Đạo đức của quảng cáo

Thứ Sáu, 14/10/2016, 14:53
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội, nhiều người cùng chia sẻ một đoạn video clip tuyệt đẹp, kéo dài đúng 1 phút. Đoạn clip ấy mô tả một vận động viên lướt ván đang lưới qua những mảnh ruộng bậc thang ngập nước...


Màu sắc tinh tế; hình ảnh bắt mắt; hành động cuốn hút; âm nhạc hợp thời…, đoạn clip ấy nếu được dùng để giới thiệu, quảng bá du lịch cho chính vùng đất là bối cảnh, hay quốc gia có bối cảnh đó thì quả thật phù hợp không còn gì bằng.

Nhiều người bình luận rằng "không phải bối cảnh Việt Nam" và rõ ràng nhìn vào cách phục trang của những diễn viên quần chúng trong đó, ta cũng có thể nhận ra ngay không phải Việt Nam. Vậy thì tại sao hai tiếng Việt Nam lại được nhắc đến trong các bình luận nọ. Đơn giản, bối cảnh quá giống với vùng đồi núi phía Bắc nước ta, thậm chí còn không đẹp bằng nhiều điểm ở khu vực phía Bắc nước ta.

Nhưng đó là một đoạn clip quảng cáo cho một nhãn nước uống tăng lực, chứ không phải một quảng bá du lịch như chúng ta nghĩ. Logo của loại nước uống đó được in rõ trên áo của nhân vật chính, người vận động viên. Với nhà đầu tư, chỉ chừng đó là đủ cho sự xuất hiện thương hiệu rồi.

Đoạn video clip kia gợi nhắc chúng ta rất nhiều điều. Đã có khá nhiều các video clip quảng bá cho du lịch Việt Nam nhưng chưa một video nào khiến người Việt cảm thấy tâm phục khẩu phục. Không phải do tâm lý sính ngoại, nhất là khi chúng được mang so với những clip người Malaysia, người Indonesia… thực hiện để quảng bá cho quốc gia của họ, mà do người Việt hôm nay có cơ hội được tiếp cận với công nghệ hiện đại nhanh hơn, nên việc đánh giá đúng chất lượng một đoạn video đối với họ là không khó.

Và nếu xem được đoạn clip 1 phút nói trên, bạn hoàn toàn có thể bật ra một câu hỏi rằng "Tại sao chúng ta không có được một clip quảng bá du lịch đẹp như clip quảng cáo kia, dù điều kiện thực hiện đối với chúng ta hoàn toàn không khó".

Chi phí sản xuất đoạn clip 1 phút nói trên không cao hơn, nếu không nói là thấp hơn chi phí đầu tư cho các hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam. Và nếu gạt cái đoạn video đó sang một bên (vì bạn chưa xem nó) mà so sánh với các quảng cáo được phát trên truyền hình, do các hãng lớn thực hiện, chúng ta sẽ thấy độ chênh lệch chất lượng là rất lớn.

Dễ hiểu, khi một nhãn hàng đầu tư cho một clip quảng cáo của họ, họ đặt ra mục tiêu cụ thể, họ cần gì, muốn gì, thông điệp ra sao và các đơn vị sản xuất khi bỏ thầu phải đảm bảo được 3 yếu tố cạnh tranh: Kinh nghiệm (bằng các sản phẩm đã thực hiện); ý tưởng, chất lượng sản xuất và giá thành.

Sự minh bạch và công chính trong lựa chọn đã dẫn đến các sản phẩm tốt. Họ đầu tư cho họ nên họ làm kỹ và chi tiết từng phần nhỏ một. Còn ngành du lịch của chúng ta thì sao? Không ai nghĩ đó là một đầu tư cho chính mình.

Nếu không muốn so sánh với các clip quảng cáo, được cho là chuyên nghiệp và hiện đại, chúng ta hãy so với chính các clip tự phát do những người yêu thích du lịch tự quay lấy bằng máy chụp hình, flycam… vốn xuất hiện không thiếu trên youtube, ta sẽ nhận ra người Việt đã thực hiện quá nhiều video đẹp tuyệt vời giới thiệu quê hương mình.

Họ không đầu tư để kiếm lợi mà họ làm vì tình yêu, vì đam mê. Điều đó chỉ ra nguyên nhân yếu kém của các hình ảnh quảng bá du lịch lâu nay của Việt Nam. Đó là không ai làm chúng với tình yêu thực sự cho công việc mình đang làm.

Mỗi năm, chúng ta làm bao nhiêu festival ở tỉnh này tỉnh kia, dưới danh nghĩa khuyếch trương du lịch? Kiểm đếm lại, tính toán lại, chúng ta sẽ thấy khoản tiền đó dư sức để thực hiện những video giới thiệu du lịch Việt Nam ở đẳng cấp quốc tế, cho khách quốc tế. Sự lãng phí rõ ràng là có, và nó đến từ đâu thì quá rõ. Nó đến từ sự thiếu trách nhiệm, thiếu tình cảm, thiếu đầu tư trí lực một cách nghiêm túc cho một ngành có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn và lâu bền hơn những ngành công nghiệp đầy khói hôm nay.

Văn Đoàn
.
.