Điện ảnh Việt Nam 2006: Chuông mãi không ngân

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:30

Ai đó nói, đem phim dự liên hoan phim là đem chuông đi đánh nước người. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến điều sâu xa hơn, rằng cần đem cái chuông nào đi và đánh ở những nơi nào. Bởi nếu không, chúng ta đã bỏ tiền của và công sức vào những việc làm không hiệu quả. Để rồi chuông ngàn năm đem đánh mà danh tiếng mãi không ngân vang...

Có thật nhiều câu chuyện không bình thường từ những chuyến đi nước ngoài của các nghệ sỹ điện ảnh. Dự liên hoan phim, dự chợ phim... tất cả các chuyến đi đều thành công tốt đẹp và diễn viên được ca ngợi, phim tạo được dấu ấn. Để rồi không một giải thưởng lớn nào được đem về. Cũng không có liên hoan phim lớn nào có tên phim Việt Nam.

Vậy nhưng khi về nước, các nghệ sỹ đã tự ve vuốt bản thân mình bằng những câu chữ đao to búa lớn và ngọt ngào hơn bao giờ hết. Một số nhà báo vì quá yêu... nghệ sỹ nên cũng không ngần ngại làm phương tiện cho các nghệ sỹ tự tung hô mình và tác phẩm của mình.

Người ta từng nhớ rằng, điện ảnh thể thao từng có một vụ "giải thưởng quốc tế" không có trong thực tế, gây ra không biết bao nhiêu chuyện bi hài trên báo chí. Hay mới đây, sự việc diễn viên Minh Tiệp trả lời báo chí rằng, anh có tên trong danh sách đề cử 10 diễn viên trình diễn xuất sắc nhất của Liên hoan phim Bách Hoa - Kim Kê (Trung Quốc) cũng đã tạo nên những giai thoại cười ra nước mắt.

Minh Tiệp là lựa chọn muộn màng của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và Lý Vỹ trong "Hà Nội, Hà Nội". Sau khi bộ phim này đóng máy, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã không có phát biểu gì về diễn xuất của Minh Tiệp. Nhưng khi được hỏi, tại sao anh không chọn Minh Tiệp cho bộ phim "Vũ điệu tử thần" của mình thì Bùi Tuấn Dũng nói rằng, phim của anh cần những diễn viên làm việc chuyên nghiệp và Minh Tiệp không phải là lựa chọn số một. Nói ra điều đó để thấy rằng, Minh Tiệp diễn xuất không quá xuất sắc ngay cả trong mắt các đạo diễn trong nước.

Thế nên, việc anh có tên trong đề cử 10 diễn viên xuất sắc của giải Kim Kê cũng làm không ít người ngạc nhiên, ngay cả ông Hà Phạm Phú, người đi trong đoàn. Ông Phú có đưa ra những văn bản chính thức từ Ban tổ chức liên hoan phim để chứng minh rằng không có tên Minh Tiệp trong bất cứ đề cử nào. Lúc đó, Minh Tiệp lại đính chính rằng, không phải anh được đề cử đó mà là đề cử "10 diễn viên được bình chọn diễn xuất hay nhất". Minh Tiệp vẫn khẳng định, anh nghe thông tin đó từ cô bạn gái Can Đình Đình.

"Ở Trung Quốc, việc đề cử cho diễn viên riêng và đề cử cho phim lại là chuyện khác" - Minh Tiệp giải thích. Nhưng bộ phim "Hà Nội, Hà Nội" mà Minh Tiệp tham gia không dự giải, chỉ là chiếu trong liên hoan phim này, nên việc anh được đưa vào đề cử diễn xuất xuất sắc là điều hơi khó hiểu. Khi được hỏi anh có xin lỗi công chúng vì sự nhầm lẫn này không thì Minh Tiệp nói rằng anh đã chính thức nghe thấy và không việc gì phải xin lỗi! Việc phát ngôn với báo chí chỉ từ việc nghe loáng thoáng thông tin từ đâu đó để gây hiểu nhầm đã cho thấy một thái độ nóng vội với danh tiếng của diễn viên trẻ này.

