Giòn cười, tươi khóc

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:06
Đúng là giòn cười, tươi khóc nếu như chúng ta nhìn vào thái độ của cộng đồng trong suốt mấy tuần qua. Mới vừa ầm ĩ đó với chuyện những trò hài nhảm trên truyền hình, người ta đã kịp nhỏ nước mắt xót xa cho một câu chuyện khác, chuyện người cha hát rong bán kẹo và hai con bị teo não, cũng trên sóng truyền hình. 


Rồi mới nhỏ nước mắt xót xa đấy thôi, người ta đã lại vội vàng nổi giận khi biết được một mặt khác của câu chuyện. Thậm chí, có cả những người gọi điện dọa giết người cha ấy nếu như anh không chịu trả lại tiền từ thiện đã nhận được từ những nhà hảo tâm.

Sự thay đổi thái độ nhanh đến chóng mặt của cộng đồng cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về con người hôm nay. Như một nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học công bố và được tờ New York Times đăng lại, đã và đang tồn tại hội chứng tị hiềm, đố kỵ và thù ghét trên facebook.

Song song với những chia sẻ kiểu "hưởng thụ đời sống" của một số người luôn là những chia sẻ cho thấy sự bực dọc, chán chường, than thở và mỉa mai của những người khác. Điều đó cho thấy một điểm chính: Con người ngày càng dễ bị kích động hơn trước luồng thông tin đa chiều và đồ sộ đổ ập vào mình mỗi ngày.

Câu chuyện nào cũng có nhiều góc cạnh của nó, và chúng ta không ai có thể thấy được phía tối của vầng trăng cả. Nhưng trớ trêu thay, những kẻ tạo ra câu chuyện, tức những người đang kinh doanh nội dung, với nắm bắt khá tinh vi về cơ chế của mạng xã hội và truyền thông xã hội hôm nay, đã tận dụng sự dễ kích động của cộng đồng để tạo ra những câu chuyện trục lợi cho riêng mình.

Chắc chúng ta chưa quên chuyện cô bé "xương thủy tinh" trong một cuộc thi hát trên TV năm nào. Chúng ta càng chưa quên câu chuyện một bà mẹ được coi là "đanh đá, chỉ biết con mình là nhất" với đơn khiếu nại kết qủa một cuộc thi hát khác cũng trên truyền hình cách đây vài năm. Tất cả những chất liệu ấy của con người được đem ra khai thác triệt để, với chỉ một mặt lộ sáng duy nhất, để tạo sức hút cho các chương trình là chính. Phần còn lại, như giá trị thẩm mỹ, nhân phẩm con người đều bị bỏ qua một cách lạnh lùng với một ngụy biện vô cùng quen thuộc "chơi là vui thôi mà".

Sẽ có không chuyện ồn ào của người cha bán kẹo hát rong nếu như những người sản xuất chương trình đừng vẽ ra một hoàn cảnh bi thương quá mức như vậy? Sẽ có không những nổi giận của cộng đồng nếu câu chuyện không bị bẻ cong thành "người mẹ đang tâm bỏ lại hai con"?

Tất nhiên, người cha cũng không thể đứng ngoài cuộc và phủi sạch trơn trách nhiệm, nhưng điều gì đã kích thích anh ta làm chuyện đó thì chúng ta quá hiểu. Nó là sự dễ dãi mà các nhà sản xuất chương trình đã tạo ra cho những người tham dự các cuộc thi kiểu này từ trước đến nay, và khiến họ nghĩ rằng sóng truyền hình là nơi dễ "bán nước mắt" để kiếm về những ủng hộ trị giá rất lớn bằng tiền.

Và khi nhận diện rõ chính những người đang bán nụ cười, chào mời nước mắt của người khác một cách thản nhiên trên sóng, chúng ta mới hiểu rằng, mình đã bị lợi dụng đến mức nào. 

Văn Đoàn
.
.