Đảng đề cao tự do, dân chủ cho người cầm bút
Đại hội Đảng lần thứ X vừa họp đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, trong đó những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật “là những giá trị văn hóa đỉnh cao trong nền văn hóa Việt Nam”.
Để có được những tác phẩm như thế, Đại hội X đề ra phương châm hàng đầu, đó là “Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật”. Quan điểm đó là một bước tiến rất xa, rất mới mẻ về tư duy của Đảng đối với văn nghệ.
Xét theo một khía cạnh, quá trình tự do, dân chủ hóa đời sống văn nghệ lâu nay vẫn diễn ra không ngừng. Tư tưởng phong kiến không coi văn nghệ là một lĩnh vực sáng tạo độc lập (văn, sử, triết bất phân), đối với các tư tưởng gia phong kiến, văn nghệ không phải là cái “tự nó” mà “văn dĩ tải đạo”, văn nghệ là công cụ chuyên chở tư tưởng chính thống.
Trong chế độ thực dân, nhà văn Nguyễn Tuân (như mọi nhà văn khác) bị ông trưởng đồn cảnh sát người Pháp coi là phần tử “vô nghề nghiệp”. Viết văn không phải là một nghề được nhà nước thừa nhận, văn nghệ bị kiểm duyệt và lập tức bị cấm nếu phương hại đến chính quyền. Cũng trong một thời gian dài, do phải sống mái để giành chính quyền, để thắng trong chiến tranh và cả bởi cực đoan, ấu trĩ, ngay trong những người cộng sản, tư tưởng của Mác, của Lê nin về văn nghệ cũng bị hiểu sai lạc. Văn nghệ bị không ít người coi là “cái đinh ốc” trong cỗ máy cơ khí siêu hình, có nhiệm vụ “phục vụ quần chúng công nông binh” một cách máy móc, đơn giản. Trong một bối cảnh tư tưởng như thế, trong một điều kiện xã hội như thế, đây đó không tránh khỏi cách nhìn nhận, cách lãnh đạo cứng nhắc, cực đoan.
Sau 50 năm, thiết nghĩ không có gì trở ngại để không thẳng thắn nói ra cái đúng, cái sai của chúng ta trong một số vụ việc. Cũng như thế, không có gì trở ngại để không nhắc lại công khai, sòng phẳng cái được cũng như chưa được trong các cuộc tranh luận về mỹ thuật kháng chiến, về thơ tự do, về một vài bài thơ, cuốn truyện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ cải cách ruộng đất, thời kỳ chống Mỹ… Công khai, sòng phẳng như thế để một số người dù có muốn cũng không lợi dụng được những điều còn chưa rõ ràng để thêm bớt, xuyên tạc, gây nghi ngờ; lớp văn nghệ sĩ hôm nay hiểu rõ thực hư để yên tâm, hào hứng sáng tác.
Bởi vì dù có chậm chạp, đôi khi khúc mắc nhưng tự do, dân chủ cho sáng tác văn học - nghệ thuật luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tư tưởng đó không phải là sáng kiến hoặc công lao của riêng ai, nó là đòi hỏi khách quan của chính đời sống văn nghệ. Muốn có tác phẩm hay, người nghệ sĩ nhất thiết phải được tự do, nhất là tự do về tư tưởng. Muốn có tác phẩm hay, còn phải có dân chủ, mọi người đều có quyền bình đẳng trong sáng tạo, trong công bố, trong thẩm định khen chê tác phẩm và tất cả những quyền đó đều được thực hiện công khai, minh bạch.
Không thể có tác phẩm hay nếu để sáng tác ra nó người nghệ sĩ phải nghe theo một mệnh lệnh nào đó, ngoài “mệnh lệnh của trái tim”. Nhưng cũng không thể có tác phẩm hay nếu trái tim của người nghệ sĩ không thuộc về nhân dân, dân tộc, đất nước mình và đối với những nhà văn cộng sản (bởi không nhất thiết mọi nhà văn đều phải là đảng viên cộng sản), nói như nhà văn M.Sôlôkhốp, nếu trái tim không “thuộc về Đảng của mình”. Tự do và dân chủ có nghĩa là chúng ta chỉ chống lại những ngòi bút chống lại con người, chống lại dân tộc mình và chống lại quyền tự do, dân chủ của người khác.
Chúng ta có thể chấp nhận mọi khuynh hướng sáng tác, mọi thể nghiệm, mọi tiếng nói khác lạ kể cả mọi trình độ nghệ thuật, chỉ trừ những tác phẩm mạo danh nghệ thuật để nhằm những mục đích phản nhân văn. Chỉ có chấp nhận như vậy, với thái độ tôn trọng quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, chân thành chia sẻ thành công cũng như thất bại của họ mới hi vọng có thể, sau nhiều năm tháng nữa, vượt lên khỏi những tác phẩm “sàn sàn”, sẽ xuất hiện những tài năng lớn, những tác phẩm “xứng đáng với thời đại”.
Đó là cảm nghĩ của một người cầm bút vào những ngày này.Về quan điểm, Đảng đã khẳng định quyền tự do, dân chủ trong hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ. Đến lượt mình, người nghệ sĩ cần góp phần để quyền tự do, dân chủ ấy được thực hiện ngày một tốt hơn trong đời sống, trong sáng tác và cả trong việc chống lại những kẻ đang lợi dụng quyền tự do, dân chủ để chà đạp lên tự do, dân chủ của chính mình và những người như mình