Điểm tựa nào cho nhạc Việt?

Thứ Tư, 09/11/2005, 09:25

Giữa buổi bão hòa và tẻ nhạt của nhạc Việt, bất ngờ từ ý kiến của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc mà nảy ra một cuộc tranh luận sôi nổi, cả trên các diễn đàn chính thức lẫn những khi trà dư tửu hậu. Thoạt đầu là vấn đề khí nhạc hay ca khúc sẽ là gương mặt tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam hôm nay. Nhưng từ "cuộc chiến" bất phân thắng bại ấy lại nảy ra bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu bất cập của nhạc Việt.

Nghiệp dư hóa?

Một nhạc trưởng người Nhật đã nói thẳng rằng, với ông ta giao hưởng của Việt Nam vẫn chưa có gì. Câu nói cực đoan ấy làm tự ái nhiều người, nhưng nó có những hạt nhân của sự thật. Quả thực, hơn bốn chục năm kể từ khi chúng ta có bản giao hưởng đầu tiên, dường như khí nhạc vẫn chưa tìm được chỗ đứng, thế nên gọi là nền khí nhạc Việt Nam thì quả thật là to tát mà thành tựu của nó lại hết sức khiêm nhường.

Hiện chỉ có khoảng 5% trong tổng số hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam theo đuổi khí nhạc, số còn lại chủ yếu là sáng tác ca khúc. Người ta có thể kể tên những nhạc sỹ sáng tác giao hưởng như Đàm Linh, Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc… nhưng lượng tác phẩm còn khá nhỏ bé và đơn lẻ. Một số nhạc sỹ trẻ như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Lương Minh sau một thời gian theo đuổi đã không còn hào hứng như thuở ban đầu.

Nhiều người lúc nào cũng muốn thành nhà soạn nhạc vĩ đại, nhưng tác phẩm của họ không ai biết, không phổ biến và tên tuổi của họ ngay cả giới làm nghề cũng chẳng ai hay. Tuy nhiên, với sự "thắng thế" của ca khúc, nhất là dòng nhạc thị trường, khiến nhiều người làm khí nhạc cảm thấy lo ngại, vì đó thực sự là những con đường đưa nhạc Việt xuống nghiệp dư hóa một cách nhanh nhất. Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cho rằng, trước đây có một thời gian dài, giới âm nhạc chuyên nghiệp miền Bắc say mê nghiên cứu, tìm tòi, tất cả đều muốn vươn tới một mơ ước viết được những tác phẩm khí nhạc có tầm vóc.

Nếu như ở lĩnh vực biểu diễn, chúng ta tự hào có Đặng Thái Sơn thì mảng sáng tác, chúng ta không thể mang ca khúc ra để giao lưu với thế giới. Ca khúc không bao giờ là bộ mặt của một nền âm nhạc. Dù có sáng tác bao nhiêu ca khúc đi nữa, chất lượng ca khúc cao thế nào đi nữa mà ta không có tác phẩm viết cho khí nhạc thì đối với thế giới, nền âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta cũng chỉ là số không. Đó là sự thực đơn giản mà giới âm nhạc chuyên nghiệp của ta ai cũng biết. Vậy con đường hòa nhập với nền âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới là viết khí nhạc, vì sao các nhạc sỹ của chúng ta không đi mà hầu hết lại chỉ viết ca khúc quần chúng?

Có thể trả lời rằng, viết khí nhạc vô cùng khó, phải có tài năng đặc biệt và phải được học hành tử tế trong nhiều năm, phải tự nguyện lao động khổ sai suốt đời mà khả năng thành công là rất hiếm, lại ít lợi danh. Ngược lại, các nhạc sỹ viết ca khúc quần chúng không nhạc đệm, một công việc dễ dàng và đơn giản nhất của nghề nhạc, không cần có năng khiếu đặc biệt, chỉ cần biết qua son phe (đọc nốt nhạc) và có thể trong vòng 10 - 15 phút là đã viết xong được 1 bài hát, nhưng kết quả lại "ngon ăn" và chóng mang lại danh lợi.

Ngày nay, ca khúc quần chúng đã lên ngôi và chiếm lĩnh hoàn toàn nền âm nhạc Việt Nam. Hầu như báo chí và các phương tiện truyền thông chỉ lăng xê các ca sỹ và nhạc sỹ viết ca khúc quần chúng. Chúng ta không phản đối nghệ thuật quần chúng. Nhưng nền âm nhạc của một quốc gia mà hầu như chỉ có ca khúc quần chúng thì đáng xấu hổ. Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cũng cho rằng, chỉ riêng ở Việt Nam, hầu hết các nhạc sỹ viết ca khúc không viết được phần đệm cho các bài hát của chính mình sáng tác ra. Điều đó nói lên tính không chuyên nghiệp của nền âm nhạc Việt Nam. Vì vậy ở ta đẻ ra "nhạc sỹ phối khí".

Để cho nhiều người khác phối hòa âm cho bài hát của mình, có khác nào người họa sỹ đi thuê người khác tô màu cho bức tranh anh ta phác thảo? Giả sử, nếu để trở thành hội viên sáng tác của Hội Nhạc sỹ Việt Nam mà cần phải viết được phần đệm cho chính ca khúc của mình sáng tác ra thì chắc chắn sẽ có nhiều nhạc sỹ đang rất nổi tiếng không đủ tiêu chuẩn…

Trọng bệnh của nhạc Việt

Ngay sau khi ý kiến của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc xuất hiện trên Internet, lập tức có những ý kiến phản hồi. Một tác giả đã cho rằng, dẫu các nhạc sỹ khí nhạc nghĩ rằng viết ca khúc là điều đơn giản, đó không phải là mục tiêu phấn đấu cho con đường nghệ thuật của mình thì cũng nên "thương tình" cho cảnh hỗn loạn, bát nháo của ca khúc hiện nay mà ra tay sáng tác. Chỉ cần mỗi người bỏ ra chưa tới nửa ngày sẽ có 5-7 bài hát chất lượng để công chúng thưởng ngoạn, đỡ phải mệt mỏi than phiền và tẩy chay những ca khúc rẻ tiền như hiện thời. Và vậy là bắt đầu những cuộc tranh luận.

