Để "làng" ngày thêm đông vui

Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:40
Phải nói rằng, làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được xây dựng với một cơ ngơi khá đồ sộ, ở trên một vùng đất có địa thế rất đẹp...


Bây giờ, từ Hà Nội đi lên Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) dễ hơn trước rất nhiều. Từ bến xe Kim Mã (Ba Đình) có tuyến xe buýt số 107 chạy vào đến tận cổng "Làng". Đầu bến đến cuối bến chỉ mất hơn một giờ rưỡi xe chạy. Nhiều người đã tính chuyện đi du lịch gần thay cho du lịch xa. Nói vậy nhưng người lên với Làng Văn hóa thực tế vẫn rất khiêm tốn.

Phải nói rằng, làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được xây dựng với một cơ ngơi khá đồ sộ, ở trên một vùng đất có địa thế rất đẹp. Lắng đọng được ở đây cái nhuệ khí của núi Tản sông Đà. Đi vòng quanh làng, ta thấy đầy đủ những kiểu nhà của 54 dân tộc sống trên đất Việt, ghi dấu cuộc sống của các dân tộc tuy khó khăn vất vả nhưng chứa đầy thú vị. Điểm mặt điểm tên các kiểu nhà của các dân tộc đều có cả, từ Tày, Nùng, Mông… ở miền Bắc đến Ba Na, Ê Đê… ở Tây Nguyên.

Từ Chăm… đến Khơme (Nam Bộ)… hầu như không thiếu một dân tộc nào. Những nếp nhà san sát bên nhau đã tạo nên một dòng chảy về tình máu thịt của đồng bào các dân tộc trên dải đất Việt Nam ta. Tuy vậy, khách đến tham quan vẫn thấy còn có gì như hẫng hụt.

Ở đây điểm mặt thì đầy đủ nhưng có lẽ còn thiếu một điểm quan trọng. Đó là "điểm nhấn". Có thể nói, đây là yếu tố làm nên sự cuốn hút của làng. Bởi vì, du khách vào làng không phải chỉ đi ngắm các kiểu nhà. Mỗi kiểu nhà ở mỗi vùng miền có những sự khác nhau nhưng cũng có những điểm giống nhau. Hầu hết đều được làm bằng gỗ, đều là mái tranh, phên nứa.

Từ bếp củi đơn sơ đến khung cửi, chuồng trâu, chuồng gà. Từ cái cuốc, con dao đến các vật dụng trong nhà đều na ná như nhau. Du khách đi xem cảm thấy chóng chán là vậy. Cái chính mà mọi người muốn tìm, muốn tận hưởng là hồn văn hóa của các kiểu nhà ấy.

Tìm mãi mà vẫn thấy háo. Không biết nó nằm ở đâu? Ai sẽ chỉ cho khách tham quan biết? Có thể nói, những mong muốn đó ở đây chưa lột tả hết được. Cho nên chỉ xem một ít kiểu nhà là khách tham quan đã thấy đầy đủ rồi. Chỉ có niềm hứng khởi thì bị hao hụt đi rất nhiều. Đó là chưa nói đến tụi trẻ con, không biết vào làng để xem cái gì? Chơi cái gì cho hay, cho hợp?...

Người tham quan thường tập trung đông ở vài ba điểm như ngôi chùa vàng của dân tộc Khơme, khu tháp Chàm. Bởi ở đó đem lại cho du khách nhiều khám phá thú vị về văn hóa của mỗi dân tộc. Du khách không biết người Khơme, người Chăm sống trong ngôi nhà hình dáng thế nào, nhưng nhìn ngôi chùa, nhìn tháp cổ, họ đã thấy toát lên nét văn hóa đặc sắc trong mỗi dân tộc. Gíá có thêm được một số điểm nhấn như chùa vàng, tháp Chàm thì hay biết mấy. Bởi nét văn hóa, kể cả văn hóa tâm linh của 54 dân tộc Việt Nam ta là hết sức phong phú, cần nghiên cứu đưa vào làng để cuốn hút người xem.

Có những cái tưởng rằng rất khó thể hiện, nhưng nếu nghiên cứu dày công thì vẫn làm được, chẳng hạn như văn hóa vùng quan họ Bắc Ninh, văn hóa vùng sông nước Nam Bộ, văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên… là những cái có diện mạo, sắc thái rất hay và rất hấp dẫn.

Một điều nữa mà khách tham quan mong muốn, đó là văn hóa ẩm thực. Ai cũng nghĩ vào tham quan làng sẽ được thưởng thức những ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, các dân tộc. Nhưng có đi mới biết, ẩm thực ở đây còn đơn điệu và nghèo nàn quá. Lác đác một vài chỗ có bày các loại bánh bột gói lá của các dân tộc cùng với bắp ngô, sắn luộc. Nhưng ít người mua bởi hai lẽ: chất lượng và vệ sinh. Ẩm thực trong khu vực văn hóa du lịch không thể đơn giản được. Hình như chuyện này chưa được quan tâm nhiều, cho nên khách đến tham quan du lịch ở đây chủ yếu là thưởng thức bánh mì, mì ăn liền và trẻ em thì có… bim bim.

Rất ít thấy những món ăn hấp dẫn. Có lẽ vì thế mà một hiện tượng tương đối phổ biến là người ta thực hiện lối ẩm thực tự túc. Thức ăn, nước uống từ nhà mang theo, vào làng chỉ xem rồi về. Cứ như thế thì ngoài tiền vé vào cổng, Làng chẳng doanh thu được bao. Tiếc quá, tiếc một nguồn thu hữu hiệu mà tuột khỏi tay.

Mong một ngày không xa, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có những bước cải tiến mạnh, đổi mới nhanh, tạo ra nhiều điều hấp dẫn để du khách đến làng ngày càng đông vui.

Phạm Văn Thạch
.
.