Đừng chạy vội

Thứ Năm, 17/05/2018, 09:31
Hôm 11/5, sau một thời gian "nhá hàng" dài hơn hai tuần câu sự quan tâm của người hâm mộ, ca sỹ trẻ Sơn Tùng M-TP đã chính thức cho ra mắt MV (music video) "Chạy ngay đi". Ngay lập tức, MV đó đã phá mọi kỷ lục của showbiz Việt khi vươn lên hạng mục xu hướng tìm kiếm hàng đầu trên youtube. 


Phải thừa nhận, sức hút của ca sỹ sinh năm 1994 gốc Thái Bình là vô cùng mạnh mẽ. Song chính sự ồn ào của "Chạy ngay đi" lại cho thấy một vấn đề đáng lo ngại trong thời kỳ khả năng xuất bản đang ngày một thách thức giới hạn quản lý và kiểm duyệt hôm nay.

"Chạy ngay đi" đã để lại rất nhiều tranh cãi trong nội dung của nó. Có những ý kiến nhận xét rằng, hơi hướng bạo lực của "Chạy ngay đi" là khá rõ nét, đặc biệt có hơi hướng "đánh đu xu hướng" xã hội hiện tại theo kiểu ghen tuông thì sẵn sàng có hành động bạo hành, hoặc thậm chí là hạ sát người tình.

Tuy nhiên, cũng có những phản hồi mang tính bênh vực "Chạy ngay đi" khi nhận xét ý tưởng ấy chẳng qua ngẫu nhiên trùng thời điểm với vài vụ án tình gần đây nên dễ bị hiểu nhầm và hơn nữa, trong MV không có những cảnh bạo lực cụ thể.

Song, nói gì thì nói, bản thân ca từ của ca khúc khó lòng khiến người nghe không khỏi liên tưởng đến sự đe dọa khi bị phản bội trong tình cảm và từ đó, liên tưởng đến những vấn nạn tiêu cực mà xã hội đã và đang lên án suốt thời gian qua.

Điểm đáng lưu ý nhất chính là ở khoảng 3 phút 45 giây của "Chạy ngay đi" có một hình ảnh gây bức xúc  trong cộng đồng những người Công giáo. Đó là cảnh Sơn Tùng M-TP đốt bức tranh thánh có hình ảnh Đức bà Maria và Chúa Jesus. Hình ảnh này, với người Công giáo là một sự báng bổ không thể tha thứ.

Với những ai từng theo dõi ngành công nghiệp âm nhạc trên thế giới đủ lâu, câu chuyện báng bổ kiểu này đã từng có những tiền lệ đáng tiếc mà về sau nhiều người phải rút kinh nghiệm. Đó chính là lần trả lời phỏng vấn tạp chí Evening Standard hồi 1965 của ca, nhạc sỹ John Lennon của nhóm The Beatles.

Sơn Tùng M-TP không phải giáo dân, và anh cũng còn quá trẻ để hiểu những hệ lụy khi đụng chạm tới niềm tin chung của người khác nên có thể dễ dàng được thông cảm. Song, giả sử như "Chạy ngay đi" là một MV xuất bản bằng DVD như cách đây 10-15 năm, chắc chắn hình ảnh ở phút thứ 3, giây thứ 45 kể trên khó lòng lọt qua được khe cửa kiểm duyệt.

Những nhà quản lý văn hoá có kinh nghiệm, có vốn sống sẽ không để những hình ảnh nhạy cảm, gây tranh cãi, dễ làm tổn thương ấy được ra mắt để tạo nên những phản ứng không đáng có từ phía cộng đồng. Nhưng tiếc là ở thời đại internet mà youtube cho phép mỗi tài khoản là một kênh phát hành này, kiểm duyệt đã bị qua mắt một cách dễ dàng.

Trước Sơn Tùng M-TP chỉ 1 tuần, một MV của một ca sỹ mới nổi tiếng khác cũng có vi phạm nặng nề (liên quan đến bản quyền hình ảnh, quyền tài sản…) và lập tức đã phải gỡ bỏ ngõ hầu mong dàn xếp ổn thỏa với bên bị hại. Điều đó cho thấy, youtube có thể cung cấp cho chúng ta phương tiện để "chạy ngay" bất kỳ khi nào ta muốn nhưng đừng nên chạy vội quá, bởi hệ quả của nó sẽ là khó lường vô cùng.

Trong hoàn cảnh ấy, các cơ quan quản lý văn hoá cần phải làm gì để làm lành mạnh hoá môi trường xuất bản video trên internet, mà cụ thể nhất là youtube? Kiểm soát từng tài khoản một ư? Việc ấy quá khả năng và đòi hỏi quá nhiều thời gian, nhân lực, vật lực.

Làm việc trực tiếp với youtube thì không đơn giản chút nào khi đơn vị này vẫn luôn có những lý do để tránh né và bản thân họ cũng mới chỉ có đại diện ở Việt Nam mà thôi. Nhưng không hẳn là không có cách bởi đơn giản, ở Việt Nam đang tồn tại những MCN (multi chanel network - mạng lưới đa kênh) của youtube mà điển hình là Yeah1!, Metub (đơn vị quản lý kênh của Sơn Tùng M-TP), Pops.

Các công ty này quản lý các nhóm kênh và chính họ phải chịu trách nhiệm với các nội dung thuộc nhóm kênh của mình bởi họ kiếm được doanh thu từ đó cũng như họ là các pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, do đó cần phải chấp hành luật pháp Việt Nam.

Đã đến lúc những cơ quan quản lý văn hóa cần phải đòi hỏi sự hợp tác từ những MCN kể trên, đòi hỏi trách nhiệm từ họ, cả trách nhiệm pháp lý lẫn trách nhiệm xã hội. Có như thế, tình trạng "chạy quá vội" của những nội dung độc hại, nhạy cảm, thiếu lành mạnh mới được hạn chế và làm sạch lại môi trường giải trí của giới trẻ.
Văn Đoàn
.
.