Điêu khắc đương đại: Bơ vơ “nghệ thuật vị nghệ thuật”

Thứ Sáu, 11/01/2019, 08:17
Từng giới thiệu nhiều tác phẩm điêu khắc đương đại của nghệ sĩ Việt ở nước ngoài, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho hay giới điêu khắc quốc tế đánh giá rất cao và nhận định các tác phẩm ấy hoàn toàn tương xứng với sự phát triển chung của nghệ thuật đương đại thế giới. Thế nhưng, ngay trong nước, điêu khắc đương đại vẫn chật vật tìm đất sống.


Những cá tính sáng tạo

Triển lãm điêu khắc "Sài Gòn - Hà Nội" lần thứ 5 vừa kết thúc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Đây là triển lãm được tổ chức hai năm một lần, tạo cơ hội cho nghệ sĩ điêu khắc hai thành phố quy tụ. Do nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn và Đào Châu Hải khởi xướng từ năm 2010, triển lãm là sự kiện quan trọng trong đời sống mỹ thuật bởi đẳng cấp nghệ thuật, sự mới mẻ, bao quát cũng như sức sống bền bỉ của nó.

Nếu như lần 1, số nhà điêu khắc tham dự chỉ vỏn vẹn 9 người với gần 20 tác phẩm thì lần này số nhà điêu khắc đã lên tới 26 người với 58 tác phẩm. Họ là những tên tuổi nổi tiếng như: Trần An, Phạm Thái Bình, Kù Kao Khải, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Kim Liên, Lê Lạng Lương... (Hà Nội); Lê Lang Biên, Trần Việt Hà, Đỗ Hà Hoài, Trần Việt Hưng, Hoàng Tường Minh, Phan Phương, Trần Mai Hữu Qúy, Bùi Hải Sơn... (TP Hồ Chí Minh).

Lực lượng tham gia triển lãm ngày càng trẻ hóa, chủ yếu là các tác giả thế hệ 8X. Họ mang đến góc nhìn bứt phá, độc đáo khiến người xem phải trầm trồ. Mỗi người một phong cách, một cá tính nhưng đều khao khát thoát ra khỏi ngôn ngữ truyền thống và chủ nghĩa đề tài. Họ tìm kiếm chất liệu mới, thể nghiệm ý niệm đa chiều, vươn tới nghệ thuật thị giác. Chất liệu kim loại (đồng, nhôm, sắt, inox…) áp đảo so với chất liệu truyền thống như đá, gỗ, thạch cao...  trong các sáng tác.

Tác phẩm "Phần còn sót lại 3" của Trần An tại triển lãm điêu khắc "Sài Gòn - Hà Nội" lần thứ 5.

Theo sát hành trình của điêu khắc đương đại, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định: "Khuynh hướng ưa chuộng kim loại dường như hướng vào đời sống đô thị hào nhoáng và máy móc, vào sự hội nhập với điêu khắc quốc tế.

Trong khi Đặng Đức Thành, Vũ Quang hoặc Phan Phương ve vuốt các khối và mặt phẳng duy mỹ, thì Nguyễn Hoài Huyền Vũ trưng ra các nhân vật đô thị như biểu tượng lỳ lợm; Phạm Thái Bình, Kù Kao Khải dí dỏm, khiêu khích; còn Phạm Đình Tiến, Đỗ Hà Hoài trầm tư, vật vã và tung tẩy. Cái quý nhất, sức sống mạnh của triển lãm lưỡng niên này, là sự phong phú những khác biệt của mỗi cá nhân. Không cần mỗi vị mười phân vẹn mười, nhưng không ai giống ai.

Trong tình cảnh hòa trộn (remix), làm lại (remake), phục dựng (recover), tương tự, tương đương… đã thấy quá quen mắt, tràn lan trong mỹ thuật, dưới bánh xe toàn cầu hóa, thì sự khác biệt cá nhân, ít nhất là khi đứng cạnh nhau, lại càng quý hiếm".

Trước đó, năm 2013, triển lãm thuộc dự án New Form của nhóm điêu khắc tại Hà Nội cũng được giới mỹ thuật chú ý. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn, người tổ chức và điều hành dự án khi đó cho biết, dự án tập trung vào việc thể nghiệm các quan niệm mới trong điêu khắc đương đại, bao gồm: thay đổi hình thái tác phẩm và tư duy hình khối; coi không gian đặt - để tác phẩm như một thành tố của tác phẩm, hướng đến mỗi tác phẩm là một sự tổ chức không gian; đa dạng hóa và phá bỏ sự lệ thuộc về vật liệu; thể nghiệm sự tương tác của ánh sáng với tác phẩm, coi ánh sáng là một bộ phận cấu thành khối điêu khắc... Không ngại dấn thân tìm tòi thể nghiệm, các nhà điêu khắc ngày càng khẳng định vị thế và sức sống của điêu khắc đương đại còn vốn non trẻ.

Lận đận tìm không gian sống

Ngoài việc thể nghiệm sáng tạo, mục tiêu của dự án New Form còn hướng tới việc tương tác nghệ thuật với công chúng và đưa tác phẩm ứng dụng vào không gian sống thường ngày. Do vậy, kích thước các tác phẩm thường ở cỡ nhỏ và vừa để tiện cho công chúng chiêm ngưỡng, chọn mua và trưng bày trong không gian gia đình. Tuy nhiên, đến nay, dự án này có vẻ trầm lắng.

