Dòng văn học chống lại cái ác

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:00
Văn chương trực tiếp chống lại cái Ác, tiểu thuyết hình sự vẫn đang là môi trường thử thách các cây bút chuyên nghiệp. Để nhà văn làm tròn được sứ mệnh vệ sĩ của cái Thiện chiến thắng cái Ác thật không dễ dàng gì!

1. Cuộc sống có những miền đời bình dị, hàng ngày như tự trình bày trước mắt chúng ta. Nhưng cũng lại có những nẻo đời khuất lấp, không lộ diện, ngầm ẩn, do quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, có khi phải náu mình trong bóng tối lâu dài hoặc vĩnh viễn, rồi trở nên xa lạ với mọi người, trong khi chính chúng là một mặt khác, là phía bên kia, là lịch sử ở phần chìm, thậm chí là thành tố quan trọng của đời sống hiện thực. Và những gì hiện ra nhiều khi là kết quả của những công việc trong bóng đêm hậu trường. Gian nan quyết liệt và trường kỳ nhẫn nại làm sao cuộc đấu lưng nghiêng ngửa giữa cái Thiện và cái Ác! Vì không phải lúc nào, ở đâu, cái Ác, một hiện tượng vừa mang tính tự nhiên vừa mang tính xã hội cũng tỏ ra hèn kém, chịu thua cuộc trước cái Thiện. Và để có cuộc sống bình yên cho mọi người thì cũng giống như một sự trả giá, có cả một lớp người phải vào cuộc và dàn mặt với thế giới tội phạm, băng nhóm xã hội đen. Cũng lại là một trận tuyến đòi hỏi khí phách lớn và không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ giữa thanh thiên bạch nhật. Trật tự mạch lạc văn minh cuộc sống được lập lại ở nơi hỗn độn dã man, sau những nỗ lực bền bỉ phi thường, những khoảnh khắc lắt léo, những hiểm nguy khôn lường, những đớn đau mất mát làm xiêu lệch đời người, những chịu đựng vô song, những hy sinh thầm lặng không thể kể xiết.

Và cuộc sống ở phần ít được biết tới này, có thể được gọi là lịch sử cuộc sống ở phần chìm ẩn, là một lát cắt đặc biệt của đời sống hiện thực của chúng ta. Văn xuôi viết về lát cắt đặc biệt này chính là một bộ phận cấu thành của văn học. Và chúng ta có thể gọi chúng là dòng văn học trực  tiếp chống lại cái ác - một mũi xung kích sắc bén và độc đáo trong cuộc đấu tranh  dai dẳng trường kỳ nhằm bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải, đạo đức và các lý tưởng cao cả thiêng liêng của con người.

2. Gần như là được hưởng lợi không mất lệ phí về nhiều mặt, đặc biệt về nội dung chất liệu và sự kiện, nhưng là tác giả những cuốn sách về lĩnh vực này, các nhà văn đều hiểu rằng, tác phẩm của mình chính là một cách cắt nghĩa cuộc sống theo lý tưởng xã hội của người viết mà anh muốn dâng tặng nhân dân mình, Tổ quốc mình. 

Đã có hàng ngàn cuốn sách về đề tài này. Ở đây, các câu chuyện dù được phát triển dồn dập với nhiều pha hành động gay cấn đến thế nào, thì chỗ cần đi tới cũng chỉ là trả lời được câu hỏi: Kẻ nào là thủ phạm của cái Ác? Rốt cuộc là điều bí mật bất ngờ được phát hiện và đột ngột được giải mã. Và đó chính là sức hấp dẫn, sức hút lớn của loại sách này.

Đã có nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết hình sự ra đời từ những trại viết do Bộ công an tổ chức. Trong ảnh: Lễ khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 2 (2012-2015).

