Danh lợi không đợi... nghề văn
Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (khóa 2) vừa tổ chức lễ khai giảng. Theo như một lãnh đạo Hội Nhà văn cho biết, số người đăng ký tham gia lớp học bổ trợ này đang có xu hướng ngày một tăng, và nếu điều kiện ăn ở cho phép, hẳn số người được tuyển chọn còn nhiều hơn. Từ thực tế đó, có người cho rằng, nghề văn đang là một nghề hưng thịnh, được nhiều người lựa chọn.
Cũng như bất cứ một công việc gì được xem là một nghề trên đời này, bao giờ các thành phần tham dự đều đến với nó bằng những lý do cụ thể. "Tại sao anh chọn nghề này?"; "Lý do nào đã dẫn chị đến công việc này?"; "Em làm nghề này từ bao giờ? Tại sao?"- Đó là những câu hỏi ta thường thấy trong những bài phỏng vấn của các phóng viên truyền hình và báo chí khi biểu dương một người tốt việc tốt nào đó.
Và câu trả lời ta thường nhận được: Đó là vì yêu nghề, yêu người. Sự thực, ở ngoài đời chúng ta vẫn thường nói với nhau một cách "cởi mở" hơn: Đó là vì nơi này lương cao, lắm tiền, việc làm thanh sạch, thơm tho. "Lương cao" hay "việc làm thơm tho" thực chất bao hàm hai yếu tố mà như người ta vẫn nói: ấy là cái danh, cái lợi.
Ấy vậy mà, tưởng là đơn giản, đem câu hỏi này đặt ra với những người viết văn bây giờ, chắc hẳn nhiều người trong số họ phải lúng túng, không biết nên nói như thế nào.
Bảo là viết văn vì danh ư? Thật ra bây giờ, những người hám danh cũng không "ăn nhằm" gì trong cái nghề này. Thực tế, sách bây giờ in ra quá dễ, đến nỗi gần như việc ra sách cũng không làm cho người ta ngạc nhiên lắm… Thời bao cấp, một nhà thơ có tập thơ in ra, đã nghiễm nhiên coi như được "cốp dấu chất lượng" vào tác phẩm. Bây giờ thì ngược lại, ai in mà chẳng được, miễn là có tiền. Không in nơi này thì in nơi khác, không nhà xuất bản này thì nhà xuất bản khác.
Thì đã chẳng từng xảy ra chuyện: Một tác phẩm bị từ chối ở nhà xuất bản này, thì chỉ chưa đầy chục ngày sau đã thấy tác giả mang tác phẩm ấy in ở nhà xuất bản khác sang tặng biên tập viên với ý giễu cợt! Quả đúng như một nhà thơ đã hóm hỉnh trả lời khi có người hỏi anh cái khác của việc in thơ bây giờ: Ngày xưa, khi ra tập thơ, bạn bè bắt tay chúc mừng: "Cậu viết khỏe thật". Bây giờ thì họ chúc mừng: "Chà, cậu làm ăn phát đạt quá".
Người viết văn bởi mọi sự đến dễ quá nhiều khi cũng chán. Người đọc càng ngày càng mất lòng tin. Nhiều bài giới thiệu sách bây giờ đều vô căn cứ. Một tác giả sách vừa in đã liệt kê ra hết mặt bìa sau lời "đánh giá" ngất ngưởng của công luận về tác phẩm của mình (kỳ thực là do tác giả đặt hàng bè bạn). Những chuyện này dần dần càng ngày càng làm dung tục hóa đời sống văn học. Bởi vậy mà, cái danh đối với người viết văn bây giờ chỉ là cái bóng.
Còn nói về tiền, ai dám bảo là mình làm thơ, viết văn vì tiền. Vì thực tế, có những nghề đơn giản khác còn kiếm dễ, nhanh hơn nhiều. Tản Đà trước đây đã từng viết:
Bao nhiêu củi nước mới thành văn.
Được bán văn ra chết mấy lần.
Chao ôi, có nghề gì mà "được bán" với "không được bán", rồi được bán để "chết mấy lần", "ế mấy lần" còn khổ biết bao nhiêu! Bởi vậy, ta cũng dễ hiểu với tâm lý của nhiều biên tập viên nhà xuất bản. Ai lại làm khó dễ với những người tự xin "được bán văn", trong khi cầm chắc là đem ra bán để nhận lỗ. Tình hình giấy in ngày càng đắt, thị trường sách tràn ngập, giá cả lộn xộn, văn đàn thiếu trọng tài, lấy ai môi giới cho ai đây? Chẳng lẽ, các nhà thơ nghiêm túc phải nai lưng đem thơ của mình đi bán, lại thiếu tế nhị khi quảng cáo, rao hàng của mình, rồi mạt sát người không mua sách mình là vô văn hóa?…
Dẫn ra vậy để thấy, ai đó mưu cầu ở nghề văn hoặc là danh, hoặc là lợi, thì cầm chắc là họ đã đi sai đường. Còn với những người dẫu biết đây là một nghề "mất nhiều, được ít" song vẫn quyết dấn thân, vì đơn giản, với họ, đấy là niềm đam mê tự thân, thì người viết bài này không thể nói gì hơn là xin ngả đầu bái phục