Giáo dục di sản: Nhiều khoảng trống bị bỏ ngỏ?

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:05
Theo kết quả tổng kiêm kê mới đây của Hà Nội, chỉ riêng địa bàn Thủ đô đã có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng. 


Đối với di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có gần 1.800 di sản thuộc nhiều nhóm khác nhau. Nếu tính trên cả nước, con số thống kê di sản vật thể và phi vật thể chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc tiếp cận các giá trị di sản, đặc biệt là giáo dục di sản cho người trẻ hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề phải bàn.

Sinh viên Luật cũng chưa được học Luật di sản

Tháng 5-2017, Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Luật Hà Nội khiến nhiều người ngạc nhiên khi công bố nghiên cứu khoa học chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể - Dưới góc nhìn pháp lý". Sự bất ngờ không chỉ đến từ sự mới mẻ của nội dung nghiên cứu, tấm lòng và nhiệt huyết của các luật sư tương lai mà còn bởi thông tin: Luật Di sản chưa từng nằm trong bất cứ chương trình đào tạo nào của nhà trường.

Nhớ lại thời điểm bắt tay vào triển khai xây dựng đề tài, Nguyễn Sơn Hải, sinh viên khóa 38, Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết, Luật Di sản ở trường không được giảng dạy chính khóa, hệ thống đào tạo tín chỉ ở trường không có. Nhưng 2 năm trước, rất nhiều tranh cãi liên quan đến pháp lý quanh di sản văn hóa liên tiếp diễn ra, trong đó, tranh cãi quanh hoạt động xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân là điển hình.

Di sản văn hóa phi vật thể  vô cùng phong phú nhưng chưa thực sự tiếp cận được khán giả trẻ như mong muốn.

Với sinh viên luật, việc nắm bắt và hiểu được những vấn đề pháp lý điều chỉnh xã hội là vô cùng cần thiết. Lý do này cộng thêm chút "ngông cuồng" của tuổi trẻ, nhóm sinh viên thuộc câu lạc bộ nghiên cứu khoa học của trường bàn nhau bắt tay triển khai thực hiện.

Để hiểu được lý do dẫn đến những tranh cãi về thực thi pháp luật trong công tác xét tặng danh hiệu nói trên, các thành viên trong nhóm chia nhau tìm hiểu kỹ càng hơn các quy định của pháp luật xung quanh việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nghệ nhân ở các địa phương.

Sau 2 năm triển khai, vượt qua khoảng 7.000km từ Bắc vào Nam, đến 15 tỉnh, thành, gặp gỡ và trò chuyện với 25 nghệ nhân, tiếp xúc với 10 loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, các thành viên trong nhóm thu về nhiều kiến thức bổ ích.

Ngoài những vấn đề bất cập về mặt pháp lý trong xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được phát hiện, các thành viên còn có dịp trải nghiệm, tìm hiểu và đắm mình trong không gian văn hóa thực thụ của nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, trong đó có những loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ đây, nhiều vấn đề khác trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản tiếp tục được phát hiện. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn hoàn toàn mang tính tự phát. Phải đến tháng 5-2016, khi nhóm tác giả tham gia cuộc thi tài năng nghiên cứu khoa học trẻ của trường, giành được giải ba, đề tài nghiên cứu được lan tỏa, hỗ trợ được nhiều cá nhân, tổ chức tiếp cận về khung pháp lý xung quanh việc xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân, nghệ sĩ, nhóm bắt đầu mới có thêm nhiều sự hỗ trợ từ thầy cô. Hoạt động nghiên cứu cũng vì thế mà thuận lợi hơn rất nhiều.

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu nói trên, Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho biết, đây là hướng nghiên cứu hoàn toàn mới và chưa hề có tiền lệ tại cơ sở đào tạo này. Một trong số các lý do quan trọng nhất là Luật di sản hoàn toàn nằm ngoài chương trình đào tạo của nhà trường.

Đại học Luật Hà Nội là một trong những cơ sở hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước. Trường đào tạo những kiến thức cơ bản nhất về nhà nước, pháp luật nhưng không phải ngành luật nào cũng đào tạo. Sinh viên chỉ có thể tự tiếp cận với Luật Di sản từ các lý luận cơ bản.

Cũng theo tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận. Không ít ý kiến cho rằng cần có sự tham gia của các luật sư trong hoàn thiện các hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa Việt Nam thành di sản văn hóa thế giới.