Như vậy, trong loại truyện này gần như đã thành nguyên tắc, lần lần đã xuất hiện các nhân vật: Nạn nhân - Nhân viên điều tra - Kẻ sát thủ. Bộ ba này họp thành một tam giác nhân vật luôn giằng níu, chơi trò ú tim với nhau. Cốt truyện tập trung chính là vào điểm này, phương pháp, tài trí điều tra của người chiến sĩ công an. Tất nhiên công việc của điều tra viên không chỉ gồm một chuỗi thao tác đơn thuần. Ở đây còn là óc lập luận, biện giải logic, năng lực phân tích, xét đoán, những suy ngẫm sâu xa về bản thể người và hiện trạng xã hội, những vấn đề luân lý đạo đức nhức nhối anh gặp và phải xử lý trong quá trình điều tra. Độc giả bị cuốn hút vào câu chuyện cũng còn là nhờ ở điểm này. Đây cũng là nơi bộc lộ trình độ, đặc biệt là về mặt kinh nghiệm sống và thẩm mỹ của nhà văn. 

3. Văn chương trực tiếp chống lại cái Ác, tiểu thuyết hình sự vẫn đang là môi trường thử thách các cây bút chuyên nghiệp. Để nhà văn làm tròn được sứ mệnh vệ sĩ của cái Thiện chiến thắng cái Ác thật không dễ dàng gì!

Cái khó của công việc thể hiện ở chỗ: Cái Ác thường hết sức đơn giản, sau cái vỏ bề ngoài mang cái vẻ ly kỳ, bí hiểm, thậm chí quái gở là một bên trong nông choèn, hời hợt, hết sức sơ sài. So với cái đẹp vô cùng phong phú, chúng đơn điệu đến mức bất ngờ và không thể tưởng tượng nổi.

Gianrico Carofiglis, nhà văn Italia nói: "Trên thực tế, thế giới của cái Ác lộn xộn hơn nhiều, nhem nhuốc hơn nhiều. Và phần lớn đều có tính chất tự phát, ngu xuẩn". Rồi thêm: "Lời khai của bọn tội phạm thật rùng rợn, vì chúng quá... quá đơn giản. Quá đơn giản!".

Thật thế! Cái Ác diễn ra quá man rợ, đầy thú tính nhiều khi lại xuất phát từ một động cơ chẳng lấy gì làm rõ ràng và hết sức khó hiểu. Bóp cổ một bà cụ 80 tuổi để lấy đôi khuyên vàng chỉ là để có tiền đi chơi bạc. Đập chết một bác sĩ trực đêm vì đi qua thấy cửa mở và bác sĩ đang ngủ, bên cạnh có chiếc xe Honda. Thiếu tiền chơi game, giết người. Một tên thủ ác dùng cái xẻng đập chết bạn chỉ sau một hồi hai đứa cãi nhau về chuyện ăn chia vài đồng bạc mọn không sòng phẳng. Rồi sau đó y nghĩ ra cách phi tang nhẹ nhàng như… vv và vv… Một lũ một lĩ lưu manh côn đồ cướp của giết người, tàn hại các sinh linh, gây rối loạn cuộc sống chung, tội ác chất chồng đến mức trời không thể dung, đất không thể tha, nhưng trong văn bản hành pháp luận tội, cũng chỉ là một đám bất lương, vô nhân cách, trống rỗng và mù lòa trong tăm tối. 

Và đó chính là một trở ngại đầu tiên của nhà văn: "Cái Ác quá độc địa, nhưng cũng quá đơn giản. Và như vậy thì làm gì có cơ hội để tạo cho cái Ác một diện mạo sinh động, để nâng câu chuyện lên một tầm tư tưởng nghệ thuật và gây hứng thú cho người đọc?".

Cái tài của người viết trong dòng văn học trực tiếp chống lại cái Ác trước hết là ở chỗ này. Phải xuyên qua cái màn tưởng như là đơn điệu sơ giản này để tìm đến cái ẩn tích sâu xa ở bên trong. Cái nguyên ủy cuối cùng của tội ác. Cái chưa được nói ra. Cái bị che lấp, cái mù mờ chênh chao chưa định hình trong các mối liên hệ bí ẩn. Mà thực chất đó là cái cốt lõi, cái tạo nên linh hồn sự kiện, cái phần lịch sử chìm sâu của câu chuyện.

Rõ ràng là để có được một chân dung tội ác cần biết bao nỗ lực tìm tòi khám phá của người viết. Những hiểu biết về thế giới tinh thần. Năng lực linh giác được cái mơ hồ phấp phỏng những điều chưa rõ ràng trong cuộc sống. Tài năng kết hợp tất cả với cái nhìn đa chiều, đa diện - cái nhìn thế sự, đời tư… Nghĩa là còn vô số các vấn đề thuộc về bản chất sự vật đang nằm trong vòng bí ẩn thách thức nội lực chủ quan người viết. 