Nhưng Minh Tiệp chỉ là một ví dụ. Còn không ít nghệ sỹ khác khi nghe thông tin từ phía nước ngoài, do hạn chế về ngoại ngữ nên đã không hiểu được mình có gì và được gì. Rất nhiều thông tin từ một liên hoan phim nhưng lại được hai nghệ sỹ cùng đoàn kể trái ngược nhau. Và không ít người đã không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) ý nghĩa những nhận định và sự kiện từ các liên hoan phim, khi về nước đã tung hỏa mù với công chúng. Họ đưa những điều đó ra như một bằng chứng rằng, phim của mình kén khán giả. Chỉ có những công chúng có văn hoá (như người nước ngoài?!) mới có thể hiểu được và đánh giá cao mà thôi!

Một nhà văn (xin giấu tên) kể rằng, trong một chuyến đi, tình cờ anh gặp được buổi chiếu phim Việt Nam trong một liên hoan phim nhỏ. Khi anh đến đã sát giờ chiếu. Người bạn anh đang là nghiên cứu sinh tại đó giải thích, đừng hi vọng nhiều, hãy cứ như xem phim ở nhà. Nhưng cảm giác trống vắng ập ngay đến khi anh bước vào rạp. Vắng vẻ và chủ yếu là du học sinh người Việt và một số ít người nước ngoài tò mò về Việt Nam sau chiến tranh. Điều đáng buồn hơn là, sự tò mò của họ đã bị dập tắt khi bộ phim đó lại làm về... chiến tranh (tất nhiên, làm phim về chiến tranh mà mang lại những cảm nhận mới thì cũng có thể rất hấp dẫn cả với khán giả trong và ngoài nước. Đằng này...).

Thế rồi, sau chuyến đi, về nước anh mới đọc báo và rất bất ngờ trước nhận định của vị đạo diễn nọ. Tốt đẹp, thành công, ấn tượng và hàng trăm mỹ từ khác được thêu ren cho tác phẩm của đạo diễn - tác phẩm thê thảm ngay trong các rạp chiếu Việt Nam.

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có tình trạng 5 năm 2 kỳ liên hoan phim, hầu hết các phim sản xuất đều nhằm đưa dự giải và không ít phim làm ra để dự liên hoan phim rồi cất vào kho. Thế nên cái từ "liên hoan phim quốc tế" bỗng chốc trở nên "hoành tráng" và tạo nên một giá trị mới cho một bộ phim nào đó.--PageBreak--

Thử làm một ví dụ, "Chuyện của Pao" đăng quang "Cánh diều vàng 2005" và ngay sau đó Ngô Quang Hải đã đưa bộ phim đi dự rất nhiều liên hoan phim và cũng nhận được một số giải thưởng nho nhỏ. Nhưng ngay tại Việt Nam, theo Fafilm, bộ phim này chỉ đạt trung bình 97 người xem trong một buổi chiếu, thậm chí có buổi chỉ có 6 vé và suất chiếu đã không thực hiện được. Nhưng thông tin về nó tại các LHP và tour chiếu tại Mỹ vẫn được cập nhật liên tục.

Thêm một giải thưởng là thêm một lần báo chí hoan hỉ. Nhưng thực tế, "Chuyện của Pao" chỉ là chuyện của Pao, không thể nào lớn lên được, dù nó có tham dự bao nhiêu liên hoan phim đi nữa. Cho nên bao nhiêu lời hoa mỹ về một sản phẩm không mới lạ cũng sẽ chỉ làm khán giả thêm nặng nề trong định kiến: phim Việt chỉ hay trên báo mà thôi.

Đạo diễn Lê Hoàng chua chát nói rằng, ngày nào mà trên thế giới này lại chẳng có một liên hoan phim quốc tế? Thậm chí, một tài liệu thống kê chưa đầy đủ cho rằng, không dưới 1.000 LHP trên thế giới tổ chức không theo mùa vụ nào mỗi năm. Vậy thì phim Việt Nam đi dự các liên hoan phim quốc tế là điều không có gì đáng kể, mà phải xem đó là liên hoan phim nào, ai là giám khảo. Chứ ngay như Campuchia, dù không hề có một phim điện ảnh nào được sản xuất nhưng hàng năm vẫn có liên hoan phim quốc tế.

Cần phải khẳng định rằng, Việt Nam còn đang gần như vô danh trên bản đồ điện ảnh thế giới. Nói ra điều này không phải cổ xuý cho "người Việt xấu xí" mà là nhìn nhận vào thực tế để không ảo tưởng và để không còn chỗ cho những người bất tài đi ra nước ngoài về hù dọa công chúng trên báo chí bằng những đại ngôn giàu trí tưởng... bở. Phim Việt Nam thậm chí còn không được chọn chiếu tại các liên hoan phim lớn chứ không nói đến chuyện tranh giải.

