Đọc nhanh “Những đứa trẻ mắc zịch”

Thứ Bảy, 16/07/2016, 09:05
Truyện dài của Trần Nhã Thụy, NXB Trẻ, 2016.


Chuyện tử tế đáng để lạc quan. Tôi nghĩ như thế khi đọc xong “Những đứa trẻ mắc zịch của Trần Nhã Thụy. Một dàn nhân vật tử tế (nhiều hơn, áp đảo nhân vật không tử tế như Tùng xẻo, Tý chuột) xuất hiện từ Trà Đá, Tuấn Anh, Tuấn Em (thằng Mặt Nạ), bé Bông, Tuyết Băng, Vĩnh Hy, ông bà Trạng, ông bà Hoàng, cô Lý…

Chuyện tử tế của những người tử tế hiếm lắm thay. Hiếm hoi chứ không phải tuyệt nhiên không có. Phải nói như thế để không rơi vào bi quan. Xin mọi người  nhớ lại một tình tiết ở khúc 33 (Kẻ cắp kim cương bị tóm gáy, tr. 232-235): “Tùng xẻo nghi Tuyết Băng chính là “gián điệp”. Máu trong người gã như sôi lên. “Con gián điệp chết bầm, tao bóp cổ mày”.

Trong một khoảnh khắc, nhân lúc mọi người vừa rời mắt, Tùng xẻo rít lên rồi lao nhanh về phía Tuyết Băng. Lúc này Tuyết Băng đang đứng giữa Vĩnh Hy và thằng Trà Đá. Nhưng Trà Đá là người thấy hành động của gã Tùng xẻo trước tiên. Khi gã Tùng xẻo lao đến như một mũi tên thì thằng Trà Đá xô người Tuyết Băng ra, thế chỗ mình vào (…).

Thằng Trà Đá ngã chới với, đập đầu xuống sàn (…). Mọi người xúm lại đỡ thằng Trà Đá lên. Lúc này thằng Trà Đá thấy như có hàng ngàn con đom đóm đang bay lượn trước mắt, người nó lạnh toát, mềm dần, rồi thiếp đi trên cánh tay chị Tuyết Băng”. Tôi không gọi Trà Đá là một “hiệp sỹ giữa đời thường” m phải gọi chính xác là người tử tế. Nghĩa là trong con người này không có cái mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là “máu cá” lạnh tanh, biến con người này thành vô cảm và vô can trước mọi chuyện đời.

Tôi còn nhớ năm 2010, khi làm đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn, chúng tôi đã chọn một đoạn văn của nhà văn Nguyễn Minh Châu yêu cầu học sinh viết một bài nghị luận xã hội ngắn. Đoạn văn đó trong bài “Ngồi buồn viết mà chơi”(Những ghi chép cuối cùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu, gồm 6 đoạn).

Trong đoạn số VI, nhà văn Nguyễn Minh Châu kể lại việc một lần sáng sớm ông đi qua ga Hàng Cỏ (Hà Nội), lúc đó có một người phụ nữ bị mẹ mìn bắt mất đứa con lớn ba tuổi. Chị ta gào khóc, kêu cứu, cầu xin mọi người giúp đỡ. Nhưng “Người ta chỉ quay lại nhìn một cách thờ ơ”. Máu cá là vậy. Vô cảm là vậy. Vô can là vậy. Lúc gửi đề lên cấp trên duyệt, anh chị em trong tổ chuyên môn có tính đến chuyện “nhạy cảm” như người ta thường nói. Nhưng rồi tất cả xuôi chèo mát mái. Năm đó khi chấm bài của các thí sinh thấy các em viết hồ hởi, phóng bút, hào hiệp hẳn lên.

Nói chuyện tử tế, người tử tế là hiếm chính là như vậy. Nên đọc “Những đứa trẻ mắc zịch”của Trần Nhã Thụy thấy lạc quan hơn, tin tưởng hơn, kỳ vọng hơn vào cái thật, cái tốt, cái đẹp. Tôi còn nghĩ thêm về người tử tế là người biết hóa giải hận thù. Bởi hận thù thường giăng bẫy con người để rồi đánh mất lòng vị tha, bác ái, khoan dung.

