Đọc thơ để gặp người

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:02
Không hiểu sao, tôi rất tâm đắc với một nhà thơ Nga khi ông viết "Anh có thể dối em/ Thơ anh không thể dối". Nói vậy không phải là không có những người tự dối mình trong thơ. Nhưng, dối mình trong thơ thế nào rồi người đọc tinh ý cũng sẽ nhận ra. Và, người đọc cũng sẻ rời bỏ những vần thơ như thế, những người làm thơ như thế. 


Mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ câu thơ "Mồ anh đó, em chôn bằng nước mắt" của Đinh Thu Hiền. Khi chúng tôi quyết định trao giải nhất về thơ cho Đinh Thu Hiền trong cuộc thi TÁC PHẨM TUỔI XANH lần thứ nhất (do báo Tiền phong tổ chức năm 1989-1990), tôi vẫn chưa biết mặt người thơ này. Tuy chưa biết mặt, nhưng đọc thơ Đinh Thu Hiền tôi đã gặp một Đinh Thu Hiền sống và yêu hết mình trong thơ.

Bây giờ, hàng ngày tôi đọc thơ trên báo, trên fb, đọc các tập thơ mà tôi có, nhiều người làm thơ tôi chưa hề biết, chưa hề gặp, nhưng tôi vẫn cảm thấy như mình đã gặp, đã thân quen từ lâu. Trần Thị Huyền Trang - một người thơ mà tôi chưa hề gặp, nhưng đọc những câu thơ trên báo, trên facebook tôi thấy như đã có nhiều đồng cảm với người thơ ở miền xa này: "Đôi khi đời quá rộng/ Cõi chiêm bao đi về/ Gọi mình, mình chưa tỉnh/ Gọi người, người còn mê...".

Có một người thơ tôi thường gặp trên facebook - ĐỗThu Hằng - có lần tâm sự muốn trở thành nhà báo, đã từng thi vào trường báo chí nhưng không đỗ mà thi đỗ vào Sư phạm, tôi đoán người thơ này bây giờ dạy học chăng.

Đọc thơ, tôi thấy một Đỗ Thu Hằng sắc sảo, thông minh, nhiều câu thơ táo bạo, ám ảnh: "Em mười chín tuổi ngàn năm trước/ Sao đến bây giờ mới hai mươi... /Ngày gió đông lồng lộng/ Mây xám dửng dưng trôi/ Cớ sao anh chợt hiện... Những vô hồn/ Chết lặng những bình yên... Quẳng vào trong im lặng/ Những nhớ nhung lụi tàn...  Quen âm thầm/ nhặt nhớ để vào quên/ Sự lặng im đưa đám một mối tình  ...".

Năm học cấp hai, lớp 6, lớp 7 (hệ 10 năm trước đây) có một thầy giáo dạy văn ở xứ Voi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) rất tận tình và nghiêm khắc với học sinh, đó là thầy Nguyễn Trinh Hằng. Thầy yêu văn chương, làm thơ và có lần thầy đã để lại cho tôi một bài học nhớ đời khi tôi có được vài bài thơ đăng trên báo Trung ương nên tỏ ra mình "oai lắm".

Những câu thơ hay sắp được thả lên trời trong Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Trong một bài tập làm văn viết về chàng Hậu Nghệ, tôi đã viết rằng: "Em sẽ không làm chàng Hậu Nghệ bắn mặt trời mà sẽ bay tới mặt trời...". Thầy đọc bài văn của tôi cho cả lớp nghe và bảo: "Em bay tới mặt trời bằng đôi cánh bằng SÁP à...". Phải, những ảo tưởng chỉ là ảo tưởng, đừng dùng đôi cánh bằng sáp để bay tới mặt trời vì nó sẽ tan ra...

Xa quê nhiều năm, chưa gặp người thầy mà tôi vô cùng quý trọng,  rồi tình cờ đọc bài thơ của thầy trên fb, bài "Siêu trăng" tôi mừng quá, một bài thơ mà tôi thích: "Đêm nay ta ngồi đợi siêu trăng/ Thao thức đêm thâu với chị hằng /Có lẽ nàng say trên gối mộng/ Mặc trời mưa gió cứ giăng giăng".