Đến bây giờ công chúng sẽ cười khẩy vào các "chiêu" cũ kỹ của các đạo diễn khi đi dự một liên hoan phim nhỏ bé xa lạ nào đó về và được một số nhà báo "cánh hẩu" tung hô, kiểu như "phim được công chúng đón nhận nồng nhiệt, khán giả chật kín rạp, nhiều người ở lại để trao đổi với nhà làm phim". Hay "Nhiều vị giám khảo đã không tiếc lời khen ngợi, cho rằng Việt Nam có những phim như thế đã là tiến bộ rất nhiều". Rồi "Xem phim này, tôi hiểu thêm rất nhiều về Việt Nam, cảm ơn các bạn"... Lạ nhất là ai cũng biết điều giả dối đó, trừ mỗi người phát ngôn.

Điều đáng nói hơn, là điện ảnh trước hết, cần tìm sự đồng cảm của người xem trong nước chứ không phải đem đi làm những cái chuông rỗng vô nghĩa. Chúng ta đem tiền tỉ đóng thuế của dân ra làm phim, trước hết phải để phục vụ họ. Còn nếu phim không tìm được sự chia sẻ của họ, nghĩa là đã thất bại. Còn giải thưởng giống như một thứ trang sức của phim chứ người xem thực sự không có lợi gì.

Việc đem phim đi dự các liên hoan phim cũng là điều bình thường. Nhưng cũng không nên coi đó là cách quảng bá phim Việt Nam hữu hiệu với thế giới. Nếu phim kém chất lượng đem đi dự thi, đó là cách làm phản cảm để người ta càng có cái nhìn thiên lệch về điện ảnh Việt Nam. "Nói tóm lại là đừng có ảo tưởng và đừng nghĩ người trong nước mù tịt thông tin. Họ không còn ngồi đáy giếng nữa. Họ có thể biết thông tin về các liên hoan phim lớn chỉ sau 5 giây" - đạo diễn Lê Hoàng kết luận.

Điềm tĩnh hơn, nhà phê bình Ngô Phương Lan, người nhiều năm gắn bó với phim Việt thừa nhận, phim Việt chưa bao giờ nằm trong Top những phim dự giải hay bình chọn của các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin, Venice... hoặc Oscar, những giải thưởng mà bất cứ nhà làm phim nào trên thế giới đều mơ ước, mà chủ yếu là dự các liên hoan phim nhỏ lẻ.

Cần hiểu rằng, liên hoan phim quốc tế thực ra là sinh hoạt bình thường của điện ảnh. Và dường như năm nào cũng có các liên hoan phim mới ra đời. Nhưng chỉ có những LHP có được sức mạnh tiềm ẩn, có bản sắc riêng mới có sức sống. Ngoài ra, hiện nay cũng có một số liên hoan phim khu vực châu Á được chú ý như Tokyo, Thượng Hải, Pusan... Hầu hết các giải vàng, giải phim hay nhất, dù là trong các liên hoan phim nhỏ lẻ, ban giám khảo cũng đều rất thận trọng. Bởi đó chính là bộ mặt của liên hoan phim và là sự đồng thuận về quan niệm nghệ thuật của ban giám khảo.

Phim Việt Nam, ngay tại các giải thưởng đó cũng chưa có được giải phim hay nhất. Điều đó chứng tỏ phim Việt chưa có được những tố chất của một sản phẩm điện ảnh hàng đầu. Không nhìn quá xa, không dám so với những cường quốc điện ảnh Á châu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, không thể so với những nước nhỏ mà "phim lớn" như Iran, mà ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn phải cố gắng rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, muốn tìm được sự đồng cảm của người nước ngoài, muốn phim mang sức sống quốc tế, cần có được ý tưởng độc đáo và tìm được ngôn ngữ điện ảnh chung với điện ảnh thế giới đương đại. Điều này lý giải vì sao rất nhiều phim Việt Nam được ca ngợi ở trong nước nhưng đã không tìm được sự quan tâm của quốc tế. Bởi vấn đề quá khu biệt và ngôn ngữ thể hiện bị... lạc nhịp

Thiên Lương
.
.