Trong những cuốn tiểu thuyết hình sự đã được xuất bản, không ít cuốn được dư luận khen ngợi thì trước hết là do chúng đã có thành tựu về phương diện này. Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng, đa số còn ở trạng thái sơ lược dễ dãi, chưa vượt qua được khái niệm, vẫn quẩn quanh trên những vệt đường mòn quen thuộc, còn dừng lại ở trình độ lược đồ và do đó hiệu quả lên án tố cáo cái Ác còn rất hạn chế.

4. Chống lại cái Ác, tiêu trừ nó, dòng văn học trực tiếp đối mặt với chúng dựa vào sức mạnh nào? Hiển nhiên, ai cũng hiểu, sức mạnh của văn học trong cuộc đấu tranh này chính là niềm tin ở chính nghĩa, ở đạo đức, ở lý tưởng, và cũng giống như quy tắc của sáng tạo nghệ thuật nói chung, nguồn cảm hứng của các nhà văn khởi nguyên từ tình yêu cái cao cả, cái mỹ lệ.

Và đây chính là cái khó thứ hai của dòng văn học viết về đề tài này. Một cuốn sách viết để chống lại cái Ác, không thể không xây dựng được hình tượng cao đẹp của nhân vật tích cực. Hiển nhiên rồi, để chống lại cái Ác phải nhân danh cái cao thượng, cái đẹp thì mới có hy vọng chiến thắng nó.

Nói cách khác, một khi đã sắc sảo trong miêu tả cái Ác thì hình tượng phía đối trọng, tức người mang sứ mệnh  chống trả cái Ác lại càng phải rực rỡ huy hoàng. Sức thuyết phục của cuốn sách, tính khuynh hướng của cuốn sách nằm ở trọng điểm này.

A. Schopenhauer, triết gia Đức rất đúng khi ông cho rằng, cách giải thoát sang trọng khỏi sự suy thoái là sự suy tư triết học, sự thăng hoa về mặt đạo đức, sự sáng tạo, thưởng thức cái đẹp. Còn đây là mấy lời tâm sự của nhà văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện: "Có tự kiềm chế, khép mình vào lễ nghĩa mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy văn mà tô điểm mới nên người!".

Đấu tranh chống lại cái Ác không phải là để chết. Tuy nhiên, sẵn sàng chết cho một sự nghiệp lớn lao cao thượng, không chỉ đúng với số phận các chiến sĩ ở mặt trận nóng bỏng này, mà sự kiện còn mang tính tất yếu với các thân kiếp cao cả khi gặp phải những hoàn cảnh bi đát. "Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà để mang thương tích!" - Đó là một câu thơ của Chế Lan Viên.

Mỗi cuốn sách cần có một tư tưởng đẹp! Đó chính là yêu cầu quan trọng bậc nhất của loại sách văn học mang trách nhiệm bảo vệ cái thiện, cái tốt đẹp, lên án cái tàn độc xấu xa! Nó đưa dòng văn học xung kích trực tiếp chống lại cái Ác lên một tầm vóc mới, một kích thước mới với những giá trị nhân văn mới.

Tất nhiên, ngoài hai điều nhấn mạnh trên còn những vấn đề không kém phần ý nghĩa khác. Một cuốn sách muốn đóng trọn vai hiệp sĩ bảo vệ đạo đức lý tưởng trước hết phải có được những phẩm chất văn học đặc sắc, trong đó vẻ đẹp, sự thông minh đóng vai trò quan trọng. Nói đến văn chương là nói đến sức lôi cuốn của nghệ thuật kể chuyện, của phép ẩn dụ, sức quyến rũ tỏa ra từ vẻ đẹp của cấu trúc, của ngôn từ, câu văn. Văn chương trực tiếp chống lại cái Ác dẫu có ưu thế nổi trội độc đáo về nhiều mặt, nhưng nếu xuất hiện dưới một hình thái thô thiển, thì không những đã đánh mất lợi thế, mà có khi còn phản tác dụng, một trong những lý do khiến lâu nay nó thường bị coi là một thứ á văn học, cận văn học, văn học loại hai loại ba.

14/7/2014

Ma Văn Kháng
.
.