập phê bình - tiểu luận "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" anh viết trước đó, rồi xuất bản vào năm 2013, và tập chính luận "Quyền phản biện không của riêng ai" cũng xuất bản vào năm 2013.

Để ngắn gọn mà ý tứ vẫn rõ ràng, nhất là ở thể tạp văn - thời luận, người ta thường có lối đặt tên bài viết cốt để gợi mở, lập ý. Phạm Khải cũng theo lệ thường, nhưng không phải bao giờ nhan đề bài viết của anh cũng thế, mà nhiều lần anh đã chọn cách đặt tên bài viết có vẻ như "chơi chơi", ngẫu nhiên ngẫu sự (Chỉ tại áo rộng hơn người); có vẻ như đưa ra một yêu cầu (Muốn cây ngay, phải "nắn" sớm; Chất vấn cần phải thiết thực); có vẻ như một lời nhắc nhở, kêu gọi (Xin đừng "qua cầu rút ván"), và nhiều khi, lại như là một tổng kết (Tiết kiệm vẫn là quốc sách; Quan trọng nhất là yếu tố con người), và rất "lửng lơ con cá vàng" là những tên bài: "Tặng ai, ai đọc, bây giờ đọc ai?"; "Giải hạn, "trả ơn" bằng bìa sách", "Sao lại phải thay?", "Tại cái... loa phường", "Chỉ xin lỗi thôi, chưa đủ"...

Mới đọc qua tên bài, cũng đã có thể hình dung ra nội dung, cách thức trò chuyện, đối thoại của Phạm Khải là trực tiếp và ngay thẳng như thế nào. Tuy vậy, đôi khi sự đoán định này cũng không hẳn đúng, bởi tác giả đã tạo bất ngờ bằng các câu/lời mở đầu thật linh hoạt, biến đổi thích hợp cho mỗi bài.

Chẳng hạn, ở bài "Oan cho Chí Phèo", Phạm Khải mở đầu bằng câu: "Kính thưa cụ Nam Cao!", thế là một bức thư gửi nhà văn quá cố? Vâng, quả vậy. Mở đầu bài "Bệnh kêu ca", anh viết: "Từ ngày xửa ngày xưa các cụ ta đã từng dặn dò con cháu: "Nói người phải ngẫm đến ta". Trong "Truyện Kiều", thi hào Nguyễn Du cũng lại nhắc: "Mình làm mình chịu kêu mà ai thương".

Mặc dầu vậy, kêu ca vẫn là căn bệnh phổ biến của nhiều người"; hoặc vào bài "Không phải lúc bàn lùi", nhà thơ - nhà báo lại gợi: "Ở nước Nga có câu chuyện ngụ ngôn về một con cuốn chiếu. Con cuốn chiếu này có nhiều chân quá. Mỗi lần di chuyển nó cứ loay hoay tính toán mãi xem nên nhấc chân nào ở hàng bên trái và chiếc chân nào ở hàng bên phải. Cứ quẩn quanh tính toán mãi vậy, rốt cục là quên mất cả cách bò".

Ngẫm ra, cách vào bài linh hoạt mà tự nhiên này cũng "tốn" kiến thức, vốn liếng văn hóa - sách vở lắm. Người ít vốn sẽ trùng lặp, tạo ra nhàm chán ngay. Mà nếu có sẵn vốn, lại không có ý thức tiết chế, thì đâm ra sa đà, làm chệch hướng theo dõi của người đọc. Nhìn chung, tác giả tập "Một người đâu phải nhân gian" đã tránh được cả hai xu hướng thông thường này.

Trong tập sách chúng ta đang bàn, có đến  quá nửa số bài viết về các việc, các vấn đề đang nổi cộm, đang có tranh luận. Đó là vấn đề dạy trẻ, chăm sóc bồi dưỡng trẻ, từ những cái rất cụ thể như sách giáo khoa nên biên soạn thế nào, niềm tin nơi học đường cần được xác lập nghiêm túc và tinh tế ra sao...

Rồi cả một tổ hợp câu chuyện - vấn đề tưởng như chỉ của giới, ngành văn hóa - văn nghệ là việc viết sách, viết báo, kết nạp hội viên, trao đổi học thuật, bầu cử các chức danh... mà xem ra, cũng là chuyện danh với lợi, thực và không thực của muôn đời, ai cũng đau đáu cả. Trong lịch sử đương đại Việt Nam, thật chưa bao giờ quan hệ giữa Quốc hội với cử tri lại được nhắc nhở và quan tâm rộng rãi như những ngày này, chưa bao giờ các kì họp cùng nội dung và cách thức, trình tự họp của Quốc hội lại được chú ý tìm hiểu, theo dõi như bây giờ.