Vì vậy, đào tạo đội ngũ nhân lực đủ trình độ góp phần cùng cơ quan nhà nước bảo vệ tốt di sản đất nước, kể cả việc củng cố về mặt pháp lý cho các hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa của thế giới, chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để thành lập một ngành đào tạo riêng thì không thể giải quyết một sớm một chiều. Trước mắt, nhà trường chỉ có thể đóng góp thông qua hỗ trợ được sinh viên nghiên cứu khoa học. Từ kết quả nghiên cứu của sinh viên, nếu thấy hợp lý, trường sẽ gửi văn bản góp ý cho các cơ quan có thẩm quyền.

Trải nghiệm vẽ tranh dân gian - một trong số cách thức gián tiếp hấp dẫn lớp trẻ đến Bảo tàng Hà Nội.

Cần linh hoạt hơn trong giáo dục di sản trực quan

Tại nhiều di tích, bảo tàng, hoạt động giáo dục di sản thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là những người trẻ đang gặp nhiều vấn đề. Ông Lê Trọng Thanh, đại diện Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm - đơn vị kinh doanh cáp treo và dịch vụ du lịch tại khu danh thắng Yên Tử cho biết, khai thác dịch vụ giáo dục cho thế hệ trẻ tại Yên Tử không dễ.

Có năm, Tùng Lâm miễn phí cáp treo mùa hè, thậm chí là miễn phí bữa ăn cho  sinh viên học sinh mà không hiệu quả. Sau một thời gian tìm hiểu nguyên nhân, đơn vị phát hiện là do sản phẩm dịch vụ không thu hút được các bạn trẻ. Các chương trình tham quan còn "tĩnh" quá,  thiếu các hoạt động, trò chơi để các em tự trải nghiệm, tương tác lẫn nhau.

Để cải thiện tình hình, công ty xây dựng chương trình mới, kết hợp với các sư thầy ở thiền viện tổ chức ngồi thiền kết hợp đưa khách vào Yên Tử hoạt động vui chơi, giải trí. Công ty còn kết hợp với các tổ chức, cơ sở đào tạo triển khai các chương trình học kỳ quân đội, bố trí học sinh thành từng đội, tự kiếm củi nấu cơm, tổ chức các trò chơi tìm mật mã người xưa, sử dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại hỗ trợ trẻ khám phá bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhờ xây dựng nhiều sản phẩm phù hợp, đến nay, tình hình đã được cải thiện đáng kể.

Đại diện khu di tích Hoàng thành Thăng Long - di tích duy nhất của Thủ đô Hà Nội được công nhận là di sản thế giới cũng cho rằng, đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên là hướng tiếp cận đúng đắn trong phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Tuy nhiên, việc thu hút các đối tượng này ở nhiều bảo tàng, di tích chưa hiệu quả. Nguyên nhân không chỉ từ phía các cơ sở mà còn ở các nhà quản lý giáo dục. Ví dụ, chương trình "Em làm nhà khảo cổ" cho học sinh cuối cấp tiểu học đã được khu di tích triển khai từ năm 2013 nhưng không hiệu quả. Mãi đến năm 2016, khi ban quản lý di tích chủ động liên kết chặt chẽ với Phòng giáo dục quận, huyện, Ban giám hiệu các nhà trường thì số lượng học sinh đến rất đông, thậm chí có thời điểm bị quá tải.

Tất nhiên, bên cạnh sự thay đổi nhận thức của người làm quản lý giáo dục thì cơ sở cũng phải chủ động thay đổi. Đơn giản như trang bị cơ sở vật chất, cụ thể là các phòng tương tác với đầy đủ dụng cụ, mô hình cho các em học sinh có không gian trải nghiệm, thỏa sức sáng tạo là một ví dụ…

Được biết, để phát huy giá trị di sản, ban quản lý nhiều di tích, bảo tàng đã bắt đầu xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm nhằm thu hút công chúng, đặc biệt là những người trẻ. Tại Bảo tàng Hà Nội, ngoài các chương trình kết nối với các nhóm, cơ sở đào tạo đưa học sinh, sinh viên đến tham quan còn phối hợp thực hiện khá nhiều hoạt động ngoại khóa như một cách gián tiếp thu hút bạn trẻ: các lễ hội, thi vẽ về Hà Nội…

Từ năm 2016, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã triển khai thí điểm cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở di tích. Theo đó, cán bộ giáo dục di sản nghiên cứu và phối hợp với các thầy cô giáo để xây dựng các chương trình giáo dục về di sản gắn liền với mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức giáo dục của từng cấp học, từng khối lớp và phù hợp với yêu cầu của từng môn học…

Nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, chủ động kết hợp với nhà quản lý giáo dục để phát huy giá trị di sản, tăng cường giáo dục di sản cho thế hệ trẻ là cần thiết. Nhưng, nói theo cách của ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản thì ban quản lý các di tích, bảo tàng vẫn cần cẩn trọng. Nếu thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu di sản mà thất vọng thì tác hại sẽ khôn lường.

Minh Hải
.
.