Điểm tựa

Thứ Năm, 25/10/2018, 08:58
"Fountain" với chữ ký mang tên R.Mutt, hai dữ kiện ấy có thể xa lạ với một người ngoại đạo về mỹ thuật hoàn toàn nhưng đối với những ai yêu thích, thích tìm hiểu về lĩnh vực nghệ thuật này, nó là một trong những sự kiện văn nghệ được xem là gây chú ý nhất thế kỷ 20.


"Fountain" là tên tác phẩm được hình thành bởi cái bồn tiểu xoay ngược, cùng chữ ký đề tên R.Mutt, có thể được coi là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Marcel Duchamp. Và có hiểu hay không ý niệm của Duchamp ở "Fountain"; có thích hay ghét "Fountain" đến mấy, người ta cũng không dám phủ nhận tầm quan trọng ấy của nó. Với tất cả, nó là lịch sử của mỹ thuật hiện đại, của văn hoá hiện đại.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những ngày tháng của năm 1917 kia, không phải là Duchamp sắp đặt cái bồn tiểu nọ và cũng không ký lên nó? Nói tóm lại, dư luận, giới phê bình sẽ phản ứng như thế nào nếu Marcel Duchamp tài danh chẳng hề có một chút liên quan nào đến Foutain, và kẻ làm việc đó là một gã/cô R.Mutt vô cùng tầm thường trong xã hội? 

Rất có thể, cái gã/cô R.Mutt kia bị xem là một kẻ thần kinh, một kẻ phá đám hoặc thậm chí, nặng nề hơn, một kẻ vô văn hoá bởi hành vi mang cái bồn tiểu vào gắn ở một triển lãm mỹ thuật. Nhưng lịch sử may thay đã xuất hiện Marcel Duchamp gắn liền với "Fountain" chứ không phải một kẻ xoàng xĩnh nào. Và bởi thế, "Fountain" được coi là tác phẩm nghệ thuật.

Như vậy, qua câu chuyện này, chúng ta nhận ra một điều vô cùng đơn giản. Đó chính là bản thân tác phẩm và ý niệm tạo thành tác phẩm không đủ sức để làm chỗ dựa cho nó để được ghi nhận trong công chúng lẫn giới phê bình.

Một thứ vô cùng quan trọng, có thể nói là bậc nhất để tạo thành điểm tựa cho một sản phẩm ngõ hầu nó được ghi nhận là tác phẩm nghệ thuật, chính là "giá trị tên tuổi" của người tạo ra nó. Và ở trường hợp của "Fountain", giá trị tên tuổi của Duchamp đủ tầm vóc để "bảo lãnh" cho cái bồn tiểu kèm một chữ ký trở thành tác phẩm.

Và giá trị tên tuổi của một nghệ sỹ thì được cấu thành bởi sự hun đúc của thời gian hoạt động nghệ thuật, với bề dày tác phẩm và phông nền văn hoá của chính người nghệ sỹ ấy. Vì thế, khi Duchamp dựng cái bồn tiểu lên năm 1917, không chỉ là cái tên Duchamp làm bảo chứng cho nó trở thành "Fountain" mà còn là bề dày hoạt động của ông, là văn hoá nền của ông, là tri thức của ông, là hiểu biết của ông trong làng mỹ thuật đã làm điểm tựa cho nó.

Quay trở về hiện tại, với câu chuyện hai ca sỹ giải trí ký lên mặt tác phẩm hội họa của hoạ sỹ Hứa Thanh Bình ở một đêm đấu giá. Dù rằng, việc ký tên ấy (theo như trần tình của họ) là do người thắng cuộc đấu giá đề nghị đi nữa; dù rằng chính họ giãi bày rằng họ chẳng hiểu gì về mỹ thuật đi nữa, chúng ta có thể rút ra một kết luận: cái chữ ký của họ, cái tên của họ, những thứ họ đang làm trong làng giải trí không thể có một điểm tựa nào đủ để biện minh rằng đó là một ý niệm tạo ra một tác phẩm mới trên nền tảng của một tác phẩm cũ.

Bi kịch chính là họ không có được bảo chứng bởi văn hoá nền, bởi tri thức. Và bi kịch của câu chuyện bức tranh bị phá hỏng này cũng không nằm ở hành vi ký tên lên tranh mà ở chỗ người ký không hề có một nền tảng đủ để bảo chứng cho chữ ký của mình ở trường hợp này.

Giả sử (lại là giả sử), trong cuộc đấu giá ấy, sau khi bức tranh được chốt bán, chính hoạ sỹ Hứa Thanh Bình hoặc một người bạn mà ông lựa chọn và đề nghị, bước lên dõng dạc đặt một chữ ký trên bề mặt bức tranh, có thể chúng ta sẽ nghĩ đó là một "xoay hướng tác phẩm của chính tác giả". Cũng là hành vi ký tên thôi, rõ ràng có sự khác biệt rất xa là vậy: sự khác biệt đến từ giá trị của điểm tựa, thứ mà hai ca sỹ giải trí kia không hề sở hữu.

Câu chuyện rất buồn mà làng mỹ thuật phải đón nhận này càng mở ra cho chúng ta những điều còn buồn hơn nữa, khi chúng ta nghĩ về những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay. Ví dụ như có những người làm rất quấy, rất bậy, nhưng lại được tung hô không tiếc lời chỉ vì chẳng qua họ có một điểm tựa mà giá trị của nó lại được xây nên bởi những "like, share, comment" cho những gì nhăng nhố họ viết trên trang cá nhân của mình.

Văn Đoàn
.
.