Cửa sổ văn nghệ

Đãng trí

Thứ Sáu, 22/10/2010, 11:15
Nói đến sự hình thành một ca khúc, bao giờ công chúng cũng quan tâm đến phần nhạc và phần lời một cách kỹ lưỡng và công bằng. Cũng bởi lẽ ấy mà gần đây, dư luận nhiều lần lên tiếng gay gắt về ca khúc nhạc trẻ có phần lời hạn chế thẩm mỹ. Phần nhạc dù xuất sắc đến mấy cũng không thể làm nên ca khúc hay, nếu phần lời yếu kém. Ví dụ, ca khúc lừng danh thế giới như "Triệu bông hồng" cũng được nhạc sĩ Alla Pugacheva viết theo thơ của nhà thơ Voznesensky.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp cơm không lành canh không ngọt giữa tác giả phần nhạc và tác giả phần lời. Ví dụ, nhạc sĩ Trần Quang Lộc hết bị nhà thơ Tô Như Châu đòi trả lại tên cho phần lời "Có phải em mùa thu Hà Nội" lại bị nhà thơ A Khuê đòi quyền đồng tác giả ca khúc "Về đây nghe em". Thế nhưng, hiện tại, trong đời sống văn nghệ vẫn còn không ít tác giả phần lời chưa được các nhạc sĩ trân trọng đúng mức. Đành tin nhạc sĩ mải mê theo giai điệu nên sơ ý lãng quên sự đóng góp của phần lời. Ở đây, xin nêu ra ba ca khúc đang tồn tại nhiều băn khoăn

Bài hát "Tùy hứng lý qua cầu" rất được yêu thích bởi vẻ đẹp sông nước Nam Bộ lung linh và nồng ấm. Hơi đáng tiếc, bài hát này chưa bao giờ ghi chú tác giả phần lời, dù nhiều người biết bài thơ "Điệu lý qua cầu" được nhà thơ Bế Kiến Quốc viết từ năm 1984 có nội dung biểu cảm: "Bằng lòng đi em/ Nhưng má anh đã mất/ Mịt mù xa Nam - Bắc khó đưa dâu/ Bằng lòng đi em. Nữa mai rồi cách mặt/ Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu!/ Bằng lòng đi em/ Dẫu chỉ nhờ câu hát/ Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau/ Bằng lòng đi em/ Mỗi khi buồn đến khóc/ Một mình anh ca điệu lý qua cầu!". Đọc nguyên vẹn bài thơ "Điệu lý qua cầu" ít nhiều thấy bài hát "Tùy hứng lý qua cầu" được gợi mở như thế nào!

Bài hát "Trái tim nhiều ngăn" cũng khiến công chúng không thể không nhớ đến bài thơ tình của Rasul Gamzatov có những câu thú vị như: "Còn 1000 người yêu em thì trong đó có tôi/ Còn 100 người yêu em thì vẫn có tôi/ Còn 1 người yêu em thì người đó là tôi/ Và nếu không còn ai yêu em nữa thì có nghĩa là trên núi cao kia Gamzatov nằm dưới mộ mất rồi".

Bài hát "Chim sẻ tóc xù" dù ca từ có biến tấu thì không thể nào phủ nhận vai trò xúc tác từ bài thơ "Phố ta" của Lưu Quang Vũ: "Em chờ anh trước cổng. Con chim sẻ của anh/ Con chim sẻ tóc xù/ Con chim sẻ của phố ta/ Đừng buồn nữa nhá/ Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?/ Con chim sẻ tóc xù ơi/ Bác thợ mộc nói sai rồi"

Một bài hát hay, không vì minh bạch tác giả phần lời mà giảm đi giá trị nghệ thuật. Giá như tất cả các nhạc sĩ đều hiểu điều ấy thì tốt đẹp biết bao!

Lê Thiếu Nhơn
.
.