Đặc điểm này của thời đại có được, phần rất đáng ghi công là thuộc về báo chí, truyền thông. Là người làm báo đã lâu và hiện là Phó Tổng biên tập của một tổ hợp báo chí thuộc lực lượng vũ trang, Phạm Khải có điều kiện và trách nhiệm tạo ra mối gắn kết giữa cơ quan lập pháp với đông đảo công chúng. Nếu coi đó là lợi thế thì anh đã khai thác được lợi thế này qua một loạt bài trong tập "Một người đâu phải nhân gian".

Không cao đàm khoát luận chung chung, anh gợi chuyện, rồi đưa ra khuyến nghị cụ thể. Ví dụ: Khi có đại biểu, tại phiên họp Quốc hội (khóa XIII) thảo luận về sửa đổi Hiến pháp 1992, đã nêu ý kiến sửa đổi lời Quốc ca (cụ thể: nên thay đoạn "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác) với lý do "trong quan hệ ngoại giao ở thời bình thì những lời của chúng ta cũng nên nhẹ nhàng đi một chút", Phạm Khải đã có ý kiến: "Không biết ai đó thấy thế nào chứ cá nhân tôi, khi nghe tới câu "Đường vinh quang xây xác quân thù", tôi không cảm thấy có gì "khát máu" ở đây cả (khác với cảm giác khi nghe câu "Thề phanh thây uống máu quân thù" đã được Văn Cao sửa lại trước đây).

"Đường vinh quang" là một cách nói ước lệ, chữ "xây" cũng là một cách nói ước lệ, cho nên mấy chữ "xác quân thù" ở đây không tạo ra một hình dung gì ghê rợn như ai đó nói. Thậm chí, theo hình dung của tôi, "Đường vinh quang xây xác quân thù" là một hình ảnh kỳ vĩ, nói lên tầm vóc to lớn của những chiến tích trong chống giặc ngoại xâm mà quân đội ta, nhân dân ta đã lập nên".   

Ở bài "Phải biết tự soi mình", tác giả thẳng thắn trong đối thoại, có sắc thái luận chiến mà không căng cứng, áp đặt. Nhân bàn về vấn đề "tự phê bình" đối với những người "tay đã nhúng chàm", bên cạnh những ý kiến tỏ ra không mấy tin tưởng vào sự tự giác này mà đòi hỏi phải "đưa dân vào cuộc", Phạm Khải nêu quan  điểm: "Ngoài các biện pháp mang tính tổ chức, hành chính, vẫn không thể không yêu cầu sự tự giác của mỗi người.

Điều này nghe có vẻ "cải lương" nhưng nó đúng với thực tế hiện nay của xã hội ta. Tại sao tôi nói vậy? Là vì, lâu nay ta hay nói đến dân, phải thế này, thế khác với dân, song thực tế, sự biến chuyển cung cách, xử sự với dân của các cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã cải thiện được là bao? Vả chăng "dân" ở đây là ai? Đừng nghĩ rằng chỉ mình anh được quyền nhận anh là "dân". Tôi là quan, nhưng khi cần tôi cũng nhân danh nhân dân đấy".

Đấy là lối tản văn - luận chiến thời sự của Phạm Khải, người nghe, người đọc không thể không đồng tình dẫu biết mình đã được (hay bị) phê bình.

Không tránh né cũng là một ưu điểm của tập "Một người đâu phải nhân gian". Trong bức thư "gửi" nhà văn quá cố Nam Cao, rõ là tác giả mượn chuyện bình về phẩm giá nhân vật Chí Phèo cùng là tài năng điển hình hóa, khái quát hóa cuộc sống của Nam Cao mà phê phán sâu cay một loại người trong xã hội hiện nay: "Rốt cuộc, Chí Phèo ước muốn hoàn lương, cái đó, nhiều kẻ bất chính quen ăn cướp tiền bạc của nhân dân dù có xuôi tay nhắm mắt cũng chưa chắc trong tâm trí đã có một lần ánh lên sự hoàn lương ấy. Đánh đồng Chí Phèo với những nhân vật ấy sao được?".

Tôi nghĩ là, nếu bạn có trong tay tập tản văn - thời luận này của Phạm Khải, chắc bạn sẽ nhận thấy tác giả đã gợi thêm cho mình cách ứng xử, cách suy ngẫm trước một số hiện tượng, vấn đề...; đồng thời anh cũng đã nói hộ tâm sự, tâm trạng của mình rất nhiều.

Tôi cũng tin là Phạm Khải sẽ còn viết tiếp, dù biết là anh đang và sẽ còn rất bận rộn với công việc cơ quan. Văn phê bình tiểu luận và văn thời luận của anh đang nương tựa và phát triển theo lối thân mật và ngay thẳng, lý và tình hài hòa, khiến cho cuộc đối thoại anh mở ra càng thêm hiệu quả.

Hà Nội, 9-3-2016

Nguyên An
.
.