Không thể phủ nhận sức sống của ca khúc và sức mạnh của nó trong lòng công chúng Việt Nam. Nhưng nói như nhạc sỹ Trọng Bằng, cần phải coi khí nhạc như kiến trúc ngôi nhà, còn ca khúc là những viên gạch xây nên nền âm nhạc. Nếu chỉ coi trọng cái tiện ích trước mắt mà không quan tâm đến độ bền lâu dài thì nền âm nhạc Việt Nam chưa thể gọi là mạnh được, nó vẫn là một khoảng khá xa với thế giới.

Trước thềm Đại hội Hội Nhạc sỹ lần thứ VII, đã có không ít diễn đàn được mở ra để tìm hướng đi cho âm nhạc Việt Nam. Nhưng trên thực tế, nó đã không làm được điều mà giới âm nhạc chuyên nghiệp mong đợi. Nhạc sỹ Nguyễn Cường, người nổi tiếng trong mảng ca khúc nhưng nhiều năm nay vẫn cặm cụi viết khí nhạc, cho rằng, khí nhạc là cái quan trọng và ca khúc cũng đóng vai trò tương đương như thế. Cái quan trọng của khí nhạc chính là những hình tượng âm nhạc, nó cần thiết cho tất cả các nhạc sỹ sáng tác. Sở dĩ có tình trạng ca khúc bát nháo như hiện nay bởi cái "tính khí nhạc" trong các nhạc sỹ quá ít. Có tới 90% các ca khúc bây giờ nhạc vịn vào lời mà đi.

Hiện nay, theo nhạc sỹ Nguyễn Cường, âm nhạc Việt Nam có tới 90% là ca khúc, 10% còn lại là khí nhạc nhưng nó có ảnh hưởng rất hạn chế. Khí nhạc là một thứ rất xa xỉ và không ở đâu trên thế giới có được đông đảo quần chúng nghe nhạc giao hưởng, nó chỉ dành cho lớp công chúng nhất định mà thôi. Nó là sự tinh lọc. Theo ông, lỗi không phải do ca khúc hay khí nhạc, lỗi ở người sáng tác chưa có đủ tầm và tài năng để tạo nên những diện mạo mới cho âm nhạc.

Có thể nhiều người không viết khí nhạc, nhưng ca khúc của họ vẫn có những hình tượng âm nhạc rõ ràng. Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã từng thừa nhận, việc "nghiệp dư hóa" của âm nhạc Việt Nam chính là ở mảng ca khúc pop phổ thông. Thật vậy, ở đó có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc. Không đâu như Việt Nam, dường như bất cứ ai cũng có thể trở thành nhạc sỹ, dù không biết nhạc, chỉ cần nhẩm thuộc lời và nhờ người khác ký xướng âm. Câu chuyện về một tác giả đoạt giải Bài hát Việt mà lại không biết nhạc đã nảy ra bao tranh cãi. Không chỉ là chuyện một bài hát mà là chuyện về tính chuyên nghiệp trong lực lượng sáng tác ca khúc của chúng ta chưa cao. Nhiều ca khúc mới bị đánh giá là tính thẩm mỹ kém, ca từ bặm trợn và giới ca sỹ lại đua nhau theo các trào lưu mới lạ nên mới bị "quy kết" là quái dị. Đây cũng thực sự là một trọng bệnh mà các nhạc sỹ đều chung một cách nhìn nhận.

Nếu như trước đây, ca khúc Trịnh Công Sơn tạo ra một Khánh Ly, ca khúc Nguyễn Cường tạo ra một Y Moan thì bây giờ có một trào lưu ngược lại, nhiều ca sỹ ngôi sao đã "đẻ" ra nhiều nhạc sỹ, nghĩa là các nhạc sỹ này xuất hiện để sáng tác theo đơn đặt hàng của các ngôi sao. Và tất cả những nhu cầu quái gở của ca sỹ đều được đáp ứng, chắc chắn sẽ sinh quái thai.

Trọng bệnh nữa chính là sự tung hứng nhau một cách lố bịch trên báo chí. Có những bộ đôi dường như tuần nào cũng lên báo để khen nhau. Nhiều người mỉa mai, có khi vài tháng sau, tuần nào cũng lên báo để bới móc nhau đủ những thói tật. Trên nhiều phương tiện truyền thông, quả là ca khúc được đưa lên vị trí duy nhất, đại diện cho cả nền âm nhạc Việt Nam. Từ những người sáng tác, từ các phương tiện truyền thông mà gây ngộ nhận cho khán thính giả.

Khí nhạc vốn bé nhỏ, có lẽ nó cần được giới thiệu nghiêm túc, trang trọng và có nghề hơn, thay vì chỉ là những dòng tin ngắn ngủi về giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sỹ. Âm nhạc Việt Nam dường như sẽ còn rất xa mới hy vọng có tiếng nói cùng thế giới khi chính những người trong giới âm nhạc chuyên nghiệp còn chưa ngã ngũ xem cái nào chính, cái nào phụ, công và tội thuộc về ai... Nhưng, xét cho cùng, âm nhạc của người Việt trước hết phải dành cho người Việt Nam, nó sẽ thành công nếu đủ sức ám ảnh người nghe bằng một xúc cảm thẩm mỹ đẹp

Loan Nhi
.
.