Đọc sách du ký, được mấy “sàng khôn”?

Thứ Sáu, 24/11/2017, 08:00
"Tôi ghét các chuyến viễn du và các nhà thám hiểm". Câu văn mở màn tác phẩm kinh điển "Nhiệt đới buồn" của Claude Lévi-Strauss như một lời cảnh báo cho những cuốn du ký nhàm chán mà trong đó tác giả chỉ làm một việc dễ dãi: miêu tả trải nghiệm của anh ta về những vùng đất và con người xa lạ.


Năm 2012,  "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip trở thành làn gió mới mẻ để dòng sách du ký hồi sinh. Bằng giọng văn gần gũi, trẻ trung, những trải nghiệm thú vị qua gần 30 nước đầy hoài bão, say mê của cô gái trẻ can đảm đã giục giã biết bao đôi chân ưa phiêu lưu. Từ đó đến nay, rất nhiều sách du ký của người có danh lẫn vô danh ồ ạt nối nhau ra đời.  

Đến giờ, trào lưu đó vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí có phần tăng độ. Người ta  háo hức đón chào "Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero" của nhà báo Nguyễn Tập, "Bỏ nhà đi Paris" (Camille Thắm Trần), "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" (Trương Anh Ngọc), "Venise và những cuộc tình Gondola" (Dương Thụy), "Nào mình cùng đạp xe đến Paris" (Nguyễn Thị Kim Ngân), "Hạt muối rong chơi" (Nguyễn Phan Quế Mai), "Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ" (Dương Thụy) …

Nhà báo Nguyễn Tập giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt du ký "Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero".

Những buổi giao lưu, ra mắt sách "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ", "Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á" (Đinh Hằng), "Con đường Hồi giáo" (Nguyễn Phương Mai), "Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl" (Trung Nghĩa), "Có hẹn với Paris" (Amanda Huỳnh)… đông nghẹt độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Các cuốn sách của Việt kiều hay người nước ngoài viết về trải nghiệm ở Việt Nam cũng tạo được sự chú ý.

Trong danh sách này phải kể đến "John đi tìm Hùng" của Trần Hùng John, "Một mình trên đường" và "Ngã ba đường" của Lệ Tân Sitek.  Mới đây nhất là cuốn "Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa" của nhà văn người Đức Juli Zeh.

Trong xu thế toàn cầu hóa, không ít người trẻ hướng đến hình mẫu của một "công dân toàn cầu". Trải nghiệm và xê dịch là niềm khao khát của họ chứ không phải là chuyện ổn định sự nghiệp, kiếm tiền thật nhiều. Bàn chân họ khát khao đặt đến chân trời mới để khám phá, học hỏi những điều thú vị, mới lạ, gặp gỡ những con người mang nền văn hóa độc đáo.

Và du ký truyền cho họ cảm hứng lên đường, truyền cho họ kinh nghiệm quý báu. Phần nữa, nói như nhà thơ Nguyễn Phong Việt: "Độc giả trẻ là những người chưa trải nghiệm nhiều, chưa đi nhiều, luôn nuôi trong mình khát khao khám phá. Nên câu chuyện ở nơi xa xôi, trải nghiệm của những "phượt thủ" đi trước luôn khiến họ thích thú vì được mở mang tầm mắt một cách gián tiếp".

Đọc du ký, người đọc không mong mình "vớ" phải một cẩm nang du lịch đơn thuần hay một cuốn nhật ký hành trình nhạt toẹt theo kiểu "đóng dấu nơi mình đã đến, đã ăn, đã thấy". Mà họ mong mình gặp được cái nhìn lạ lẫm, thú vị của tác giả, cách tác giả thực hiện hành trình của mình, vượt qua khó khăn ra sao cùng những suy tư thâm thúy về vùng đất xa lạ. Từ đó truyền đi thông điệp, bài học có ích.

Chẳng hạn "Bên kia ranh giới - Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?" của tác giả trẻ Tôn Nữ Tường Vy là cuốn du ký đậm tính nhân văn, tri thức lẫn triết lý bao gồm các thảo luận về lĩnh vực giáo dục, lịch sử, môi trường và trải nghiệm thực tế được trình bày với giọng văn sắc sảo.

Nhiều tác giả "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Họ xách ba lô và viết theo đúng kiểu "thấy gì viết đó". Một độc giả bày tỏ thái độ khó chịu đến mức cực đoan khi tác giả có bút danh Yếm Đào Lẳng Lơ ra mắt cuốn "Gái phượt", "Yếm Đào du ký":  "Phượt thủ lấy con mắt ngưỡng mộ của những người xung quanh làm lẽ sống. Tôi chưa thấy phượt thủ nào đi để trải nghiệm cả, cứ phải rùm beng lên, khoe khoang về những gì đã trải qua, càng khoe lại càng hăng máu đi.

Tóm lại phượt thủ chỉ thoả mãn bản thân, ích kỷ, khoe khoang, buông thả, và thích theo trào lưu". Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều tác giả hiện nay (đặc biệt là tác giả vô danh) viết du ký với mục đích khoe mẽ, làm sang là chính. Hàm lượng "sàng khôn" từ những cuốn sách này vô cùng ít ỏi.

