Để ứng biến thành sáng kiến

Thứ Năm, 27/02/2020, 09:02
Đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều tác hại đối với đời sống kinh tế xã hội, rất nhiều hoạt động gần như bị đình trệ. Nhưng cũng từ sự đình trệ kéo dài đến cả tháng trời ấy, chúng ta được "tôi luyện" thói quen thích nghi với những biến động của xã hội. 


Đã có những hành động thích nghi kịp thời rất đáng khen ngợi. Điển hình là câu chuyện bánh mì thanh long.  Đặc biệt hơn là chuyện rất nhiều trường quốc tế cũng như dân lập đã triển khai mô hình giảng dạy trực tuyến trong suốt thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch.

Rõ ràng là một ứng biến rất nhanh nhạy. Ví dụ như trường Wellspring chẳng hạn. Trong thời gian nghỉ học theo quy định chung, cả ba cấp học của trường này đều được tổ chức dạy và học online với phân công cụ thể ngày dạy, giờ dạy cho từng giáo viên. Từ ứng biến này, chúng ta buộc phải suy nghĩ đến chuyện phát huy sáng kiến cho ngành giáo dục ở thời đại công nghệ, nhất là khi chúng ta đang đề cập rất nhiều tới cái gọi là 4.0.

Các trường quốc tế và dân lập thường là những trường có điều kiện trang thiết bị vật chất, cơ sở hạ tầng rất tốt nên việc họ đi đầu trong giáo dục trực tuyến để ứng phó dịch COVID-19 cũng là lẽ đương nhiên. Song, phải chăng cứ phải "trường giàu" mới có thể tổ chức giảng dạy trực tuyến? Giáo dục trực tuyến có nên được phát triển để trở thành mũi nhọn ở thời gian tới, đặc biệt là đối với những vùng sâu, vùng xa?

Đừng vội nghĩ giáo dục trực tuyến là bất khả đối với các địa phương nghèo, khó khăn. Vùng sâu vùng xa, việc học trực tuyến có thể được tiến hành theo nhóm phân về thôn, xóm hoặc xã để tiết kiệm tối đa đầu tư trang thiết bị.

Tất nhiên, sẽ có người đặt ra vấn đề kỷ luật học đường, khi không có thầy cô giáo đứng lớp trực tiếp, học sinh có thể sẽ mất trật tự, thiếu tập trung. Băn khoăn ấy là đúng nhưng thay vì việc tổ chức nhiều lớp học, kể cả nội trú, với nhiều giáo viên đứng lớp, ngành giáo dục hoàn toàn có thể tổ chức học trực tuyến cho vùng sâu vùng xa với một quản sinh kiêm kỹ thuật viên duy nhất.

Trong bối cảnh thiếu trầm trọng giáo viên cho vùng sâu vùng xa như hiện nay, việc sử dụng chỉ 1 hay 2 quản sinh rõ ràng sẽ khả thi hơn việc tuyển dụng 5-6 giáo viên cho một trường cấp xã. Hơn nữa, ngân sách lương cũng được gói gọn hơn để dành nguồn đầu tư cho những hạng mục thiết thực hơn cho trẻ em vùng sâu vùng xa.

Phát huy giáo dục trực tuyến trở thành một sáng kiến không những có thể giúp trẻ em vùng sâu vùng xa được tiếp cận với kiến thức mà còn có thể được áp dụng cho những trẻ em có điều kiện khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt, bị tật nguyền… được hưởng công bằng giáo dục như những bạn bè khác. Nó còn đáp ứng được cả nhu cầu của những người thiệt thòi, thất học từ nhỏ, khi đã trưởng thành vẫn có nhu cầu được bồi dưỡng kiến thức. Đó là còn chưa kể ích lợi của giáo dục trực tuyến là nội dung các bài giảng hoàn toàn có thể được xem lại nhiều lần nếu người học chưa nắm bắt hết. Nếu được đăng tải trên các nền tảng công cộng như youtube chẳng hạn, số lượt xem cũng có thể mang lại một nguồn thu (dù nhỏ thôi) để ngành giáo dục có thể tái đầu tư.

Từ ứng biến với một dịch bệnh, một biến động xã hội, nếu chúng ta tận dụng và phát huy, ứng biến ấy hoàn toàn có thể trở thành giải pháp lâu dài. Còn nếu chỉ coi nó là tạm thời đối phó cho qua cơn đại dịch, nó sẽ chỉ còn là một ứng biến đơn thuần mà thôi. Nếu đưa thành phương án lâu dài, chúng ta sẽ không phải vất vả trong việc đối phó với những biến động xã hội tương tự trong tương lai. Cái lợi ấy, có lẽ ngành giáo dục nên bắt đầu chú ý đến. Nó chính là một đòn bẩy giúp cho ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh cao cả của mình.

Văn Đoàn
.
.