Khi Tuyết Băng có ý muốn báo Công an về chuyện Tùng xẻo đã đốt gánh xiếc của ông Hoàng (ba của Vĩnh Hy). Nhưng người con trai lại nói “Ba anh nói, chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi, ông không muốn nhớ lại quá khứ, ôm giữ oán hận vào lòng”. Phải chăng “khép lại quá khứ” là một bài học ứng xử mà mỗi chúng ta cần rút ra cho mình? Gan ruột, tâm huyết với chuyện tử tế, người tử tế thì hà cớ gì mà xếp “Những đứa trẻ mắc zịch” vào khuôn khổ truyện viết chỉ cho thiếu nhi?! Viết cho tất cả chúng ta đấy chứ. Tại sao không?!

Đọc hấp dẫn phải chăng nhờ yếu tố trinh thám (trò chơi ảo thuật)? Một phần là nhờ yếu tố trinh thám. Đúng thế. Nhưng trinh thám là tạo tình huống gây cấn, kịch tính, hồi hộp (nào là chung cư ma, bóng ma Vĩnh Hy, Tùng xẻo xuất hiện, khi Tý chuột xuất đầu lộ diện, kẻ cắp kim cương bị tóm gáy,…).

Nhưng yếu tố/chất trinh thám không phải lúc nào cũng có quyền năng, quyền uy tuyệt đối. Tôi thấy trinh thám bện xoắn với tâm lý, hài hước, tạo nên chất keo dính chữ nghĩa. Trần Nhã Thụy, tôi thấy, có được cái năng lực hiểu biết tâm lý trẻ em.

Trẻ em ngày nay không như ngày trước. Chúng không rụt rè, cóm róm, sợ sệt người lớn nữa, kể cả bố mẹ. Chúng có vẻ được bình đẳng hơn trước trong quan hệ với bậc sinh thành. Nếu ai đọc “Kịch câm” của Phan Thị Vàng Anh hẳn còn nhớ cái chi tiết cô con gái lớn của một ông bố là thầy giáo, sau khi phát hiện ra bức thư bố mình viết cho một người phụ nữ nào đó, liền đi photo, giữ lấy một bản rồi lập tức “nở một nụ cười ngang hàng” với bố.

Tâm lý gì vậy? Tâm lý muốn được tự do, bình đẳng nhưng thiếu hẳn cái bác ái, rộng lượng, vị tha mà phải đến lúc tóc ngả sương mới có thể có được. Còn nhân vật thằng Trà Đá của Trần Nhã Thụy thì có cái lối nói (riêng tôi thấy khó chấp nhận) với bố mà lúc nào cũng “Ê… ông già, sao không mua tờ báo Thế giới học đường cho tụi con nít đọc?”.

Không phải một lần nó “Ê…” như vậy với bố. Tôi gọi đó là một thứ tự do quá trớn mà trẻ con, và người lớn thì càng rõ, bây giờ sớm tiêm nhiễm. Đúng là trẻ em bây giờ nhiều cái đáng khen mà cũng nhiều cái đáng chê thật. Cái tâm lý không thích khuôn khổ của trẻ em ngày nay là kết quả của một cuộc xáo trộn các thang bậc đạo đức xã hội.

Cũng là nhân vật trẻ em nhưng “mỗi người một vẻ”, Bé Bông khác hẳn thằng Mặt Nạ, Trà Đá khác hẳn Tuấn Anh… Con đường cá thể hóa tâm lý và ngôn từ của mỗi nhân vật có vẻ được Trần Nhã Thụy lưu tâm khi viết. Tôi thấy những bùng nổ tâm lý ở trẻ nhỏ được tác giả kỳ khu quan sát và thể hiện. Những bùng nổ tất yếu, không thể không tri nhận. Tôi cứ nghĩ Trần Nhã Thụy là một “bác sỹ tâm lý” chuyên về “nhi khoa”. Và cả về “lão khoa”. 

Bùi Việt Thắng
.
.