Thậm chí, vì đi theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", không có nhiều trải nghiệm mới mẻ ở mảnh đất mà nhiều người đã biết, đã thành "lối mòn du lịch", nhiều tác giả cố tình bịa chuyện giật gân trên đường đi nhằm câu khách. "Muốn nói ngoa, đi xa về mà nói". Có ai kiểm chứng được độ thật giả của những màn bắt cóc tống tiền, suýt bị cưỡng hiếp hay bị cướp truy đuổi…trên đất khách. "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip cũng từng dính vào nghi án kiểu này.

Nhà báo Nguyễn Tập, tác giả của "Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương bolero" thừa nhận rằng ngày nay, "phượt thủ" lên đường với ước muốn lãng mạn "thế giới vẫn luôn là một nơi chốn đầy bí ẩn với tất cả những điều kỳ diệu mà anh ta có thể tự mình khám phá" thì hãy cố gắng tỉnh ngộ ngay. Bởi rất khó để đạt được điều đó khi thế giới giờ đây quá phẳng và "nhỏ như một trái cam", gần như ở đâu cũng đã có bước chân con người.

Ngay khi đến Amazon, anh cứ ngỡ rằng nơi đây vẫn còn vẻ hoang dã và còn bộ tộc thời "ăn lông ở lỗ". Khỏi phải nói Nguyễn Tập  đã thất vọng đến thế nào khi hầu như các bộ lạc đều bị thương mại hóa, du lịch hóa. Họ mặc thổ cẩm chỉ để biểu diễn cho du khách. Xong việc thì lại áo thun, quần jean và điện thoại. Phải mất nhiều thời gian và rất khó khăn anh mới tiếp xúc được với vài người cố thủ trong rừng già, không ưa thích thứ người khác cho là văn minh.

Một số đầu sách du ký nổi bật của các tác giả trẻ.

Khi mọi thứ đã biến thành "đường mòn du lịch", tất cả đều tiện nghi, không có thử thách nào buộc bạn phải đối mặt thì du ký rất dễ bị biến thành cuốn cẩm nang du lịch, miêu tả điều mắt thấy tai nghe nếu tác giả non tay hoặc thiếu bề dày văn hóa, vốn sống. Những cuốn sách hời hợt như thế thường gieo vào giới trẻ suy nghĩ tai hại: viết du ký dễ ợt và ai cũng có thể viết du ký.

Cũng đơn thuần viết về trải nghiệm ở Việt Nam nhưng nhà văn Juli Zeh đã biết cách khắc phục được nhược điểm dễ dãi này. Theo dịch giả Đinh Bá Anh, Juli Zeh đã xây dựng "Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa" như một tác phẩm nghệ thuật ý niệm. Những ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam được ghi lại ngay lập tức khi chúng còn tươi rói, song chúng được ghi đồng thời với ý thức phê phán và phản tư của tác giả.

Những ghi chép như thế, ở thời điểm ra đời, dường như không hướng đến công chúng, mà chỉ phục vụ cái nhu cầu "muốn hiểu" Việt Nam của tác giả. Chính nhờ bức tranh nghệ thuật ý niệm với góc nhìn phê phán và phản tư này đã khiến ngay cả người bản xứ vô cùng ngạc nhiên trước các vấn đề quen thuộc ở đất nước mình. Như chuyện bình đẳng nam nữ, chuyện giao thông hỗn loạn, chuyện chặt chém khách nước ngoài, chuyện nói tiếng Anh chỉ người Việt mới hiểu, rác thải và không khí ô nhiễm… 

Khẳng định nhu cầu tìm mua sách du ký  của độc giả ngày càng cao nhưng ông Nguyễn Huy Hải, Giám đốc chi nhánh phía nam của HuyHoang Bookstore phải thừa nhận: "Không phải cuốn nào cũng đạt đến chiều sâu văn hóa, xã hội, lịch sử hay trải nghiệm "không đụng hàng" mà bạn đọc mong đợi". Mạng xã hội lên ngôi giúp các "phượt thủ" càng có đất "dụng võ". Nhiều cuốn du ký là tập hợp các bài chia sẻ trải nghiệm hoặc nhật ký hành trình trên Facebook hoặc blog. Song mặt trái của cách viết này là sự hời hợt, dễ dãi, không dụng sức gia công để nó trở thành một cuốn sách đúng nghĩa.

Tâm Bùi, tác giả của "Bụi đường tuổi trẻ" cho rằng, trước khi lên đường bạn cần phải nghiên cứu lịch sử địa lý, văn hóa, triết học, kiến trúc... tất tần tật về miền đất mình sẽ đến. Có như vậy, khi đến nơi, mắt thấy tai nghe, bạn mới có thể ráp nối để suy ngẫm, rút ra những điều sâu sắc, hay ho về vùng đất, con người mình đến và tải được chiều sâu trong từng bức hình chứ không đơn giản là tả cảnh.

Và như một nhà phê bình nhận xét: "Với sách du ký, điểm đến nhiều khi chỉ là cái cớ, cái nền mà trên đó người viết muốn đưa một sản phẩm văn hóa đến người đọc. Và như thế, hành trình đó không đơn giản chỉ là hành trình địa lý mà nó là hành trình cuộc sống, hành trình tinh thần, hành trình văn hóa được thể hiện bằng góc nhìn khác biệt, bằng ngòi bút văn chương giàu vốn sống, vốn tri thức của mỗi tác giả".

Mai Quỳnh Nga
.
.