Nói về những kỷ niệm quê hương, tôi lại nhớ một người bạn thời chăn trâu, cắt cỏ, bạn "nối khố" như người ta thường nói, cũng yêu thơ, làm thơ như tôi. Sau ngày tốt nghiệp phổ thông, bạn đi bộ đội rồi chuyển về sống và làm việc ở Tây Nguyên. Mấy chục năm không gặp nhau, bỗng thấy bạn trên fb rồi kết nối, rồi bạn gửi cho tôi rất nhiều thơ, cả những bài thơ đăng trên báo ở địa phương. Đọc thơ bạn Nguyễn Tiến Lập, tôi như đã gặp bạn rồi, như đang cùng nhau nằm dài trên bãi cỏ những buổi chiều quê: "Sáng lên đồi ngắm hoa/ Chiều ra sông hóng gió/ Lăn mình trên thảm cỏ/ Đón một vầng trăng nghiêng...".

Tôi có một người cậu ruột tên Lê Kỳ, năm nay gần 90 tuổi, từng là bộ đội Cụ Hồ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi hòa bình lập lại, ông làm cán bộ giảng dạy  Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi chuyển về Đại học Sư phạm Vinh. Ông thông thạo chữ  Hán và chữ nôm. Ông dịch sách và nhiều tư liệu cho các công trình văn hóa, ông làm thơ khá nhiều mà tôi không biết.

Hôm trước, con gái ông Lê Hồng Phúc đưa lên fb mấy bài thơ của ông làm tôi ngạc nhiên: "Vén gió hỏi thăm người tri kỷ/ Đón mây chiều gửi bạn tâm giao...". Còn Trần Đình Trung - người anh họ của tôi, một thầy giáo dạy văn ở tận Quảng Nam mấy chục năm chưa gặp nay - thường xuyên đăng thơ trên fb làm tôi như vẫn gặp anh hàng ngày: "Một sân hoa phượng ngập đầy/ Nhìn xem đáy nước lắt lay bóng mình..."...

Nhà thơ Bùi Đức Khiêm nhiều năm làm Tổng biên tập Báo Công Thương, nghỉ hưu, chúng tôi ít gặp nhau. Hôm rồi đọc hai bài thơ trên báo tết mới biết Bùi Đức Khiêm bây giờ thường đi câu cá ở Hồ Tây và thú vị làm sao khi: "Có thể hàng giờ/ Không con cá nào động phao/  Nhưng mới thú vị làm sao/ Tôi câu được bình minh lên/ Mỗi ngày" (Câu bình minh).

Hoàng Xuân Tuyền, một nhà giáo, một nhà báo nhiều năm làm ở báo Văn Nghệ trẻ, cách đây gần 20 năm đã có lần phỏng vấn tôi, rồi từ đó không gặp.  Hôm vừa rồi cùng dự hội thảo thơ Việt Nam đương đại, Hoàng Xuân Tuyền tặng tôi tập thơ "Tự do" do nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành.

Đọc tập thơ, tôi thực sự thích thú vì những ý tưởng và cách thể hiện, nhiều nét riêng không bị chìm vào "biển" thơ bây giờ: "Đường bao xa, bỗng đâu chiều nổi gió/ Cát bụi bay, cát bụi dập vùi ta/ Xót xa hỡi, bày chi cơn đấu tố/ Mình với nhau, cũng cát bụi thôi mà" (bài "Chiều cuồng").