Với công chúng Việt Nam, điêu khắc đương đại vẫn là một loại hình nghệ thuật xa lạ. Không am hiểu nghệ thuật này, nên để trang trí ngôi nhà, họ thường chuộng đồ thủ công mỹ nghệ hơn là điêu khắc độc bản. Với nhà sưu tập, họ chuộng hội họa hơn là điêu khắc, nhất là điêu khắc đương đại của nghệ sĩ trẻ.

Vì không có thị trường nên hiếm nhà điêu khắc sống được với chính đứa con tinh thần "mang nặng đẻ đau". Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho biết, để mưu sinh và có nguồn kinh phí "chơi" nghệ thuật, hầu hết các tác giả đều làm nghề tay trái hoặc những công việc mang tính công năng như làm tượng, phù điêu, đồ mỹ nghệ theo đơn đặt hàng.

Thị trường gần như không có nên so với nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật khác, nghệ sĩ điêu khắc ít bị thị trường chi phối. Nhờ vậy, sáng tác của họ không bị cuốn theo thị hiếu số đông mà tự do tung tẩy để thỏa mãn cái tôi. Họ được làm nghệ thuật thuần túy, nghệ thuật vị nghệ thuật. Đến khi tác phẩm ra đời, họ không màng chuyện mua bán mà chỉ ước mong có không gian trưng bày để giới thiệu đến công chúng, phát huy giá trị của tác phẩm trong đời sống. Thế nhưng đó cũng là câu hỏi căng não không kém băn khoăn "làm sao để nghệ sĩ tự do sáng tác những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, mang dấu ấn cá nhân mà vẫn tìm được thị trường?".

Hầu hết các triển lãm vẫn do nghệ sĩ tự bỏ tiền túi tổ chức để thỏa mãn đam mê. Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, điều đáng tiếc nhất của triển lãm điêu khắc "Sài Gòn - Hà Nội" lần thứ 5 là tác phẩm tự phải giới hạn ở kích cỡ vừa và nhỏ, trong khi với khá nhiều bố cục, nếu có vóc dáng lớn hơn thì tác động thẩm mỹ cũng sẽ lớn hơn.

Điêu khắc đương đại vẫn còn xa lạ với công chúng.

"Dù rằng tác phẩm điêu khắc đương đại luôn tìm cách ứng biến để thích nghi với các không gian khác nhau, thì không gian trong nhà vẫn là sự tù túng đối với khá nhiều tác phẩm ở đây. Nếu như có sự tài trợ về tài chính và địa điểm, cho phép tác phẩm cỡ lớn xâm lấn vào không gian sinh hoạt đô thị (chẳng hạn phố đi bộ Nguyễn Huệ, hoặc đường Trường Sa, Hoàng Sa bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thì ta có thể sẽ vươn tới tầm một triển lãm đạt chuẩn, với hiệu ứng văn hóa được nhân lên gấp mấy lần" - ông tiếc nuối.

Điều các nghệ sĩ trăn trở là sự đối lập giữa sức sáng tạo của nghệ sĩ và không gian trưng bày. Sức sáng tạo của nghệ sĩ dần tiệm cận với chuẩn thế giới, bắt kịp xu hướng hội nhập thì không gian trưng bày vẫn lạc hậu và thiếu chuyên nghiệp.

Năm lần tổ chức nhưng triển lãm "Sài Gòn - Hà Nội" vẫn phải giới thiệu tác phẩm trong phòng tranh với phông ánh sáng dành cho tranh. Do đó, tác phẩm cỡ lớn hoặc siêu lớn không có cơ hội trưng bày. Muốn có chỗ đàng hoàng, to đẹp và chuyên nghiệp thì họ lại vấp phải bài toán kinh phí.

Không gian triển lãm đã vậy. Sau triển lãm, việc tìm "đất sống" lâu dài cho tác phẩm càng hóc búa hơn. Đa số các tác phẩm sau khi triển lãm đều phải xếp xó hoặc để chỏng chơ ở một nơi nào đó. Ngay cả tác phẩm đoạt giải cao tại trại điêu khắc cũng phải chịu chung số phận, dù được hứa hẹn sẽ có không gian trưng bày phù hợp.

Khi kết thúc Trại điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015, nghệ sĩ nào cũng hào hứng vì ban tổ chức cho biết thành phố sẽ bố trí các tượng dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, công viên hầm Thủ Thiêm, khu vực đường Hoàng Sa - Trường Sa… để công chúng thưởng lãm. Vậy mà đến nay, vì nhiều lý do, tất cả hứa hẹn vẫn chỉ nằm trên giấy. Còn tác phẩm điêu khắc thì thi nhau chịu trận với nắng mưa tại Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, quận 9. Nhiều bức bị đổ ngã, hư hại.

Hiện nay ở nước ta, tác phẩm điêu khắc đương đại chỉ hiện diện ở một vài không gian công cộng như công viên, quảng trường, bảo tàng... Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó vô cùng hiếm hoi so với tác phẩm điêu khắc truyền thống.

Nhà điêu khắc, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, nhiều công viên, khu đô thị mới, khu sinh thái bờ sông… của TP Hồ Chí Minh rất cần có sự hiện diện của những tác phẩm điêu khắc, nhất là tác phẩm điêu khắc đương đại. Thành phố vẫn chưa có tác phẩm điêu khắc nào tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh với du khách, xứng tầm phát triển của một đô thị lớn nhất nước.

Trong khi đó, tác phẩm điêu khắc đương đại lại tiệm cận đến đời sống đương thời, phản ánh hơi thở thăng trầm của đời sống xã hội hiện đại, những ước nguyện trong tương lai và những khía cạnh, góc khuất của con người... Tiếng nói thời đại và sự bứt phá của nó rất phù hợp với không gian đô thị văn minh.

Mai Quỳnh Nga
.
.