Đi tìm cành sen trong ca dao

Thứ Tư, 19/05/2010, 01:34
Hẳn chúng ta ít nhiều được nghe và thuộc lòng câu ca dao này:
Đêm qua tát nước sau đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Có được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?...

Rồi dân ca Thanh Hóa lại cũng có câu:

Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng giăng.

Tôi cũng như không ít người cứ vương vấn và thắc mắc về cái cành sen đó trong câu ca dao, dân ca.

Đây có phải là cây sen chúng ta vẫn thường thấy ở các đầm hồ vào mùa hạ, hoa màu hồng hay màu trắng, hương ngan ngát thanh cao, lá to bằng cái nón mà tuổi thơ khi đi học qua đầm sen, chúng ta thường ngắt để đội đầu, che nắng, che mưa?

Vậy thì cái cây sen mọc ở đầm hồ ấy, người con trai đã bỏ quên tấm áo của mình trên đó. Cho nên lá sen đã biến thành cành sen. Đây là một cách nói để lãng mạn hóa tình yêu thôi. Nhưng nếu như vậy thì tại sao dân ca Thanh Hóa lại có câu: Lên chùa bẻ một cành sen?

Tác giả bài viết (bên trái) cùng nhà văn Dương Duy Ngữ trước cây sen đất ở chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây).

Theo thiển ý của tôi, loài cây mà có cành phải là cây thân mộc, không thể là cây thân thảo như cây sen ta vẫn nhìn thấy ở đầm, hồ. Thắc mắc này cứ ám ảnh tôi, buộc tôi phải đi tìm một lời giải đáp. Tôi đã đàm đạo với nhiều nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Nói chung, họ đều cho rằng, cành sen đó chỉ là cách nói hình tượng để lãng mạn hóa cây sen mà ta vẫn thường nhìn thấy có hoa vào mùa hè mà thôi.

Nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn. Thế rồi, tôi chợt nhớ đến một người. Ông là tác giả "Tầm Lan và người giữ đình làng" - nhà văn Dương Duy Ngữ.

- Ông ngây thơ quá! - Vẫn cái giọng rất hách dịch của ông Chánh Tổng làng (bạn bè gọi đùa ông như vậy), ông "mắng" - Có cây sen thuộc họ mộc hẳn hoi. Hôm nào tôi đưa ông đi, nó chỉ mọc ở đình, chùa thôi.

Vào một ngày đầu hạ 2010, tôi và nhà văn Dương Duy Ngữ lên đường để tìm "một cành sen trong ca dao". Thật là một chuyến đi bổ ích và lý thú. Cây sen ấy, nó ở chùa Bối Khê thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nếu tính từ Hồ Gươm về đó, áng chừng trên 30km, vừa đủ một cua xe máy của bạn.

Chùa Bối Khê thờ ngài Thánh Bối - một cao tăng đắc đạo và hóa ở chùa Trăm Gian (Thạch Thất - Hà Nội). Bối Khê là quê hương của ngài. Chùa được xây vào năm 1255. Cây sen ở chùa Bối Khê, theo các cụ trong Ban quản lý di tích kể lại thì có khoảng 400 năm nay. Có lẽ vì quá nhiều người đến tìm hiểu cây sen này nên nhà chùa đã viết sẵn cái biển gỗ đeo nó vào thân cây: "Cây sen đất" để phân biệt với cây sen thông thường mọc ở dưới nước.

Đó là một cây thân mộc, cao khoảng 7 - 8 mét. Lá đơn hình bầu dục, mép lá không có răng cưa, mặt trên xanh bóng như có dầu, mặt dưới màu nâu ngà sang vàng nhạt. Khuôn lá dài chừng 15cm, bản rộng chừng 6cm. Nhìn dáng cây và lá có cái gì đó vừa giống họ trà, lại vừa giống họ đa. Cái này xin chờ các nhà thực vật phân loại giúp.

Hoa màu trắng đục, cánh cứng như hoa trứng gà, nụ trông hệt như một cái nụ hoa sen nước, khi nở hết cỡ xòe to bằng cái bát ăn cơm. Hương hoa phảng phất mùi hoa mộc hay hoa đại. Một mùi hương rất hợp với đền đài. Có lẽ vì thế, ta chỉ thấy nó ở cảnh chùa.

Vụ hoa kéo dài suốt từ tháng 3 tới tháng 6 âm lịch.

Khi tôi và nhà văn Dương Duy Ngữ đến thì hoa đang nở. Nó không nhiều, chỉ điểm trang trên tán lá. Mỗi bông hoa kéo dài chừng 10 ngày. Nhưng hoa này tàn thì hoa khác nở. Chính vì thế kéo dài cả 3 tháng. Đi tìm một cành sen trong ca dao tới đây đã thỏa mãn, tôi và nhà văn Dương Duy Ngữ say sưa ngắm cây sen đất có cành hẳn hoi và hít thở mùi hương lạ mà nó tỏa ra.

Tôi và nhà văn Dương Duy Ngữ đã chụp ảnh cây sen 400 tuổi. Cả hai đều mãn nguyện, bởi chúng tôi đã tìm thấy một cây sen trong ca dao. Hơn thế nữa, tìm thấy một ngôi chùa cổ thuần Việt, gắn liền với lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam và một nơi rất đáng để chúng ta đến chiêm bái. Nếu có dịp, xin mời bạn về thăm.

Làng Lủ, hè 2010

Mai Vũ
.
.