Thủa còn là sinh viên khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), có lần tôi được nghe một nhà thơ nổi tiếng nói chuyện. Ông nói rằng hai từ nhà thơ và thi sỹ tưởng giống nhau mà khác nhau. Nhà thơ, người làm thơ khi đọc thơ họ chỉ thấy thơ mà không thấy con người thơ của họ, còn thi sỹ là nhà thơ mà khi đọc thơ ta thấy được tâm hồn họ, thấy như họ đang hiện ra trước mắt mình. Ông nói, ông thích thi sỹ hơn là nhà thơ, bởi khi đọc thơ của các thi sỹ, ông như đang gặp chính họ, hay chính tâm hồn mình ...

Trước đây, tôi không hiểu lắm, tôi đoán rằng ông muốn nói về tình trạng "thương vay, khóc mướn" chăng? Dạo còn công tác ở Trung ương Đoàn, tôi có biết ông Nguyễn Tiên Phong (đã mất) lúc đó làm Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, rồi qua ông, tôi biết được ông có người em gái là vợ nhà thơ Hữu Loan, nhân vật trong bài thơ "Mầu tím hoa sim" nổi tiếng với câu thơ "Được tin em gái mất, trước tin em lấy chồng" chính là nói về ông Nguyễn Tiên Phong, người lính ở chiến trường Đông Bắc ngày ấy.

Tôi nói chuyện này là muốn nói đến người thơ Hữu Loan đã trải qua đau đớn thế nào mới viết nên bài thơ "Mầu tím hoa sim". Từ đó càng ngày tôi càng thấy, ngoài tài năng ra, người làm thơ phải sống thế nào, vui sướng, khổ đau thế nào với chính mình, gia đình mình, quê hương đất nước mình mới thực sự sáng tạo ra những vần thơ lay động lòng người, mới là thi sỹ.

Có những nhà thơ có cả chục tập thơ nhưng tôi đọc mãi mà không nhớ nổi một câu, không cảm nhận được con người thơ của họ, ấy vậy mà có người tôi chỉ đọc một bài, thậm chí mấy câu nhưng đọc một lần tôi đã thuộc lòng, nhớ mãi, như thấy con người thơ của họ hiện ra trong sự đồng cảm của mình, như hiện ra trước mắt mình ...

"Ở đây nắng trong như mầu mắt/ Và nụ cười em chẳng vướng bận điều gì" (Vô Thường); "Tôi muốn nói lời cảm ơn/ Người đã nhặt nụ cười tôi bằng ánh mắt/ Trên con đường mùa đông/ Tôi lỡ đánh rơi bên hiên gió ngập ngừng" (Nguyễn Hồng); "Gửi thời gian giữ hộ nắng xuân thì..." (Đinh Thi Hường); "Có những nỗi buồn trong lòng người đàn bà đã mọc thanh gai/ Đêm khắc khoải cả trong từng nhịp thở" (Nguyễn Mỹ Hạnh); "Em chớ nhìn cuộc đời anh qua cánh chim bay vội..." (Trần Nam Phong); "Tự mê hoặc đến làm ta tức ngực..."  (Lê Kim Phượng); "Chỉ mình em là quá khứ / Hôm qua cũng bỏ đi rồi" (Nguyễn Thanh Hải); "Người vờ như khói mỏng/ Em vờ như rơm khô/ Chiều tất niên mộng mị/ Bếp bay đầy than tro" (Trần Kim Hoa); "Ngày xa anh/ Em khuyết cả bóng mình ..."  (Phương Thảo Phạm); "Sao hôm/ sao mai/ đèn trời lấp lánh/ cũng chỉ là mảnh ghép/ Trách chi ai/ Cái nhìn hao khuyết ..." (Thúy Thanh) ...

Tôi yêu thơ từ nhỏ và tình yêu đó vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu nên hàng ngày đọc thơ trên báo, trong sách, trên mạng xã hội tôi như đang gặp những người thơ trên khắp đất nước này, như đang gặp lại chính mình trong muôn vàn thời khắc của cuộc đời; và càng ngày tôi càng tâm đắc với tiên sinh Trương Trào trong "U mộng ảnh": "Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ" (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) chứ đâu phải là trò chơi sắp đặt chữ nghĩa ...

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 3-2018

Dương Kỳ Anh
.
.